Công nhân sửa chữa đường dây 500kV Bắc- Nam đoạn do Truyền tải Thừa Thiên- Huế quản lý. Ảnh: Q.T
“Mạch máu” nguồn điện
Sau tròn 20 năm đóng điện ĐZ 500kV Bắc- Nam mạch 1 và 10 năm vận hành ĐZ 500kV mạch 2, hệ thống điện đã giải quyết được cơ bản tình trạng quá tải khai thác các NMTĐ Hòa Bình (1.920 MW) và Yaly (720MW) truyền tải lượng lớn điện năng từ Bắc vào Nam và từ miền Trung ra Bắc. Sau khi vận hành ĐZ mạch 2, miền Bắc cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu điện, đặc biệt là Hà Nội giai đoạn 2005-2008 mà theo tính toán, trong trường hợp có sự cố hay sửa chữa đường dây mạch 1, hệ thống điện miền Bắc sẽ phải sa thải một lượng công suất từ 1.150 - 1.300MW, chiếm tới 30-34% công suất toàn hệ thống điện miền Bắc dẫn đến mất điện diện rộng.
Ngoài ra, cùng với việc vận hành cả 2 mạch ĐZ 500kV đã tạo sự liên kết hệ thống truyền tải điện theo cả hai chiều, nâng cao độ an toàn, ổn định và chất lượng điện, khai thác tối ưu các nguồn điện hiện có. Dù công trình đi qua nhiều địa hình khó khăn, hiểm trở nhưng những CBCNV truyền tải luôn đảm bảo hệ thống lưới điện truyền tải Bắc – Nam được thông suốt, các chỉ tiêu suất sự cố và thời gian ngừng cung cấp ở mức thấp hơn so với thiết kế. Đến nay, lượng công suất truyền tải trên 2 mạch ĐZ đảm bảo vận hành tối ưu ở mức 1.600-1.800MW, sản lượng truyền tải trên 12 tỉ kWh/năm, cao gấp 6 lần so với thiết kế ban đầu khi ĐZ mạch 1 đưa vào vận hành.
Từ một hệ thống lưới điện có quy mô khiêm tốn, với 1.487 km ĐZ 500kV, 1.913,7km ĐZ 220kV, 1.350MVA dung lượng máy biến áp ((MBA) 500kV và 2.305MVA dung lượng MBA 220kV. Đến hết năm 2013, khối lượng lưới điện truyền tải đã có bước tăng trưởng vượt bậc với quy mô 20 trạm biến áp 500kV, 75 trạm 220kV, khối lượng đường dây 500kV tăng 3,72 lần, đường dây 220kV tăng 6,18 lần, dung lượng trạm biến áp 500kV tăng 14,3 lần và dung lượng trạm biến áp 220kV tăng 11,8 lần.
Lưới điện quốc gia do EVNNPT quản lý đến nay đã phát triển đến 61/63 tỉnh, thành, các TBA 500-220kV đã được xây dựng và đưa vào vận hành ở 57/63 tỉnh, thành. Hệ thống lưới điện 500kV không chỉ đóng vai trò liên kết lưới điện các miền, đấu nối các nhà máy điện vào hệ thống mà được hoàn thiện tạo thành các mạch vòng quan trọng, để đảm bảo cung cấp điện cho các thành phố lớn và trọng điểm kinh tế của đất nước với công nghệ ngày càng hiện đại...
Vượt mọi khó khăn
Ông Đặng Phan Tường – Chủ tịch HĐTV EVNNPT - cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn trong điều kiện lưới truyền tải luôn phải đối mặt với tình trạng quá tải ở nhiều khu vực, ĐZ truyền tải Bắc – Nam luôn vận hành mang tải cao, giá truyền tải điện với 6 lần điều chỉnh đến nay mới đạt 86,4 đ/kWh với mức tăng bình quân hằng năm 6,4%, nên các khoản chênh lệch tỉ giá từ các năm trước chưa được hạch toán đầy đủ, nhu cầu vốn đối ứng để đầu tư phát triển lưới truyền tải còn rất lớn, nhưng hơn 5 năm qua, EVNNPT đã gặt hái được nhiều thành quả.
Từ khi thành lập đến nay, TCty đã truyền tải an toàn trên 520 tỉ kWh điện, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 11,4%. Riêng năm 2013, sản lượng điện truyền tải đạt 111,92 tỉ kWh, tăng 8,1% so với năm 2012. Doanh thu tăng từ 4.892 tỉ đồng năm 2009 lên 9.324 tỉ đồng năm 2013 với tốc độ tăng bình quân hằng năm là 17,5%. Tỉ lệ điện năng dùng trong sản xuất, truyền tải (tổn thất) trên lưới 500 - 220kV đã giảm từ 3,14% năm 2008 xuống còn 2,69% năm 2013. Đã đưa vào vận hành 9 trạm biến áp 500kV, 24 trạm 220kV, về khối lượng với tăng thêm 2.359 km đường dây 500kV, chiếm 42,63% khối lượng quản lý hiện nay, dung lượng trạm biến áp 500kV tăng thêm 12.300 MVA, chiếm 63,6%, ĐZ 220kV tăng thêm 4.935km, chiếm 41,7%, dung lượng TBA 220kV tăng thêm 12.465 MVA, chiếm 45,8%. Tổng giá trị đầu tư từ 2008-2014 trên 81.700 tỉ đồng, trong đó đầu tư thuần 59.097 tỉ đồng (riêng năm 2014 đầu tư 18.593 tỉ đồng).
Các công trình trọng điểm cơ bản đảm bảo về tiến độ như, các dự án đồng bộ với NMTĐ Sơn La, các NMTĐ khu vực miền Trung, Tây Nguyên, các NMNĐ khu vực Đông Bắc và Miền Nam. Đặc biệt, với chủ đề trọng tâm được EVN đề ra trong năm nay là: “Tối ưu hoá chi phí và điện cho miền Nam”, trong giai đoạn vừa qua EVNNPT đã tập trung mọi nỗ lực và nguồn lực hoàn thành nhiều dự án quan trọng để đảm bảo cấp điện cho miền Nam.
Điển hình là các dự án như: ĐZ 500kV Phú Mỹ - Sông Mây, Sông Mây – Tân Định, Trạm 500kV Sông Mây, ĐZ 500kV Vĩnh Tân – Sông Mây, ĐZ 500kV Pleilu - Mỹ Phước – Cầu Bông vừa hoàn thành đầu tháng 5 với quy mô 2x437,5km và trạm 500kV Cầu Bông, được xác định là ĐZ 500kV mạch 3 của hệ thống lưới điện truyền tải Bắc- Nam. Qua đó tăng khả năng truyền tải đoạn từ Pleiku vào miền Nam lên 2.300MW ngay khi đưa vào vận hành, làm cơ sở để hình thành hệ thống liên kết lưới điện truyền tải 500kV của VN với các nhà máy thủy điện bên Lào và khu vực trong tương lai khi ĐZ 500kV Pleiku – HatXan được đầu tư xây dựng.