Công trình mạch 2 Đường dây 500kV Bắc – Nam có tổng chiều dài 1.596,3km, đi qua 21 tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, các tỉnh: Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam, TP Đà Nẵng, các tỉnh: Thừa Thiên – Huế, Quảng Trịn, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Tây. Được đấu nối với 7 trạm biến áp 500kV với tổng công suất 3.600MVA, tổng mức đầu tư gần 8.000 tỉ đồng.
Nếu mạch 1 Đường dây 500kV Bắc – Nam được xây dựng thành một dự án, thì mạch 2 Đường dây 500kV Bắc – Nam được chia thành bốn Dự án độc lập: Pleiku – Phú Lâm (đóng điện và đưa vào vận hành ngày 19-4-2004), Pleiku – Dốc Sỏi – Đà Nẵng (đóng điện và đưa vào vận hành ngày 30-8-2004, vượt tiến độ bốn tháng), Đà Nẵng – Hà Tĩnh (đóng điện và đưa vào vận hành ngày 23-5-2004, vượt tiến độ hơn một tháng) và Hà Tĩnh – Nho Quan – Thường Tín (đóng điện và đưa vào vận hành ngày 23-9-2005. Vượt tiến độ hơn ba tháng). Việc đóng điện vận hành với những thời điểm khác nhau nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả khai thác vận hành.
Cùng với việc xây dựng Đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 2 từ Phú Lâm ra Thường Tín, bốn trạm biến áp 500kV cũng được mở rộng thêm các ngăn lộ đi và đến tại các Trạm biến áp 500kV Phú Lâm, Pleiku, Đà Nẵng và Hà Tĩnh; xây mới hai trạm biến áp 500kV là Thường Tín và Nho Quan với công suất mỗi trạm đạt 900MVA.
Ngày 23-9-2005, với việc hoàn thành cung đoạn Hà Tĩnh – Thường Tín, đồng thời là ngày hoàn thành Đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 2. Từ thời điểm này, lưới điện ba miền Bắc – Trung – Nam được nối với nhau bằng hai đường dây 500kV với tổng chiều dài gần 3.500km và một loạt hệ thống đường dây 220kV đã tạo nên mạng lưới điện vững chắc cho việc cung cấp điện chất lượng, ổn định và liên tục.
Năm 2006, hoàn thành và đưa vào vận hành Đường dây 220kV Xekaman 3 (Lào)– Thạnh Mỹ (Quảng Nam- Việt Nam) và Xekaman 1 (Lào) – Pleiku (Gia Lai- Việt Nam); Đường dây 220kV Trung Quốc – Lao Cai và Trung Quốc – Hà Giang. Các công trình này, có ý nghĩa to lớn không chỉ về kinh tế mà còn góp phần mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước và tạo tiền đề cho liên kết lưới điện trong khu vực Đông Nam Á.
Trong giai đoạn này, EVNNPT đã triển khai ứng dụng các các công nghệ hiện đại vào xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng, triển khai đề án lưới điện thông minh. Trong lĩnh vực trạm biến áp, đã ứng dụng hệ thống điều khiển máy tính, các hệ thống điều khiển bảo về đều ứng dụng kỹ thuật số; ứng dụng giám sát trực tuyến dầu cho toàn bộ các máy biến áp và kháng điện 500kV; hệ thống điện truyền tải được ứng dụng hệ thống SCADA trong thu thập dữ liệu, giám sát, điều khiển, điều độ.
Trạm GIS 220kV Tao Đàn xây dựng từ năm 2004, được thiết kế cho bốn máy biến áp (công suất 63MVA - 250MVA) sử dụng công nghệ cách điện bằng khí SF6 - là dạng trạm biến áp hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ, là một trong những trạm biến áp 220kV đầu tiên được xây dựng theo công nghệ thiết bị GIS. Từ cuối năm 2020, Trạm 220kV Tao Đàn được đưa vào vận hành không người trực, do Tổ thao tác lưu động Tao Đàn quản lý vận hành.
Công nghệ vật liệu đường dây truyền tải đã có những bước phát triển mạnh mẽ về ứng dụng khoa học công nghệ; ứng dụng công nghệ truyền tải điện xoay chiều với cấp điện áp cao hơn 500kV truyền tải điện áp một chiều khi khoảng cách đủ lớn; ứng dụng công nghệ “định vị sự cố bằng sóng phản hồi” được dùng trên đường dây 500kV mạch 1...
Ngày 1-7-2008, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) được thành lập trên cơ sở tổ chức lại 4 Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4 và 3 Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, miền Trung và miền Nam, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước, với nhiệm vụ chính là đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia. Kể từ thời điểm này, hệ thống lưới điện cấp điện áp 110kV được bàn giao cho các Tổng Công ty Điện lực miền/Thành phố, EVNNPT thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành toàn bộ hệ thống truyền tải điện quốc gia, bao gồm các trạm biến áp và đường dây cấp điện áp 220kV và 500kV.
|