Sự kiện

AHLĐ Thái Phụng Nê: Người đặt nền móng cho những công trình thuỷ điện

Thứ năm, 22/5/2014 | 09:23 GMT+7
Mọi người gọi ông là “ông thuỷ điện”, bởi cả cuộc đời ông gắn liền với các công trình thuỷ điện của đất nước, từ Thác Bà, Hoà Bình, Yaly, Vĩnh Sơn, Sông Hinh, Thác Mơ và gần đây là đại dự án thuỷ điện Sơn La, Lai Châu, các bậc thang trên của thuỷ điện Hoà Bình. Thoắt cái, đã thấy ông lên công trường. Thời gian ông được Thủ tướng Chính phủ giao kiểm tra tiến độ các dự án nguồn điện trong quy hoạch điện VI, VII, cứ định kỳ 6 tháng/lần ông lại đi một vòng các công trình từ Bắc chí Nam, như một “cỗ máy” hoạt động không mệt mỏi so với tuổi “xưa nay hiếm”.

Làm lợi cho Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng

Ông Thái Phụng Nê - nguyên Phái viên của Thủ tướng Chính phủ nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Chính phủ Pháp trao tặng.
Bất cứ ai có dịp làm việc với ông đều khâm phục về sức làm việc dẻo dai, phi thường so với tuổi đã gần... bát thập.

Gọi điện cho ông để báo tin ông là một trong số những tấm gương điển hình được tôn vinh trong chương trình Vinh quang VN, ông bảo ông đang ở thuỷ điện An Khê-Kanak tận Bình Định, công trình này vào năm ngoái đã xảy ra sự cố có nguy cơ vỡ đập, phải tìm các giải pháp để gia cố. Hầu như không lúc nào ông không ngừng làm việc.

Sau khi rời chức Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên, ông được giao nhiệm vụ là phái viên của Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, thẩm định thiết kế và thi công dự án thuỷ điện Sơn La, công trình thế kỷ được Quốc hội ra nghị quyết về chủ trương xây dựng năm 2003, với yêu cầu năm 2012 phát điện tổ máy số 1 và năm 2015 hoàn thành toàn bộ nhà máy.

Ý thức được tầm quan trọng của dự án, ông yêu cầu tư vấn thiết kế chú trọng các tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng riêng cho công trình bộ tiêu chuẩn thiết kế riêng, áp dụng tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.

Được chỉ định làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định thiết kế kỹ thuật dự án Sơn La, ông đã ủng hộ phương án chia thiết kế làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 làm rõ tim công trình, bố trí tổng thể công trình chính và công trình dẫn dòng để có thể tranh thủ xây dựng trước công trình dẫn dòng, đồng thời với công tác chuẩn bị xây dựng nhà máy.

Năm 2004, nhờ việc đẩy nhanh tiến độ thi công ống dẫn dòng ngay sau khi thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 được thông qua, đã góp phần giúp công trình rút ngắn tiến độ thi công sớm 1 năm. Từ đó, tạo tiền đề cho việc phát điện tổ máy số 1 thuỷ điện Sơn La sớm trước 2 năm và hoàn thành toàn bộ công trình sớm trước 3 năm so với nghị quyết Quốc hội đề ra, làm lợi cho Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng từ phát điện sớm.

“Nốt lặng” trong bản hoà ca

Từ năm 2004, Thủ tướng giao ông nhiệm vụ tổ chức kiểm tra việc thực hiện tiến độ các dự án nguồn điện thuộc Tổng sơ đồ điện VI và VII, ông lại rong ruổi trên các công trình nguồn điện.

Định kỳ 6 tháng/lần, ông dẫn đầu đoàn thẩm định nhà nước đi kiểm tra tiến độ tất cả các dự án nguồn điện từ nhiệt điện, thuỷ điện, turbin khí, đang thi công và chuẩn bị khởi công từ Bắc chí Nam, từ dự án thuỷ điện Nho Quế ở địa đầu đất nước Hà Giang đến dự án turbin khí hỗn hợp Cà Mau.

Sau mỗi đợt kiểm tra, với chuyên môn sâu về các công trình nguồn điện, ông đều có báo cáo Thủ tướng để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai. Nan giải nhất là việc chậm tiến độ dự án liên quan đến giải phóng mặt bằng, ông cũng trực tiếp làm việc với các tỉnh có các hồ thuỷ điện, đường dây đi qua, kịp thời có giải pháp tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ dự án.

Ông nêu một tấm gương sáng về tinh thần tận tuỵ trong công việc. Ông bảo, đóng góp của tôi chỉ là một phần nhỏ trong cả khối lượng công việc đồ sộ của các dự án, có sự đóng góp từ những con người thầm lặng. Như một nốt lặng trong bản hoà âm, đã ở tuổi 78, ông vẫn bền bỉ lên công trường thuỷ điện Lai Châu để tiếp tục công việc. Ông khẳng định với một niềm tin chắc chắn, thuỷ điện Lai Châu sẽ về đích trước 1 năm so với dự kiến ban đầu, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2015 và hoàn thành toàn bộ nhà máy vào năm 2016.
 
Theo: Báo Lao động