Đổi mới doanh nghiệp

99,9% người dân TP. Hồ Chí Minh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt

Thứ hai, 22/7/2024 | 08:57 GMT+7
Hiện nay tỷ lệ khách hàng sử dụng điện thanh toán điện tử, không sử dụng tiền mặt để thanh toán tiền điện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt gần 99,9%.

Khách hàng sử dụng điện Nguyễn Đình Sơn (ngụ tại 256, đường Độc Lập, phường Tân Thành, quận Tân Phú. TP. Hồ Chí Minh) kiểm tra thanh toán hóa đơn tiền điện qua app của ngân hàng trên điện thoại (Ảnh: Thanh Minh).

Bảo đảm an toàn, minh bạch, tiện lợi

Thời gian qua, ngành điện TP. Hồ Chí Minh đã tích cực phối hợp với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai các giải pháp gia tăng tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, nhằm đẩy mạnh việc thực hiện triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ, qua đó mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và ngành điện.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đình Sơn (khách hàng ngụ tại 256, đường Độc Lập, phường Tân Thành, quận Tân Phú) - cho biết: Trong những năm trước đây tôi thường xuyên nhận được thông tin từ điện lực về việc thanh toán trích nợ tự động, thanh toán không tiền mặt. Tuy nhiên, phải đến khi có dịch Covid xảy ra tôi mới thấy việc này là cần thiết và tôi duy trì việc thanh toán này cho đến nay, trong tương lai tôi sẽ tiếp tục thanh toán không tiền mặt.

Trước đây tôi phải mang tiền mặt đến các điểm thu để thanh toán mất rất nhiều thời gian đi lại và phải lưu giữ chứng từ đã thanh toán bằng giấy nhưng hiện nay việc thanh toán có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi qua app của ngân hàng rất tiện lợi, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

“Tôi thấy ưu điểm nhất là không lo bị cắt điện vì quá hạn thanh toán khi áp dụng thanh toán trích nợ tự động, tôi có thể thực hiện qua ngân hàng hoặc qua ví điện tử đều được” - khách hàng Nguyễn Đình Sơn nói.

Về phía doanh nghiệp, ông Phan Thanh Phổ - Trưởng Phòng hành chính Công ty Cổ phần Thiết bị Nhà bếp Vi Na - cho biết: Công ty thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt từ khi ký kết hợp đồng mua bán điện với ngành điện cho đến nay.

Ông Phan Thanh Phổ (thứ 2 bên trái) - Trưởng Phòng hành chính Công ty Cổ phần Thiết bị Nhà bếp Vi Na: Hiện công ty thanh toán tiền điện qua hình thức trích nợ tự động nên việc thanh toán rất nhanh chóng và thuận tiện trong công việc (Ảnh: Thanh Minh).

“Trước đây công ty thanh toán bằng hình thức ủy nhiệm thu phải thông qua điện lực làm thủ tục thanh toán gửi ngân hàng để gạch nợ mất nhiều thời gian, và bộ phận kế toán phải theo dõi lấy hóa đơn tiền điện về làm báo cáo sổ sách kế toán. Nay công ty đã chuyển qua hình thức trích nợ tự động nên việc thanh toán rất nhanh chóng và thuận tiện trong công việc. Đây là phương pháp thanh toán mới, hay và hiệu quả cần nhân rộng cho tất cả doanh nghiệp” - đại điện Công ty cổ phần Thiết bị Nhà bếp Vi Na bày tỏ.

Là một trong những đơn vị có tỷ lệ khách hàng sử dụng điện thanh toán không dùng tiền mặt cao thuộc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, ông Phan Vân Phong Vũ - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tân Phú - cho biết: Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, ngành điện TP. Hồ Chí Minh nói chung, Công ty Điện lực Tân Phú nói riêng đã tích cực phối hợp với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai các giải pháp gia tăng tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.

Theo đó, tính đến tháng 6/2024, tỷ lệ khách hàng thanh toán điện tử, không sử dụng tiền mặt để thanh toán tiền điện trên địa bàn quận Tân Phú đạt 99,87% về khách hàng, tương ứng với 99,7% giá trị hóa đơn. Điều này cho thấy có sự dịch chuyển nhanh chóng sang các hình thức không tiền mặt khi tỷ lệ thanh toán qua ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking, trích nợ tự động... đang chiếm ưu thế.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) - cho biết: Đến nay, ngành điện TP. Hồ Chí Minh đã hợp tác với 23 ngân hàng và 11 đối tác trung gian hợp tác thu hộ tiền điện, với gần 72.000 điểm thu trên địa bàn thành phố như: Tại các điểm giao dịch của ngân hàng, cửa hàng tiện lợi, bưu cục, các siêu thị, cửa hàng điện thoại, điểm đặt máy ATM…

