Ông Ingmar Stelter Giám đốc Chương trình Hỗ trợ năng lượng GIZ Việt Nam đại diện Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế CHLB Đức tặng hoa cho đại diện Bộ Công Thương - ông Nguyễn Văn Thành
Lễ tổng kết dự án với sự tham dự của các đại biểu đến từ Bộ Công Thương, Đại sứ quán Đức cùng các đối tác chính trong lĩnh vực điện gió bao gồm các nhà phát triển dự án, các đơn vị tài trợ và các nhà đầu tư.
Hợp tác Đức-Việt trong phát triển năng lượng gió bắt đầu từ năm 2009 mà thành quả là việc Chính phủ Việt Nam ban hành biểu giá điện gió đầu tiên năm 2011. Từ thành công này, Dự án ”Hỗ trợ Mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam” đã được ký kết và triển khai trong suốt giai đoạn 2014-2018 và sẽ kết thúc hoạt động vào cuối năm nay.
Theo đó dự án bao gồm 03 lĩnh vực hành động gồm: Nâng cao khung pháp lý; Nâng cao năng lực và Hợp tác công nghệ. Cụ thể, dự án đã nghiên cứu, tư vấn và đề xuất với Chính phủ các cơ chế khuyến khích phát triển lĩnh vực điện gió; nâng cao năng lực cho các chủ đầu tư, công ty tư vấn, ngân hàng thương mại, trường đại học, viện nghiên cứu, các cán bộ ở địa phương và trung ương; hỗ trợ các nhà đầu tư và tăng cường các điều kiện về khung pháp lý và quy định.
Đồng thời, dự án đã thực hiện các khóa đào tạo về kỹ thuật và tài chính cho cán bộ nhà nước và khối tư nhân, hỗ trợ hợp tác nghiên cứu Việt-Đức về năng lượng gió trong giai đoạn từ 2014 đến 2018 trong khuôn khổ ’Sáng kiến Công nghệ Khí hậu Đức’.
Sau 5 năm triển khai, dự án đã giúp tiết giảm gần 400.000 tấn khí thải CO2 tương đương, đồng thời dự án cũng đã đóng góp gián tiếp vào việc lắp đạt 200 MW của 6 nhà máy điện gió, cung cấp năng lượng sạch cho 140.000 hộ gia đình cùng 50 khóa đào tạo tương đương với 1.600 giờ đào tạo được tổ chức tại 10 tỉnh thành trên cả nước với gần 1.370 học viên... Một thành công lớn của Dự án là góp phần tư vấn Chính phủ Việt Nam thông qua quyết định về tăng giá điện gió vào tháng 9 năm 2018.
Ông Tobias Cossen – Giám đốc Dự án ”Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam” đại diện GIZ tặng hoa cho ông Bùi Văn Thịnh
Phát biểu tại Lễ tổng kết, Ông Martin Hoppe, Trưởng Phòng Hợp tác và Phát triển kinh tế, Đại sứ quán Đức, cho biết: “Năm 2013, Chính phủ hai nước đã thống nhất rằng Năng lượng sẽ là lĩnh vực ưu tiên trong phát triển quan hệ hợp tác song phương. Một năm sau đó, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện Dự án này, vào thời điểm mà thị trường điện gió chưa có nhiều phát triển và còn nhiều hoài nghi, đặc biệt trong khối doanh nghiệp tư nhân. Hiện tại, sau 5 năm triển khai, càng ngày càng có nhiều những nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đang có ý định đầu tư vào điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam. Thực sự, Dự án đã đóng vai trò quan trọng và là chất xúc tác trong việc thúc đẩy các nhà đầu tư vào Việt Nam.”
Đại diện cho các doanh nghiệp điện gió ông Bùi Văn Thịnh- Giám đốc Công ty Cổ phần phong điện Thuận Bình chia sẻ, với công ty Thuận Bình những khóa đào tạo do GIZ tổ chức thực sự hữu ích, chúng tôi được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức từ rất nhiều đối tác trong nước và quốc tế trong việc phát triển một dự án điện gió tại Việt Nam, kinh nghiệm quý báu đó đã giúp chúng tôi quản lý vận tốt nhà máy cũng như cho các dự án trong tương lai. Dự án Nhà máy điện gió Phú Lạc của chúng tôi là dự án đầu tiên của Việt Nam áp dụng đấu thầu cạnh tranh quốc tế, chúng tôi không phát sinh thêm một đồng chi phí bổ sung nào trong quá trình đầu tư xây dựng dự án nhưng chất lượng dự án, an toàn lao động đảm bảo. Vì vậy năm 2017 chúng tôi đã được Hiệp hội Điện gió châu Á trao tặng giải thưởng cho dự án điện gió tốt nhất châu Á và sau 2 năm 2 tháng vận hành thương mại Nhà máy vẫn vận hành ổn định với sản lượng điện đầu ra đảm bảo.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Đại diện Bộ Công Thương ông Nguyễn Văn Thành- Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chia sẻ: “Những hoạt động hỗ trợ của Chính phủ Đức thông qua dự án này đã góp phần không nhỏ giúp Việt Nam sớm hoàn thành các mục tiêu Phát triển bền vững, nhất là hoàn thành các cam kết quốc tế như Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu cũng như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu... và sau 5 năm hợp tác, dự án đã được triển khai thành công và hiệu quả”.
“Thách thức đối với Việt Nam trong lộ trình phát triển năng lượng xanh còn rất nhiều, do đó chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ Đức sẽ tiếp tục có những hỗ trợ tích cực để giúp Việt Nam phát triển năng lượng gió nói riêng và ngành năng lượng xanh nói chung một cách hiệu quả và bền vững. Phía Bộ Công Thương mà cơ quan đầu mối là Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tác, nhà tài trợ thực hiện thành công các chương trình, dự án tiếp theo”, ông Nguyễn Văn Thành cho biết.
Hiện thị trường năng lượng gió tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, tuy nhiên do Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa và được hơn 3.000 km đường bờ biển bao quanh. Với tiềm năng lý thuyết điện gió trên cả nước ước đạt mức 27 GW và sự phát triển của công nghệ cũng như sự giảm giá thành trong thời gian gần đây và trong tương lai và chính sách khuyến khích phát triển điện gió của Chính phủ, Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều các dự án điện gió trên khắp cả nước.