Đã đến lúc tiết kiệm năng lượng phải là một giải pháp căn cơ thay vì phải chạy theo xây dựng các nhà máy điện để đáp ứng cho nhu cầu của các ngành công nghiệp có thiết bị tiêu tốn năng lượng gây ô nhiễm môi trường.
Lãng phí năng lượng: Đã đến lúc chuyển tư duy
Năng lượng (điện, xăng dầu, than, các dạng năng lượng khác) là nguồn nhiên liệu đầu vào rất quan trọng của tất cả các ngành sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Nó có ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả sản phẩm hàng hoá, dịch vụ cũng như túi tiền của nhân dân. Mặc dù năng lượng có hạn, nhưng vì nhiều lý do chủ quan, khách quan, Việt Nam đang lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm vì sử dụng năng lượng chưa hiệu quả, tiết kiệm diễn ra ở tất cả các ngành, lĩnh vực.
Theo thống kê, hiện cả nước có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm với mức tiêu thụ hàng năm khoảng trên 34,3 triệu TOE, chiếm hơn 51% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của cả nước. Theo quy định của pháp luật, các cơ sở này đều phải xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng…thế nhưng năm 2021, chỉ có 30-40% cơ sở duy trì hệ thống quản lý năng lượng; 91 cơ sở kiểm toán năng lượng.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hệ số đàn hồi (hiệu quả sử dụng năng lượng/GDP) của Việt Nam đã có bước chuyển đáng kể (trước 2015 hệ số đàn hồi lớn hơn 2, hiện nay đạt khoảng 1,29), tuy nhiên vẫn còn cao so với các nước phát triển, thậm chí trong khu vực.
Ông Trịnh Quốc Vũ- Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển kinh tế bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, xét về chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng, hiện Việt Nam đang tiêu thụ khoảng 400 kg dầu quy đổi để tạo ra 1.000 USD GDP. Con số này cao hơn Thái Lan khoảng 30%, hơn Malaysia khoảng 60%, đặc biệt so với các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ thì cao hơn gấp 4-5 lần…Điều này cho thấy, sử dụng năng lượng tại Việt Nam chưa hiệu quả và rất đáng suy nghĩ...
Dưới góc độ là đơn vị cung cấp điện, ông Trần Viết Nguyên- Phó trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói chung và doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm nói riêng hầu hết đều đã có những nhận thức về các chủ trương, quy định của Nhà nước trong việc tiết kiệm năng lượng, nhưng việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm và hiệu quả và tiết kiệm tại doanh nghiệp còn hạn chế.
Nguyên nhân xuất phát từ nhiều yếu tố như: Thiếu nguồn lực cán bộ quản lý năng lượng, nguồn lực tài chính để đầu tư các giải pháp,…“Mặt khác, qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân không kém phần quan trọng là do giá bán điện của Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới, đặc biệt là giá bán điện trong khối sản xuất công nghiệp. Đây là cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, nhưng cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà khi phải bỏ ra nguồn kinh phí lớn để đầu tư vào các dây chuyền sản xuất hiệu suất cao”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Ở góc nhìn khác, ông Mã Khai Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (Enerteam) cho rằng, hệ thống các tiêu chuẩn quy định về mức tiêu hao năng lượng của chúng ta chưa được nâng cao, còn thấp so với nhiều nước trong khu vực đặc biệt là đối với nhóm thiết bị gia dụng và máy móc công nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến lãng phí năng lượng trong tiêu dùng và sản xuất.
“Đã đến lúc phải cải thiện chất lượng “cầu” của năng lượng, phải hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh hơn, bền vững hơn. Chúng ta không thể xây mãi các nhà máy điện để đáp ứng cho nhu cầu của các ngành công nghiệp có thiết bị tiêu thụ năng lượng lớn và gây ô nhiễm môi trường”- ông Mã Khai Hiền nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp chưa thực thi tốt và đầy đủ các quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Nghị định 21 và Nghị định 134. Qua kiểm tra, có nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách cơ sở trọng điểm phải kiểm toán năng lượng 3 năm/lần, nhưng có nhiều doanh nghiệp không thực thi hoặc làm mang tính hình thức. Mặc dù các đơn vị điện lực tiến hành tư vấn đầy đủ nhưng doanh nghiệp không thực hiện do những khó khăn riêng. Trong khi đó, các chế tài xử phạt dù có nhưng vẫn chưa áp dụng xử phạt, khiến cho việc thực hiện chưa được gắn liền vào thực tiễn.
