Tin trong nước

65 năm xây dựng và phát triển ngành điện thành phố hoa phượng đỏ

Thứ tư, 13/5/2020 | 14:51 GMT+7
Những ngày đầu tháng Năm tại thành phố Hải Phòng, hoa phượng đã cháy đỏ trên khắp các tuyến phố. Thành phố Hải Phòng đang có nhiều hoạt động chào mừng 65 năm ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2020), và đó cũng là ngày truyền thống của Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng.
 
Nhà máy điện Cửa Cấm Hải Phòng lúc đang xây dựng năm 1892 (chính thức vận hành ngày 29/02/1894).
 
Trưởng thành trong gian khó
 
Tiền thân của Công ty Điện lực Hải Phòng ngày nay là Nhà Đèn vườn hoa và Nhà máy điện Cửa Cấm cùng với hệ thống điện chiếu sáng được xây dựng từ năm 1892, là cơ sở phát điện đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương. Thực dân Pháp cũng lắp đặt một trạm phát điện nhỏ ở đường Francis Garnier (nay là đường Minh Khai) mà người dân quen gọi là Nhà máy đèn để phân biệt với Nhà máy điện Cửa Cấm.
 
Cùng với sự ra đời của Nhà máy Đèn Hải Phòng, đội ngũ những người thợ điện Hải Phòng đã hình thành và lớn mạnh. Phong trào đấu tranh của những người thợ điện phát triển từ hình thức đấu tranh tự phát tới đấu tranh có tổ chức với quy mô lớn. Năm 1930, khi Đảng cộng sản Đông Dương được thành lập thì Chi bộ Máy điện cũng là một trong những Chi bộ Đảng đầu tiên của Hải Phòng. Trong đội ngũ công nhân Ngành điện Hải Phòng đã xuất hiện nhiều chiến sỹ cách mạng ưu tú như Nguyễn Đức Cảnh, chủ tịch Công hội đỏ (1929 - 1930) đã từng là thợ điện Nhà máy điện Thượng Lý; đồng chí Hoàng Văn Đoài, bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên của ngành điện Hải Phòng, là thợ điện Nhà máy điện Cửa Cấm …
 
Trụ sở nhà máy đèn vườn hoa nay là Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng (Ảnh tư liệu).
 
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ngày 13/5/1955, quân đội Pháp rút khỏi Hải Phòng - miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Khi tiếp quản Thành phố vào ngày 13/5/1955, Nhà máy điện Hải Phòng (bao gồm bộ phận bán điện ở Vườn hoa và Xưởng phát điện Cửa Cấm), tổng số CBCNV lúc đó là 443 người (xưởng Cửa Cấm: 296 người, bộ phận Vườn hoa: 147 người).
 
Lính Pháp cuối cùng lên tàu rời khỏi Hải Phòng dưới sự giám sát của hai sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam tại Bến Nghiêng - Đồ Sơn
 
Những năm 60 ngành điện Hải Phòng đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống lưới điện để phục vụ cho nền công nghiệp non trẻ. Trạm điện 110kV An Lạc đã được xây dựng với tổng dung lượng 25.000kVA. Hàng loạt tuyến 35 kV được nối với An Lạc, phục vụ một phần cho sản xuất nội thành và một vùng ngoại thành rộng lớn. Các đường dây 35 KV: An Lạc – Xi Măng; An Lạc – Cửa Cấm; An Lạc – Kiến An – Tiên Lãng – Vĩnh Bảo – Thái Bình và các trạm biến áp trung gian các huyện ngoại thành Kiến An - Đồ Sơn – An Hải – An Lão – Tiên Lãng – Vình Bảo và Thuỷ Nguyên cũng lần lượt xây dựng.
 
Năm 1968, 50 CNVC Công ty đã tình nguyện vào xây dựng và vận hành trạm D5 Nam Hà. Năm 1973 đã cử 12 công nhân vào vùng vừa mới giải phóng tại tỉnh Quảng Trị để vận hành máy Diezel phục vụ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam.
 
