Sự kiện

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia: Người chỉ huy tài ba

Thứ tư, 14/5/2014 | 16:31 GMT+7
Cùng với việc xây dựng hệ thống đường dây tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc -Nam, ngày 30-9 -1992, Bộ Trưởng Bộ Năng lượng đã ký quyết định thành lập Ban chuẩn bị sản xuất Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia trực thuộc Công ty điện lực 1, gần một năm sau, Ban CBSX được đổi thành chi gọi tắt là chi nhánh A500 trực thuộc Ban quản lý công trình đường dây 500 kV -Bộ Năng lượng, có nhiệm vụ chủ yếu là chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thành lập Trung tâm điều độ HTĐ Quốc gia. Từ những cơ sở ban đầu đó, ngày 11- 4-1994, Bộ trưởng Bộ Năng lượng ký quyết định thành lập Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia trực thuộc Bộ Năng lượng (gọi tắt là A0) với nhiệm vụ số một là chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng trong HTĐ Quốc gia nhằm đạt kết quả tối ưu về kỹ thuật và kinh tế; đảm bảo HTĐ Quốc gia vận hành liên tục, tin cậy, an toàn.
 

Nhiệm vụ số một  của A0 là chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng đảm bảo HTĐ Quốc gia vận hành liên tục, tin cậy, an toàn. Ảnh: Ngọc Hà

 
Bước phát triển quan trọng

Nhiệm vụ đầu tiên của Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia sau ngày thành lập là chuẩn bị phương thức đóng điện và vận hành hệ thống truyền tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc -Nam. Trước ngày 27-5-1994, hệ thống điện Việt Nam bao gồm ba hệ thống điện miền Bắc, miền Nam và miền Trung vận hành độc lập, với cấp điện áp truyền tải cao nhất là 220 kV. Do vậy, vận hành đường dây 500kV để liên kết ba hệ thống điện miền là một bài toán vô cùng mới mẻ mà sự phức tạp, là đề tài bàn luận của rất nhiều nhà khoa học trong nước. Để có thể chuẩn bị tốt cho nhiệm vụ này, ngay từ tháng 3 đến tháng 12-1993, hơn 30 kỹ sư được tuyển chọn từ các đơn vị, công ty điện lực phía Bắc để theo học các khoá đào tạo tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội, các khoá đào tạo vận hành và phân tích hệ thống tại Úc, Bỉ. Sau khóa học trở về, suốt 5 tháng, không khí làm việc sôi nổi và khẩn trương bao trùm toàn  Trung tâm để hoàn thành các công việc cần thiết cho việc hoà điện đường dây 500 kV. Cùng với các chuyên gia nước ngoài đặc biệt là các chuyên gia Úc, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã kiểm tra, tính toán các phương án phóng điện và hoà điện đường dây 500 kV, phương án vận hành hệ thống điện hợp nhất Việt Nam sau khi hoà điện, kiểm tra tính toán các trị số chỉnh định rơ-le, bảo vệ, viết các phiếu thao tác đóng điện,.. nhằm đảm bảo việc hoà đường dây 500 kV Bắc-Nam và vận hành hệ thống điện Quốc Gia được an toàn và ổn định nhất.

Vào ngày lịch sử 27-5-1994, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tới phòng điều khiển của Trung tâm điều độ HTĐ Quốc Gia để chỉ đạo công tác đóng điện đường dây 500 kV Bắc – Nam. Trước sự chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Bộ Năng lượng, của các Ban ngành và đơn vị, các Kỹ sư của Trung tâm đã tiến hành đóng điện thành công đường dây 500 kV. Thời điểm đầu tiên hoà điện 4 tổ máy của nhà máy thuỷ điện Hoà Bình với Hệ thống điện miền Nam  đã trở thành mốc lịch sử, đánh dấu một bước phát triển mới của Hệ thống điện Việt Nam nói chung và công tác điều độ Hệ thống điện ở Việt Nam nói riêng.

Năm 1995, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam được thành lập nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia trở thành đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn. Nhiệm vụ mới giao thêm cho Trung tâm là tiếp nhận điều hành trực tiếp tất cả các nhà máy điện có công suất tổ máy trên 30 MW nhằm khai thác hiệu quả tổng hợp các nhà máy điện, đảm bảo việc cung cấp điện an toàn, ổn định cho các nhu cầu dùng điện trên phạm vi toàn quốc.  Ba năm sau, Trung tâm đã tiếp nhận ba Trung tâm Điều độ HTĐ miền đang trực thuộc các Công ty điện lực 1, 2, 3 về trực thuộc Trung tâm điều độ HTĐ Quốc gia. Toàn Trung tâm đảm nhận nhiệm vụ điều hành trực tiếp HTĐ bao gồm các nhà máy điện có công suất lớn hơn 30 MW, hệ thống truyền tải từ cấp điện áp 110 kV đến 500 kV.