Theo Hội khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả Việt Nam (VECEA), năng lượng ở Việt Nam lãng phí ở cả khâu sản xuất năng lượng lẫn tiêu thụ năng lượng.
Cụ thể, trong khâu sản xuất năng lượng, hiệu suất sử dụng năng lượng tại các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 28 - 32% (thấp hơn mức thế giới 10%), hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% (thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%).
Trong khâu tiêu thụ năng lượng, tình hình sử dụng năng lượng kém hiệu quả cũng không kém. Để sản xuất ra cùng một sản phẩm, ngành công nghiệp Việt Nam cần sử dụng năng lượng nhiều hơn từ 1,5 - 1,7 lần so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong khi đó, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở nước ta còn rất lớn. Đơn cử như ngành thì công nghiệp xi măng có thể tiết kiệm năng lượng đến 50%, công nghiệp gốm là 35%, phát điện than là 25%, ngành dệt/may mặc là 30%, công nghiệp thép là 20%, chế biến thực phẩm là 20%...
Hay chỉ tính riêng trong lĩnh vực điện năng, trong giai đoạn 2010-2020, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm đạt xấp xỉ 10%, tăng gấp 1,6 lần tăng trưởng GDP.
Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, với hơn 3000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng tiêu thụ điện chiếm tới 33% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Nếu các cơ sở này tiết kiệm tối thiểu 2% điện năm tiêu thụ/năm thì mỗi năm, cả nước tiết kiệm được 1,4 tỷ kWh, tương đương 2.700 tỷ đồng. Tương tự, số khách hàng sinh hoạt hộ gia đình, tiêu thụ hơn 30% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc. Nếu tiết kiệm 1% điện năm tiêu thụ thì mỗi năm, cả nước có thể tiết kiệm 630 triệu kWh, tương đương hơn 1.170 tỷ đồng.
Cá nhân mỗi người dân, doanh nghiệp có ý thức tiết kiệm điện thì sẽ mang lại hiệu quả rất lớn.
Như vậy, nếu theo mục tiêu của Chính phủ về tiết kiệm điện 2%/năm thì số tiền do sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả lên trên 5.000 tỷ đồng/năm. Và con số này vẫn còn tăng lên theo nhu cầu điện thương phẩm. Nếu tính cả các ngành năng lượng khác thì con số còn lớn hơn rất nhiều.
Các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng năng lượng lãng phí, kém hiệu quả có nhiều nguyên nhân như công nghệ lạc hậu, các thiết bị sản xuất cũ và chậm đổi mới, tỷ lệ hao hụt lớn khi vận hành. Các doanh nghiệp còn thờ ơ, chưa chú ý đúng mức đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tình trạng thất thoát và lãng phí trong cung cấp và sử dụng năng lượng, hoặc có làm chỉ mang tính đối phó. Hiện mới chỉ có lĩnh vực sản xuất công nghiệp, một phần trong lĩnh vực xây dựng là đã xây dựng hệ thống/mô hình quản lý năng lượng còn một số lĩnh vực như giao thông vận tải thì chưa thực hiện.
Có thể khẳng định, sử dụng năng lượng lãng phí đã để lại nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế như tốn nguồn lực đầu tư của nhà nước và xã hội; cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; gây ô nhiễm môi trường; gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia; người dân thêm khó khăn vì phải chi trả thêm chi phí; ảnh hưởng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; an ninh năng lượng quốc gia và các cam kết của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, cần có những giải pháp quyết liệt hơn để khắc phục tất cả những tồn tại nêu trên.