Trong những năm tháng chiến đấu chống Mỹ hơn 300 công nhân viên chức Công ty Điện lực Hải Phòng đã tình nguyện lên đường vào các chiến trường đánh Mỹ. Công ty là một trong những đơn vị của Thành phố chi viện quân cao nhất cho tiền tuyến.  Những CNVC ở lại đã ngày đêm bám sát lò máy, trạm điện, đường dây để giữ vững dòng điện phục vụ sản xuất và chiến đấu, 41 công nhân đã ngã xuống bằng 1/3 tổng số công nhân ngành điện cả nước hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ. Những tấm gương dũng cảm quên mình trong sản xuất và chiến đấu đã làm rạng rỡ thêm trang sử vẻ vang của những người thợ điện Việt Nam.
 
Ngành điện Hải Phòng phát triển không ngừng
 
Từ ngày Thành phố Hải Phòng giải phóng (13/5/1955) cho đến nay, tổ chức và tên gọi của ngành Điện Hải Phòng luôn được thay đổi để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ. Đến tháng 3/1996 theo quyết định của Bộ Công nghiệp, Sở Điện lực Hải Phòng chuyển giao chức năng quản lý Nhà nước về điện cho Sở công nghiệp Thành phố. Sở chỉ làm nhiệm vụ quản lý sản xuất – kinh doanh điện năng trên địa bàn thành phố nên được đổi tên thành Điện lực Hải Phòng.
 
Với sự phát triển không ngừng của ngành Điện Thành phố và trên cơ sở phương án cải tiến tổ chức của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt tháng 7/4/1999, Bộ Công nghiệp đã có quyết định chuyển Điện lực Hải Phòng là đơn vị thuộc Công ty Điện lực I thành Công ty Điện lực Hải Phòng - đơn vị thành viên hạch toán độc lập trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam. Ngày 16/4/2006 Chính phủ đã có quyết định số 1354/QĐ-Ttg chuyển Công ty Điện lực Hải Phòng thành Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tháng 4/2010 trực thuộc Tổng Công ty điện lực Miền Bắc.
 
Sau ngày Miền Nam giải phóng đất nước thống nhất (năm 1975), công nhân viên chức Công ty Điện lực Hải Phòng lại tập trung vào công việc khôi phục lại lưới điện bị tàn phá và cải tạo lại lưới điện đã quá cũ nát do nhiều năm sử dụng. CNVC Công ty đã đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn thứ thách, luôn chủ động sáng tạo, phát huy ý chí và nội lực, đẩy mạnh tốc độ phát triển lưới điện. Năm 1998, đơn vị đã đưa lưới điện quốc gia ra đảo Cát Bà thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng và phục vụ cho sự phát triển khu kinh tế du lịch dịch vụ. Đặc biệt từ năm 1999 đã thực hiện cải tạo lưới điện Thành phố bằng các nguồn vốn ADB với tổng mức đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng.
 
Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng ngày nay.
 
Điện lực Hải Phòng đã xây dựng lưới điện Hải Phòng ngày càng phát triển cả về quy mô về số lượng và chất lượng đường dây và trạm biến áp. Hàng loạt các công trình đường dây và trạm biến áp 110 kV, 22 kV được đầu đầu tư xây dựng trên địa bàn nội ngoại thành đảm bảo cấp điện cho sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân Thành phố. Ứng dụng Công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh, từng bước áp dụng công nghệ tiên tiến, đưa các thiết bị hiện đại vào vận hành trong lưới điện như trung tâm thao tác xa để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của thành phố Hải Phòng.
 
Sản lượng điện qua từng năm của Công ty luôn tăng cao. Nếu như năm 1955 mới đạt 10 triệu kWh thì 40 năm sau (năm 1995) đạt 407 triệu kWh và đến năm 2019 đã đạt 6,2 tỷ kWh. Đến nay ngành điện Hải Phòng đã có được hệ thống lưới điện đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam với công suất đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của thành phố, bên cạnh đó có dự phòng 40%. Đó là một kết quả thiết thực chào mừng sự kiện kỷ niệm ý nghĩa 65 năm ngày truyền thống công ty, chào mừng đại hội Đảng bộ Công ty lần thứ 25.
 
Xác định rõ nhiệm vụ xuyên suốt của ngành Điện nói chung, Công ty Điện lực Hải Phòng nói riêng, là luôn đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, có thể nói, ngành điện Hải Phòng đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển của thành phố Hải Phòng.
Tuấn Hoàng (tổng hợp)