Không được phép thất bại

Năm 2012 đánh dấu bước ngoặt mới của Trung tâm khi thực hiện nhiệm vụ vận hành thị trường phát điện cạnh tranh chính thức tại Việt Nam. Thực hiện mục tiêu phát triển thị trường điện tại Việt Nam theo đúng lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện, từ năm 2004, trung tâm đã tổ chức nghiên cứu, tham gia cùng với Tập đoàn điện lực Việt nam, Cục điều tiết điện lực xây dựng thiết kế, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, các qui trình, cơ sở vật chất cho việc vận hành thị trường điện lực. Với nỗ lực không ngừng của CBNV trung tâm, việc vận hành thị trường điện thí điểm từ 1-7-2011 và vận hành chính thức từ 1-7-2012 đã được thực hiện thành công.

Hai mươi năm qua, sản lượng điện không ngừng tăng trưởng, từ 12,3 tỷ lên 131 tỷ kWh, công suất cực đại của hệ thống cũng tăng tương ứng từ 2.790 MW lên 21.200 MW. Với sự lớn mạnh của hệ thống điện Việt Nam là sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia với vai trò chỉ huy trong vận hành hệ thống điện Việt Nam.

Trải qua 20 năm phát triển, những khó khăn, thách thức đối với hệ thống điều độ liên tục nảy sinh, có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan như tiến độ các nguồn điện mới trong một số giai đoạn chưa đáp ứng được yêu cầu, việc đầu tư phát triển lưới điện còn còn nhiều khó khăn, hệ thống rơ-le bảo vệ, tự động chống sự cố cũng chưa được đồng bộ, yếu tố khí hậu thuỷ văn bất định do biến đổi khí hậu... Nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo, không ngừng học hỏi, tập thể CBCNV Trung tâm đã quản lý tốt, nhanh chóng làm chủ và khai thác có hiệu quả các thiết bị công nghệ hiện đại, các phần mềm tính toán chuyên dụng, trực tiếp tính toán, đưa ra các phương thức vận hành và chỉ huy vận hành HTĐ tối ưu về an toàn và kinh tế, góp phần đảm bảo cung cấp điện liên tục ổn định cho các nhu cầu kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của toàn dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đất nước.

Cùng với nhiệm vụ chính là chỉ huy điều hành sản xuất, những năm vừa qua Trung tâm đã thực hiện nhiều dự án quan trọng, như:  Nâng cao năng lực các Trung tâm Điều độ lưới điện truyền tải, đầu tư 181 RTU cùng thiết bị viễn thông tại các trạm 110kV hiện hữu; Đầu tư hệ thống SCADA/EMS mới tại 4 Trung tâm Điều độ hệ thống điện  (A0, A1, A2, A3); Dự án Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho vận hành và giám sát thị trường phát điện cạnh tranh; chuẩn bị đầu tư một số dự án trang bị hệ thống ghi sự cố trên Hệ thống điện Quốc gia; thuê tư vấn nước ngoài đánh giá, phân tích và đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường độ ổn định và tin cậy của HTĐ Việt Nam.... Đây là những dự án phức tạp, có liên quan nhiều đến tư vấn và nhà thầu nước ngoài, nhưng Trung tâm đã tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ tham gia điều hành các dự án, nhanh chóng nắm bắt được công nghệ hiện đại, thực hiện đúng các qui định và chính sách chế độ hiện hành của nhà nước, đảm bảo cho các dự án đạt hiệu quả, chất lượng cao.

Trong những năm tới, Hệ thống điện Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh. Nhiệm vụ của Trung tâm điều độ quốc gia với vai trò là đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện sẽ còn tiếp tục nặng nề và phức tạp với không ít khó khăn khi vận hành hệ thống điện lớn thứ hai trong khu vực Đông nam Á  (sau Thai Lan); trọng trách vận hành thị trường phát điện cạnh tranh trong hiện tại cũng như thị trường bán buôn cạnh tranh trong tương lai gần, thị trường điện bán lẻ hoàn thiện sau năm 2023.

Công nghệ phát điện mới như năng lượng tái tạo, điện hạt nhân cũng sẽ lần lượt ra đời, đòi hỏi các cán bộ kỹ sư của Trung tâm phải đủ trình độ để có thể điều hành hệ thống một cách an toàn. Bên cạnh đó, sẽ là các đề án lớn về liên kết lưới điện khu vực, xây dựng hệ thống lưới điện thông minh... Trong vận hành hệ thống điện, không có sự may rủi, không có sự xuê xoa, chỉ có đúng hoặc không đúng. Đúng là thành công. Sai là thất bại.Vì vậy không được phép thất bại./

 
Thanh Mai / ICON.com.vn