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, lâu nay tại Việt Nam vẫn chỉ tập trung cho nguồn cung điện mà quên quản lý nguồn cầu, gây áp lực cho nhà nước. Do đó cần thay đổi tư duy về an ninh năng lượng, cơ chế, hệ thống điều hành mới giải quyết được vấn đề này cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước trước cuộc cách mạng 4.0.
Nâng cao tiêu chuẩn để chống lãng phí
Để đẩy mạnh tiết kiệm điện, ngày 08 tháng 6 năm 2023, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 20 về tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 với nhiều mục tiêu đề ra. Trước đó, ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg (gọi tắt Quyết định số 14) ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2023.
Cụ thể, gồm nhóm thiết bị gia dụng; nhóm thiết bị văn phòng và thương mại; nhóm thiết bị công nghiệp. Trong đó, quyết định cũng yêu cầu: “Không phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy nhiệt điện phát điện bằng than, khí có hiệu suất năng lượng thấp hơn hiệu suất quy định tương ứng với dải công suất của tổ máy phát điện; Không cho phép vận hành tổ máy phát điện bằng than, khí có hiệu suất tại thời điểm bắt đầu đưa vào vận hành thương mại thấp hơn hiệu suất quy định tương ứng với từng dải công suất của tổ máy”.
Đồng thời, Quyết định cũng quy định cụ thể lộ trình thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ; lộ trình áp dụng cụ thể đối với các tổ máy phát điện bằng than, khí trong các nhà máy nhiệt điện có hiệu suất thấp không được phép xây mới.
Nói về Quyết định 14, ông Đặng Hải Dũng - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương khẳng định: Việc loại bỏ các thiết bị phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng kém hiệu quả và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng cũng như về kinh tế - xã hội và môi trường.
“Quyết định số 14 đã thể hiện sự quyết tâm, kiên quyết của Chính phủ nhằm thực hiện chống lãng phí trong sử dụng năng lượng”- ông Đặng Hải Dũng khẳng định.
Từ năm 2011, Việt Nam đã triển khai chương trình kiểm soát hiệu suất năng lượng tối thiểu, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg ngày 12/9/2021 và tiếp theo là Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/3/2017 quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.
Chương trình kiểm soát hiệu suất năng lượng đã mang lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng cao đặc biệt đối với sản phẩm điều hòa không khí.
Liên quan đến kiểm soát năng lượng, ngày 25/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg và gần đây nhất vào tháng 5/2023 là Quyết định số 14 về việc ban hành danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới.
Đây là những chương trình kiểm soát hiệu suất năng lượng của các thiết bị đối với 4 nhóm phương tiện, thiết bị. Điều này đã tác động rất lớn cho hoạt động tiết kiệm điện tại Việt Nham đặc biệt là trong lĩnh vực gia dụng – lĩnh vực chiếm 20% tiêu thụ điện toàn quốc.
Cũng theo ông Đặng Hải Dũng, Quyết định số 14 đã bổ sung thêm 3 sản phẩm mới gồm: bếp từ, bếp hồng ngoại và máy tính để bàn. Đây là những sản phẩm gia dụng đang được sử dụng phổ biến tại các khu vực đô thị, đặc biệt thời gian dùng không dài như điều hòa nhưng thường được sử dụng vào giờ cao điểm đã gây tiêu tốn nhiều năng lượng do vậy chúng tôi nhận thấy cần phải được đưa vào chương trình kiểm soát năng lượng.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia về tiết kiệm năng lượng, các chương trình kiểm soát năng lượng được triển khai từ năm 2011 đến nay đã mang lại hiệu quả rất tích cực.
