Bảo Lâm (Lâm Đồng): Nỗ lực đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt và sản xuất

Thứ sáu, 27/8/2021 | 15:12 GMT+7
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã được cấp điện lưới quốc gia ổn định, đáp ứng nhu cầu cho 99,63% số hộ dân. 
Cán bộ, nhân viên Điện lực Bảo Lâm thực hiện kiểm tra định kỳ về quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp.
 
Theo đó, thời gian qua, Điện lực huyện Bảo Lâm đã tập trung nhân lực, vật lực đưa điện lưới đến những thôn vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
 
Ông Phạm Xuân Lộc, Giám đốc Điện lực huyện Bảo Lâm cho biết: Bảo Lâm là huyện có địa bàn rộng, nhiều thôn vùng sâu, vùng xa với mật độ dân cư thưa thớt, có những nơi chỉ có vài chục hộ dân nhưng lại cách trung tâm xã tới hàng chục km, khiến cho việc tiếp cận điện của người dân gặp nhiều khó khăn. Do đó, để hướng đến mục tiêu xóa “trắng” điện lưới quốc gia tại địa phương, hiện nay, Điện lực Bảo Lâm cần kinh phí rất lớn để xây dựng mới và cải tạo lưới điện.
 
Hiện, đơn vị đang trực tiếp quản lý vận hành đường dây 22kV với tổng cộng chiều dài 305,545 km; 276,059 km đường dây hạ thế; 373 trạm biến áp với công suất 31.947,5 kVA. Tổng số khách hàng dùng điện hiện tại là 21.089 khách hàng.
 
Để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của người dân, thời gian qua, Điện lực Bảo Lâm đã chú trọng, ưu tiên dành nhiều nguồn lực để đưa điện lưới quốc gia đến với người dân các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
 
Tính từ năm 2010 đến nay, Điện lực Bảo Lâm đã thực hiện hàng chục các công trình, dự án nâng cấp, mở rộng lưới điện để cấp điện trên địa bàn. Đơn cử, năm 2010, đơn vị thực hiện tiếp nhận lưới điện trung hạ áp nông thôn, xóa hết điện kế cụm do các tổ của các địa phương quản lý, lắp điện kế cấp điện trực tiếp cho 1.580 hộ dân trên địa bàn. Hoàn thành công trình cải tạo và phát triển lưới điện nông thôn thuộc Dự án Tây Nguyên với khối lượng xây dựng mới 36,69 km đường dây trung thế, 24 trạm biến áp với tổng dung lượng công suất 925 kVA; xây dựng 60,46 km đường dây hạ thế và thi công lắp đặt công tơ, nhánh rẽ và mạng điện trong nhà cho 954 hộ dân.
 
Năm 2012, thực hiện công trình cải tạo và phát triển lưới điện nông thôn thuộc Dự án RD với nhiệm vụ cải tạo 3.843 km, xây dựng mới 16.091 km đường dây trung thế, 6 trạm biến áp với tổng dung lượng công suất 212,5 kVA, đảm bảo cấp điện tốt cho 2.277 hộ dân. Bên cạnh đó, thi công công trình cải tạo và phát triển lưới điện nông thôn thuộc Dự án KFW với khối lượng xây dựng mới 9,56 km đường dây trung thế, 11 trạm biến áp với tổng dung lượng công suất 390 kVA và xây dựng mới 17,57 km đường dây hạ thế để cung cấp điện cho 9.004 hộ dân.
 
Còn trong năm 2020, bằng nguồn vốn xây dựng cơ bản phát triển lưới điện, xóa hộ câu phụ, chống quá tải lưới điện nâng cao chất lượng điện phục vụ nhân dân, đơn vị đã được đầu tư xây dựng mới 4,981 km đường dây trung thế, lắp đặt mới các trạm biến áp với tổng dung lượng 980 kVA và 3,634 km đường dây hạ thế. 
 
Ngoài ra, dựa vào nguồn vốn từ dự án Chương trình cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo của Chính phủ, Điện lực Bảo Lâm đã phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, UBND các xã, thị trấn tiến hành khảo sát, đăng ký nâng cấp toàn bộ lưới điện các xã, thị trấn thuộc địa bàn quản lý với 88 km đường dây trung thế, 121 km đường dây hạ thế và 57 trạm biến áp với dung lượng công suất 1.850 kVA cần nâng cấp, sửa chữa, tổng số vốn đăng ký thực hiện là 61,9 tỷ đồng. 
 
Bên cạnh đó, dựa vào Dự án KFW vay vốn từ ngân hàng tái thiết Chính phủ Đức nhằm nâng cao chất lượng điện khu vực vùng nông thôn, trong năm 2021, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai sửa chữa nâng cấp toàn bộ hệ thống điện tại thị trấn Lộc Thắng, xã Lộc Phú, Lộc Lâm với khối lượng 13,7 km đường dây trung thế, 13,3 km đường dây hạ thế, tổng số vốn đầu tư khoảng 25,7 tỷ đồng...
 
Theo ông Phạm Xuân Lộc, với sự nỗ lực, tập trung cải tạo lưới điện nông thôn, chất lượng điện trên địa bàn huyện Bảo Lâm ngày càng ổn định, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Để nâng cao hơn nữa chất lượng điện lưới nông thôn trên địa bàn, đơn vị đã tăng cường cử đội ngũ quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp kiểm tra lưới điện định kỳ, đo đạc các thông số kỹ thuật, qua đó đề ra phương án xử lý kịp thời các tồn tại nếu có. Ngoài ra, đơn vị cũng lập phương án phối hợp chặt chẽ với điện lực các địa phương để phối hợp cấp điện, hỗ trợ kịp thời trong trường hợp khẩn cấp, thiếu nguồn và có sự cố về lưới điện xảy ra.
 
Theo: Báo Lâm Đồng