Tin thế giới

Australia đặt mục tiêu dẫn đầu năng lượng sạch, mới

Thứ ba, 31/3/2020 | 08:39 GMT+7
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ liên bang Australia sẽ chuyển hướng các khoản đầu tư vào phát triển các công nghệ năng lượng mới, bao gồm hydrogen, thu hồi và lưu trữ carbon, lithium, các loại thức ăn chăn nuôi gia súc bổ sung tiên tiến giúp giảm phát thải khí metan và xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Năng lượng tái tạo đang được phát triển mạnh tại Austrailia.
 
Bộ trưởng Năng lượng Australia Angus Taylor công bố Lộ trình Đầu tư công nghệ mới của chính phủ liên bang, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển các công nghệ năng lượng giảm phát thải. Australia đã đầu tư 10,4 tỷ AUD (6,7 tỷ USD) vào hơn 670 dự án công nghệ sạch, nhưng bây giờ cần phải thay đổi hướng đi.
 
Bộ trưởng Taylor nhấn mạnh: "Lộ trình đầu tư công nghệ là nền tảng của chiến lược giảm phát thải dài hạn của Australia”. Ông cũng cho biết việc chuyển hướng đầu tư vào công nghệ năng lượng mới có thể sẽ khiến các dự án nghiên cứu năng lượng gió và mặt trời hiện nay phải gác lại.
 
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, việc phát triển năng lượng tái tạo vẫn rất mạnh tại Australia. Với kế hoạch lắp đặt hơn 16 gigawatt (GW) năng lượng gió và mặt trời để đáp ứng nhu cầu điện bình quân đầu người lên đến 220 watt (W), Australia hiện là quốc gia có lĩnh vực năng lượng tái tạo tăng trưởng nhanh nhất thế giới, cao gấp 10 lần tốc độ bình quân của toàn cầu.
 
Australia đang chứng minh rằng một quốc gia công nghiệp hóa với hệ thống điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch có thể chuyển đổi nhanh chóng như thế nào để tạo ra năng lượng tái tạo có hàm lượng carbon thấp.
 
Ngành năng lượng tái tạo tại Australia có triển vọng phát triển mạnh mẽ bởi sự quan tâm của chính phủ và việc các hợp đồng năng lượng tái tạo mới liên tục được thực hiện với mức giá trung bình khoảng 58 AUD/MWh.
 
Chính quyền bang Queensland đã cam kết hỗ trợ truyền tải mới để mở khóa các dự án năng lượng Mặt Trời và gió ở phía Bắc xa, bao gồm hệ thống lưu trữ thủy lực bơm Genex/Kidston 250 MW. Chính quyền bang New South Wales sẽ tiến hành phê duyệt quy hoạch cho một bộ kết nối giữa bang New South Wales và Nam Australia. Những khoản đầu tư này là chìa khóa để Australia duy trì vị trí dẫn đầu về năng lượng tái tạo trong thập kỷ tới.
 
New South Wales, tiểu bang đông dân nhất của Australia, đã nhận được gấp đôi lượng điện năng từ các nhà máy năng lượng mặt trời và gió quy mô lớn chỉ trong vòng 14 tháng. Các dự án năng lượng tái tạo mới ở New South Wales có thể lấp đầy khoảng trống phát sinh sau khi nhà máy điện chạy bằng than Liddell ở bang này ngừng hoạt động vào năm 2022, một sự kiện mà mới một năm trước đây còn bị coi là có thể gây ra thảm họa và chính phủ liên bang đã cố gắng gây áp lực để chủ sở hữu nhà máy thay đổi quyết định của mình.
 
Nguồn năng lượng mặt trời tại Austrailia cung cấp lượng điện lớn 
 
Cơ quan quản lý năng lượng sạch Australia (CER) cho biết, lượng điện sạch được truyền tải tới các gia đình và doanh nghiệp Australia dự kiến sẽ tăng 36% trong năm nay và sẽ tăng thêm 25% trong năm tới.
 
Theo CER, tốc độ tăng trưởng này đã đưa Australia trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển năng lượng tái tạo bình quân trên đầu người.
 
Thủ đô Canberra của Australia là thành phố đầu tiên ngoài châu Âu chuyển đổi sang sử dụng 100% điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo từ ngày 1/1/2020. Canberra là thành phố thứ 8 trên thế giới sử dụng 100% điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo.
 
Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đã được chính quyền Canberra lên kế hoạch và thực hiện vào khoảng 6 - 7 năm trước. Bắt đầu từ các dự án trang trại gió và năng lượng mặt trời, cung cấp khoảng 5% điện năng cho thành phố. Đến nay, Canberra đã hoàn thành hệ thống đường dây tải điện và tiến hành đấu giá thành công với các nhà cung cấp năng lượng tái tạo trong khu vực và tại 4 tiểu bang khác trên toàn quốc.
 
Chính quyền thành phố Canberra ước tính việc sử dụng 100% năng lượng tái tạo sẽ giúp cắt giảm 40% lượng khí phát thải, xuống dưới mức của năm 1990 và hiện thực hóa mục tiêu trung hòa khí thải cácbon vào năm 2045.
 
Bên cạnh đó, chính quyền Canberra cũng xem xét tới việc thay thế các loại xe ô tô công vụ, xe buýt và thậm chí cả xe cứu hỏa sang các dòng xe điện, thân thiện với môi trường.

Link gốc
Theo: Năng lượng Sạch VN