“Đơn cử như thiết bị điều hòa không khí, qua các lần nâng tiêu chuẩn hiệu suất được ban hành qua các năm 2007, 2013, 2015 và tiêu chuẩn mới nhất được ban hành năm 2021 đã giúp hiệu suất sản phẩm điều hòa đưa ra thị trường tăng hiệu suất sử dụng năng lượng lên 30%, giúp tiết kiệm mỗi năm hơn 200 triệu kWh”- ông Đặng Hải Dũng chia sẻ và nói “Cùng với đó, các sản phẩm động cơ và máy biến cũng được nâng khoảng 5% so với tiêu chuẩn cũ. Điều này đem lại hiệu quả rất lớn trong phụ tải công nghiệp, góp phần trực tiếp vào nỗ lực giảm tiêu thụ điện và giảm tải cho hệ thống điện quốc gia”.
Tiết kiệm điện giải pháp then chốt cho phát triển bền vững
Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc trong tháng 5 và 6 vừa qua khiến nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao đột biến, gây quá tải lưới điện. Một trong các giải pháp hữu hiệu được đưa ra chính là tiết giảm bớt các thiết bị điện và triệt để tiết kiệm điện trong các thời gian cao điểm nắng nóng này.
Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định sẽ tăng cường nhiều giải pháp để đảm bảo cung cấp điện, trong đó có vai trò của việc tiết kiệm điện.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã khẳng định: Không phải khi thiếu điện thì chúng ta mới phải tiết kiệm điện. Đây là một chính sách xuyên suốt và lâu dài từ trước đến nay. Ví dụ như Bộ Công thương có hẳn một Vụ tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt chương trình Giờ Trái đất năm nào cũng được triển khai rộng khắp trên cả nước. Nhưng việc tiết kiệm điện tại thời điểm này đặc biệt có ý nghĩa khi miền Bắc đang trải qua mùa hè nắng nóng gay gắt. Do vậy, việc tiết kiệm điện là cần phải cần được quan tâm và phải làm rất quyết liệt.
“Hiện Bộ Công Thương đã tổ chức phát động tiết kiệm điện trên toàn quốc và kêu gọi UBND các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành trung ương đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phù hợp để sử dụng tiết kiệm điện. Đã có 63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo, đảm bảo cung ứng điện, tiết kiệm điện trên địa bàn. Kết quả sản lượng điện tiết kiệm hiện nay khoảng 20 triệu kWh/ngày, tương đương 2,5% điện năng tiêu thụ hằng ngày. Rõ ràng chúng ta thấy là nếu chúng ta làm tốt công tác tiết kiệm điện thì đây cũng là biện pháp hết sức là hiệu quả, đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Còn theo ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thì vấn đề đặt ra là làm thế nào để việc thực hiện tiết kiệm năng lượng phải là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người đối với đất nước, và phải đặt ra đó là một việc cấp bách, mọi người cần phải tuân thủ. Chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm của thế giới về thúc đẩy tiết kiệm năng lượng. Ví dụ như của Trung Quốc, người ta còn giao chỉ tiêu về tiết kiệm năng lượng cho từng ngành, từng địa phương và phải có hệ thống theo dõi, giám sát các chỉ tiêu. Người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm về thực hiện các chỉ tiêu về tiết kiệm năng lượng … Tức là Nhà nước cần phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp và người dân tuân thủ thực hiện tiết kiệm năng lượng …
Ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Mong muốn của chúng tôi là Chính phủ xem xét để chuyển từ cơ chế “tự nguyện” hiện nay của Luật sang cơ chế “bắt buộc” đối với 1 số khách hàng, 1 số trường hợp cụ thể để chúng ta thực thi pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu quả hơn nữa; Đặc biệt là cần có được các phân định, phân công rõ, trách nhiệm và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương trong việc kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả..
Tiết kiệm năng lượng đem lại nhiều lợi ích nhưng ở Việt Nam còn khá lãng phí. Nhiều quốc gia ở EU năm ngoái cũng đã có quy định bắt buộc sử dụng năng lượng tiết kiệm để đối phó với tình trạng khủng hoảng cả về nguồn cung và giá năng lượng. Nên chăng Việt Nam cũng cần có các quy định bắt buộc mạnh mẽ hơn để tiết kiệm điện phải trở thành thói quen như thông điệp mà Bộ Công Thương đưa ra.
Còn nữa...