45 năm đưa điện về vùng nông thôn Bình Định

Thứ năm, 14/10/2021 | 16:22 GMT+7
45 năm qua, EVNCPC đã vượt khó đi đầu trong việc đầu tư xây dựng để kéo điện về phủ khắp xóm, làng từ các vùng nông thôn xa xôi, đến vùng núi hẻo lánh của tỉnh Bình Định.
 
Cụm máy GM2100 số 2 của Nhà máy điện Nhơn Thạnh năm 1989.
 
Xuất phát điểm bằng không
 
Bình Định là một tỉnh thuần nông, kinh tế lạc hậu, cuộc sống người dân hoàn toàn phụ thuộc vào nông nghiệp. Sau ngày giải phóng, tỉnh tập trung phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt ngày càng cao, nhưng nguồn điện được cấp từ các nhà máy điện Diesel không đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến tình trạng thiếu điện, do đó việc đầu tư xây dựng để mở rộng lưới điện trên địa bàn càng gặp nhiều khó khăn. 
 
Ngành điện tỉnh Bình Định đã phát động các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp để vừa khôi phục, vừa tiếp nhận, lắp đặt các tổ máy phát điện Diesel từ mọi miền đất nước điều chuyển về; rồi chắt chiu từng giọt dầu Diesel để duy trì chế độ cấp điện “4 có 3 không” trong thời kỳ mà toàn miền Trung trong “cơn đói điện”. Thời điểm đó nguồn điện tại Nhà máy đèn Quy Nhơn chỉ có 05 tổ máy GM2100 phát điện với tổng công suất lắp đặt 10.500kW, còn lưới điện thì cũ nát và chỉ có trong khu vực trung tâm của thị xã Quy Nhơn; ngoài ra còn có 02 trạm Diesel phát điện nhỏ tại thị trấn An Nhơn và thị trấn Tuy Phước, chủ yếu sử dụng cho nhu cầu ánh sáng sinh hoạt và dịch vụ, phần nhỏ sử dụng cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các vùng nông thôn vẫn dùng đèn dầu. Điện sinh hoạt vẫn còn là ước mơ xa vời của đa số người dân nông thôn Bình Định lúc bấy giờ
 
Vào đầu thập niên 80 thế kỷ trước, trước yêu cầu phát triển của tỉnh nhà, cần phải có nguồn điện lớn để phục vụ sản xuất, đặc biệt là cho mục đích nông nghiệp, cấp điện cho các trạm bơm tưới, tiêu nông nghiệp; được sự chi viện của Trung ương, ngành điện đã điều động về cho Bình Định một số máy phát điện GM2100 của Mỹ, tổ máy Skoda của Tiệp Khắc, máy Man của Đức… để xây dựng mới NMĐ Nhơn Thạnh - Nhơn Phú và đường dây cấp điện áp 35kV từ NMĐ Nhơn Thạnh đã được xây dựng để hình thành “xương sống” về nguồn cung cấp điện cho cả tỉnh Bình Định. Tính đến năm 1990 thì các trạm trung gian 35/10kV tại các địa phương An Nhơn, Phù Cát, Tây Sơn cũng lần lượt ra đời, và một phần của huyện Tuy Phước, huyện Vân Canh được cấp điện từ đường dây 15kV nhận nguồn điện từ NMĐ Nhơn Thạnh để cấp điện cho khu vực trung tâm các huyện và vùng lân cận.
 
Ngoài ra, trong giai đoạn này các khu vực ở xa NMĐ Nhơn Thạnh như huyện Phù Mỹ, huyện Hoài Nhơn thì ngành điện tiến hành xây dựng các trạm phát điện tại chỗ: Trạm điện Đệ Đức - thị trấn Bồng Sơn, Trạm điện Trà Ổ -thị trấn Bình Dương, để cấp điện cho khu vực trung tâm huyện và các vùng ven theo khả năng nguồn phát. Cũng trong thời điểm đó các địa phương trong tỉnh cũng rất nỗ lực, chủ động phối hợp với ngành điện trong việc xây dựng nguồn phát điện Diesel tại chỗ ở để cấp điện cho nhu cầu của người dân tại địa phương như: Trạm điện Gò Bồi-huyện Tuy Phước, và một số huyện miền núi như: Trạm điện Hoài Ân, Trạm điện Vĩnh Thạnh, Trạm thủy điện sông Vố, và trạm phát điện An Hòa của huyện An Lão, Trạm điện đảo Nhơn Châu, khi mà nguồn điện tập trung còn thiếu và lưới điện thì chưa phát triển tới được. Tuy nhiên, ở giai đoạn đó thì việc cung cấp điện tại chỗ còn rất hạn chế vì nguồn điện có công suất nhỏ, lưới điện không liên kết, chập chờn vì máy móc cũ, lạc hậu, không có phụ tùng thay thế nên vận hành không ổn định.
 
