Nhiều thiết bị điện bị trộm cắp
Theo Truyền tải điện Phú Yên (Công ty Truyền tải điện 3), từ đầu năm đến nay đã có 45/219 trụ cao áp trên tuyến Quy Nhơn- Tuy Hòa bị mất cắp thiết bị, thiệt hại gần 170 triệu đồng. Từ vị trí 205 đến 210 thuộc thôn Phú Thạnh (xã An Chấn, huyện Tuy An), các thiết bị như buloong trên thang, thanh giằng, ê cu chân đế và ngay cả thanh tiếp địa có chức năng thu lôi, chống sét liên tục bị mất cắp. Tình trạng mất cắp tương tự cũng diễn ra ở huyện Phú Hòa.
Ông Nguyễn Duy Ngọ, Trưởng Truyền tải điện Phú Yên cho biết: “Sự mất cắp các thiết bị điện ảnh hưởng đến việc quản lý, vận hành, làm chậm quá trình thao tác của công nhân khi tiến hành sữa chữa, bảo dưỡng đường dây”. Ông Ngọ giải thích: Ê cu của bản đế móng giúp liên kết giữa móng và cột, nếu bị mất thì các phần néo góc khi vận hành ở điều kiện bình thường cũng có thể xảy ra đổ cột. Ở những vị trí đỡ cột sẽ xảy ra tình trạng đổ ngã khi có gió lớn hoặc bão. Nếu tình trạng này kéo dài dễ gây sự cố sập đổ cột và hiện tượng phóng điện, nguy hiểm đối với lưới điện quốc gia và tính mạng con người.
Mỗi cột điện có giá trị khoảng 500 triệu đồng, tuy nhiên thiệt hại trầm trọng nhất khi đổ cột là tình trạng mất khả năng cung cấp điện, bởi vì đây là mạch điện truyền tải cho nhiều tỉnh trong khu vực. Đặc biệt, đường dây 220 kV này sẽ truyền tải điện từ Thủy điện Sông Ba Hạ cho khu vực Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi. Khi cần thiết sẽ chuyển sang lưới điện 500 kV để điều tiết lưới điện quốc gia. Theo ông Ngọ, nếu mất điện đường dây 220 kV, sự cố mất điện xảy ra trên cả một hệ thống, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và thiệt hại về kinh tế là rất lớn.
Năm 2006, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã khởi công xây dựng 4 công trình lưới điện 220 kV trên địa bàn Phú Yên gồm: Trạm biến áp 220 kV Tuy Hòa, đường dây 220 kV Tuy Hòa- Nha Trang, đường dây 220 kV Tuy Hòa- Quy Nhơn và đường dây 220 kV Sông Ba Hạ- Tuy Hòa. Chính vì xảy ra tình trạng mất cắp các thiết bị điện nên đã làm chậm tiến độ thi công các công trình. Hiện tại đường dây 220 kV Quy Nhơn- Tuy Hòa đã đóng điện vận hành và bàn giao cho Truyền tải điện Phú Yên quản lý vận hành. Các hành vi phá hoại công trình lưới điện nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng về tài sản quốc gia, an toàn cung cấp điện và tính mạng con người.
Trách nhiệm của nhiều phía
Trung tá Lê Tấn Phong - Phòng An ninh kinh tế- Công an Phú Yên cho biết: “Hệ thống điện lưới quốc gia là một trong những công trình có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Do vậy mọi hành vi xâm phạm đều bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự theo điều 231 của Bộ luật Hình sự 1999 về tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng đối với an ninh quốc gia. Hành vi đó sẽ xử theo khung hình phạt là 3 năm tù giam đến chung thân hoặc tử hình, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm”.
Bộ Công an và Bộ Năng lượng (cũ) đã ký quy chế phối hợp, sau đó Tổng cục 1 cũng đã ký quy chế phối hợp với Tổng Công ty điện lực Việt Nam. Công an tỉnh Phú Yên và Truyền tải điện 3 cũng đã ký quy chế phối hợp nhằm tuyên truyền, động viên nhân dân cùng thực hiện, cùng nhau bảo vệ đường dây điện, chống hành vi trộm cắp.
Ông Nguyễn Duy Ngọ còn cho biết: “Ngành điện đã cấp mẫu bu-lông chân thang, ê-cu chân đế, thanh giằng,… cho cơ quan Công an. Loại hàng này là đặc chủng của ngành điện, cấm mua bán. Nếu người dân tàng trữ, mua bán loại hàng này sẽ bị quy vào tội phá hoại công trình an ninh quốc gia”.
Truyền tải điện Phú Yên vừa triển khai ký cam kết với chính quyền các địa phương, công an để tăng cường bảo vệ lưới điện và nâng cao nhận thức cho người dân. Ông Bùi Ngọc Minh- Trưởng Công an huyện Sông Cầu cho biết: Chúng tôi sẽ thống kê lại toàn bộ tuyến dây điện đi ngang qua địa bàn huyện Sông Cầu xem thuộc đơn vị nào, đất nhà ai, độ dài bao nhiêu, số lượng trụ điện… Công an Sông Cầu cũng rà soát, kiểm tra tình hình an ninh trật tự để phối hợp với chính quyền địa phương vận động chủ đất góp phần bảo vệ đường dây điện đi ngang qua trên địa bàn.