Đáng chú ý Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh rất chú trọng phát triển các kênh thanh toán điện tử như Internet/Mobile/SMS Banking hoặc trích nợ tự động; qua website www.cskh.evnhcmc.vn; qua ví điện tử (Momo, Zalo pay, ViettetPay, VNPTPay,...), thanh toán quá qua mã QR Code… Cùng với đó, ngành điện đang hợp tác với các đối tác thu hộ thực hiện các chương trình ưu đãi như: hoàn tiền khi thanh toán tiền điện qua ví điện tử; giảm giá khi thanh toán tiền điện của ZaloPay, ViettelPay, VNPTPay, Momo...

Thêm vào đó, hiện nay hầu hết các ứng dụng ngân hàng đều tích hợp dịch vụ thanh toán tiền điện nên rất thuận lợi cho người dân và khách hàng. Ngoài ra, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí minh cũng có ứng dụng chăm sóc khách hàng, qua đó khách hàng có thể theo dõi tình hình tiêu thụ điện, nhận các thông báo tiền điện và thực hiện thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt qua ứng dụng

“Hiện tỷ lệ khách hàng thanh toán điện tử, không sử dụng tiền mặt để thanh toán tiền điện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 99,85% về khách hàng và tương ứng 99,7% giá trị hóa đơn” - ông Bùi Trung Kiên thông tin,.

Theo ghi nhận của phóng viên, việc sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến và không sử dụng tiền mặt để thanh toán tiền điện mang lại nhiều tiện ích khác như: Thanh toán mọi lúc, mọi nơi với các phương thức thanh toán trực tuyến; thanh toán chính xác tới số lẻ tiền; thực hiện nhanh chóng; tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Đặc biệt, thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo yếu tố an toàn; tránh rủi ro rơi, mất tiền mặt… Đối với hình thức thanh toán trích nợ tự động, khách hàng không cần phải nhớ lịch thanh toán hóa đơn hằng kỳ; không lo bị ngừng cung cấp điện và mất phí đóng lại điện do quên thanh toán tiền điện.

Mặt khác, việc thực hiện thanh toán không tiền mặt sẽ giúp ngành điện nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực tế là sau khi không còn thu tiền tại nhà khách hàng, ngành điện đã sắp xếp lại lực lượng lao động, đào tạo lại và bố trí các nhân viên thu tiền điện trước đây sang làm công tác khác nhằm tối ưu hóa nguồn nhân lực.

Có thế thấy với sự nỗ lực của ngành điện và các đối tác, tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, trong những năm gần đây ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số khách hàng dùng tiền mặt khi thanh toán, đặc biệt là sử dụng tiền mặt chuyển vào ví tại các điểm thu hoặc thanh toán tiền mặt tại các ngân hàng.

Hướng đến 100% người dân trả tiền điện không dùng tiền mặt vào năm 2025

Ông Bùi Trung Kiên nhìn nhận, việc triển khai áp dụng hình thức thanh toán tiền điện bằng các kênh thanh toán điện tử là xu hướng được lựa chọn của cuộc sống hiện đại. Do đó Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.

Ngành điện TP. Hồ Chí Minh hướng đến 100% người dân trả tiền điện không dùng tiền mặt vào năm 2025 (Ảnh: Thanh Minh).

Để hiện thực hóa mục trên, ông Bùi Trung Kiên cho biết, Tổng công ty sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để phối hợp các đối tác thực hiện giai đoạn tới. Cụ thể, chúng tôi sẽ phân loại nhóm khách hàng thường xuyên thanh toán tiền mặt để vận động đăng ký trích nợ tự động, mở ví điện tử. Đồng thời, làm việc với các đối tác trên địa bàn mình quản lý phối hợp quảng bá hình thức thu tiền điện bằng các kênh thanh toán điện tử.

“Để tiến tới việc thanh toán tiền điện 100% không sử dụng tiền mặt, ngoài sự nỗ lực của ngành điện, rất cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, các tổ chức thanh toán trung gian và các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, nâng cao nghiệp vụ, hạ tầng công nghệ... Từ đó, đem đến sự tiện ích tốt nhất cho khách hàng thanh toán tiền điện qua hình thức không dùng tiền mặt” - đại diện ngành điện TP. Hồ Chí Minh mong muốn.

Link gốc

 

Theo: Báo Công thương