Vào ngày 20/8/1993, tỉnh Bình Định được nhận điện từ lưới điện Quốc gia với cấp điện áp 35kV từ trạm 110kV-E16 (Quảng Ngãi) truyền tải điện qua đường dây 110kV Quảng Ngãi - Vĩnh Sơn - Quy Nhơn dài 220 km đã mở ra một trang mới trong việc cung cấp điện, để địa phương dần vượt qua thời kỳ “đói điện” cho đến nay. Bình Định chính thức nhận điện lưới Quốc gia, bắt đầu từ đây, hệ thống lưới điện trung áp, hạ áp trở thành hệ thống phân phối, đưa điện quốc gia về khắp vùng quê Bình Định. Đã có nguồn điện lưới Quốc gia nên quyết tâm của lãnh đạo địa phương và ngành điện là phải làm sao đưa điện về phủ kín được khắp các vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Định.
 
Từng bước đưa điện về các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo
 

Lễ công bố hoàn thành công trình đưa điện lưới Quốc gia ra xã đảo Nhơn Châu bằng cáp ngầm.
 
Ngày 18/11/1994, Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn phát điện hòa lưới 110kV, ngành điện tỉnh Bình Định chính thức chấm dứt vận hành Nhà máy Diesel Nhơn Thạnh (NMĐ Nhơn Thạnh), và cùng chính quyền địa phương tập trung cho công tác cải tạo, xây dựng lưới điện để đảm bảo nguồn điện Quốc gia được đưa về khắp vùng miền trong địa bàn tỉnh, đáp ứng kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đời sống của người dân trên địa bàn. Thời điểm đó, ngành điện Bình Định vừa ra sức cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng đang có, đồng thời tìm nguồn vốn đầu tư để mở rộng lưới điện với quyết tâm phải đưa điện về 100% các địa phương trong tỉnh trong thời gian sớm nhất.
 
Nếu kể từ tháng 8/1993 khi lưới điện Quốc gia về đến Bình Định, thì chỉ hai năm sau đến cuối năm 1995 thì 100% các địa phương cấp huyện của tỉnh đã có điện lưới Quốc gia về tới: huyện Phù Mỹ năm 1994, huyện Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh năm 1995, huyện Hoài Ân, An Lão năm 1996. 
 
Chương trình phủ điện trong toàn tỉnh lúc đó đã được các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện. Với phương châm Nhà nước và nhân dân, Trung ương và địa phương cùng làm điện, lưới điện đã nhanh chóng mở rộng, kéo dài đến các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Nhờ vậy, mà đến năm 1998 tại Bình Định đã có 100% số xã, phường có điện, trong đó có 151/155 xã, phường, thị trấn có điện lưới Quốc gia, có hơn 80% số hộ dân khu vực nông thôn, miền núi được sử dụng điện; chỉ còn lại 04 xã: Canh Liên huyện Vân Canh, xã An Nghĩa, xã An Toàn huyện An Lão và xã đảo Nhơn Châu thuộc TP Quy Nhơn là sử dụng nguồn điện Diesel nhỏ tại chỗ và các dạng năng lượng khác. Lần lượt điện lưới được kéo về những xóm, làng xa xôi, hẻo lánh, có những nơi chỉ có chục hộ dân, hóa đơn tiền điện mỗi hộ vài chục ngàn, chưa đủ chi phí để công nhân đi thu tiền điện hằng tháng, nhưng chính niềm vui của người dân khi dòng điện về xóm, làng... luôn là động lực cho cán bộ, công nhân viên ngành điện phấn đấu trong suốt những năm qua. Đến năm 2010, các xã miền núi Canh Liên của huyện Vân Canh, xã An Toàn, An Nghĩa của huyện An Lão đã được phủ điện lưới Quốc gia, và đến tháng 8/2020 thì xã đảo Nhơn Châu nhận điện lưới Quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển.
 
Khi lưới điện đưa về các vùng nông thôn, miền núi, bộ mặt nông thôn Bình Định đã có những chuyển biến đáng kể, một bộ phận lớn các hộ ở nông thôn, miền núi đã mua sắm các phương tiện dùng điện để phục vụ sản xuất, và các phương tiện phục vụ cho sinh hoạt gia đình. Điện phục vụ cho người dân bơm nước thủy lợi, bơm nước từ giếng đóng để tưới cho cây trồng những tháng nắng hạn, phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, xay xát gạo, sản xuất gạch ngói, đá lạnh… và các nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như: rèn, đúc, chằm nón lá, chế biến thực phẩm… đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân Bình Định, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở địa phương.
 
Từ năm 2000, lưới điện nông thôn Bình Định có bước đổi thay đáng kể, nhiều dự án điện được Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Trung đầu tư xây dựng tại Bình Định như: Dự án lưới điện nông thôn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Đầu tư phát triển Châu Á (ADB); các dự án Năng lượng nông thôn REI, REI mở rộng, REII; Dự án thành phần lưới điện phân phối nông thôn RD... và hàng loạt các giải pháp khác được triển khai thực hiện, đảm bảo cho lưới điện vận hành an toàn, đặc biệt là cấp điện về vùng nông thôn.
 
Trong số 19 tiêu chí để xây dựng nông thôn mới, trong các năm qua ngành điện Bình Định luôn nỗ lực đồng hành cùng địa phương thực hiện tiêu chí số 4 về điện. Tuy nhiên, khó khăn nhất là vẫn là các hiện trạng lưới điện nông thôn đã xuống cấp trầm trọng tiếp nhận từ các hợp tác xã điện trong tỉnh.  Tính đến thời điểm bàn giao lưới điện nông thôn tại các xã khu vực nông thôn, thì phần lớn được xây dựng từ 20-30 năm trước và do địa phương quản lý, vận hành, kinh doanh bán điện; do việc xây dựng tự phát, chắp vá, với nguồn vốn hạn hẹp nên hầu hết lưới điện không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, ngoài ra trong quá trình vận hành khai thác lưới điện hầu như không được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cho nên lưới điện xuống cấp, mất an toàn, chất lượng điện không đảm bảo, nên phần lớn tổn thất điện năng khu vực nông thôn rất cao, có nơi tỷ lệ tổn thất điện năng lên tới 30-40% do nhiều công tơ điện vận hành không chính xác, hoặc bị hư hỏng nhưng vẫn không được thay thế và số hộ mua điện theo hình thức khoán của địa phương chiếm tỷ lệ lớn. Sau tiếp nhận, PC Bình Định đã kịp thời lập phương án để cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn theo tiến độ đặt ra và đã đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành lưới điện an toàn, tin cậy để cung cấp điện cho các khu vực nông thôn.
 
Nếu như sau ngày giải phóng 31/3/1975 các vùng nông thôn, miền núi của tỉnh Bình Định còn “trắng điện” thì 45 năm sau, PC Bình Định đang quản lý vận hành với khối lượng: đường dây 110kV với chiều dài 481 km, đường dây trung áp 35,22kV với chiều dài 2.394 km; đường dây hạ áp với chiều dài 3.657 km; cấp điện qua 4.140 TBA phân phối với tổng dung lượng trên 800.000kVA. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có 100% xã, phường có điện lưới Quốc gia với một nguồn cấp điện an toàn, tin cậy, chất lượng để đáp ứng nhu cầu phát triển mọi mặt đời sống của người dân.
 
Việc hoàn thành tiêu chí số 4 về điện trong công cuộc xây dựng nông thôn mới đã làm đổi thay diện mạo nhiều miền quê ở Bình Định. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các khu vực nông thôn, miền núi ngày càng giảm, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, sản xuất không ngừng phát triển, tạo điều kiện thu nhập của người dân ngày một nâng cao. Vùng nông thôn, miền núi, hải đảo ở Bình Định đã bừng sáng ánh điện, là yếu tố thuận lợi để các địa phương sẵn sàng thực hiện thắng lợi lộ trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2025: trên 91% số xã trong tỉnh đạt tiêu chí nông thôn mới, 36 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 07 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025).
 
Kết thúc năm 2020, sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh đạt 2,19 tỷ kWh, cấp điện cho hơn 450 ngàn khách hàng dùng điện, đây là những cột mốc quan trọng trong hành trình 45 năm xây dựng, phát triển nguồn lưới điện tại địa phương sau ngày giải phóng. Nguồn, lưới điện đã phát huy tác dụng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại Bình Định.
 
Đến hết năm 2020, toàn tỉnh Bình Định có 04/11 đơn vị cấp huyện gồm: huyện Tuy Phước, TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới; có 77/112 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 68,75%. Hiện nay có 109/112 xã đạt tiêu chí số 4 về điện, chỉ còn lại 3 xã với khoảng trên 100 hộ dân ở 3 làng gồm: làng Canh Tiến của xã Canh Liên; làng Canh Giao của xã Canh Hiệp huyện Vân Canh; làng O2 của xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh là chưa được cấp điện từ lưới điện Quốc gia.
 
Theo: CPC