Tin trong nước

Phát huy sức mạnh “một nửa thế giới” của ngành Điện

Thứ tư, 12/11/2008 | 10:25 GMT+7
Tuy được gọi là “phái yếu” nhưng nữ CNVC-LÐ ngành Ðiện luôn phát huy các phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị. Với gần 18.000 chị em làm việc tại tất cả các lĩnh vực trong ngành, dù ở vị trí nào, các chị cũng tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất, không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn để ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu mới của công việc.
Hằng năm, hưởng ứng các đợt thi đua do EVN phát động với mục tiêu thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp điện an toàn, liên tục, đảm bảo việc làm và ổn định đời sống CNVC-LÐ, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ, Ban Nữ công Công đoàn Ðiện lực Việt Nam đã tích cực hướng dẫn Ban Nữ công các đơn vị đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà” kết hợp với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” trong nữ CNVC-LÐ. 100% các Ban, tổ nữ công các cấp trong ngành đã tổ chức phổ biến cho chị em đăng ký thi đua. Một số ban nữ công đơn vị căn cứ vào đặc điểm tình hình của đơn vị, phân công công việc chuyên môn của từng tổ nữ công, từng chức danh công việc được đảm nhận để cụ thể hóa các tiêu chuẩn thi đua cho phù hợp với thực tế công việc.

Tại các công ty sản xuất điện, nữ CNVC-LÐ chủ yếu làm các công việc gián tiếp như kế hoạch, tài chính, quản lý vật tư, một số là công nhân trực tiếp vận hành máy, sửa chữa thiết bị, vệ sinh công nghiệp. Các chị luôn nêu cao tinh thần tận tụy vì công việc, thực hiện đúng quy trình, quy phạm, chế độ kiểm tra thiết bị, đảm bảo thiết bị vận hành an toàn, kinh tế, không xảy ra sự cố chủ quan, giữ vững được phong trào thi đua “Ca vận hành An toàn - Kinh tế”, “Kíp vận hành lò hiệu suất cao”, “Kíp vận hành nhiên liệu đảm bảo chất lượng than đưa vào lò kinh tế và an toàn” (Công ty Nhiệt điện Ninh Bình), “Giữ gìn xanh, sạch, đẹp nơi làm việc” (Công ty Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Ialy),  “Nếp sống văn hóa trong nữ CNVC-LÐ công ty” (Công ty Thủy điện Ða Nhim – Hàm Thuận – Ða Mi)… Ðối với khối truyền tải điện, điều độ, do đặc thù công việc áp dụng kỹ thuật cao nên tỷ lệ nữ thấp, chủ yếu tập trung làm các khâu tài chính, kế hoạch, lao động tiền lương, quản lý kỹ thuật – kinh tế, phục vụ. Một số ít trực vận hành trạm nhưng các chị đã vượt qua khó khăn như phải đi ca, đi kíp, làm việc những nơi xa xôi, hẻo lánh để làm tốt các nhiệm vụ được giao. Trong ca trực vận hành nữ không để xảy ra sự cố thiết bị. Bộ phận làm gián tiếp, phục vụ không quản thời gian để giải quyết nhanh thanh quyết toán các công trình sửa chữa, mua sắm thiết bị, nâng cấp thiết bị, đảm bảo Xanh – Sạch – Ðẹp của trạm và đường dây; tham gia tính toán các phương thức vận hành hệ thống điện, vận hành thiết bị thông tin, hệ thống Xcada góp phần không nhỏ đến thành tích chung của đơn vị.

Nữ CNVC-LÐ khối các công ty kinh doanh điện, kinh doanh viễn thông, được phân công chủ yếu trong lĩnh vực về tài chính, kinh doanh, phát triển khách hàng nên khối lượng công việc nhiều, nhất là đến kỳ thanh quyết toán tiền điện, tiền viễn thông. Với đặc thù thường xuyên tiếp xúc khách hàng trong và ngoài ngành, chị em luôn ý thức chấp hành quy định giao tiếp khách hàng, không ngừng đổi mới phong cách làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ sử dụng điện, sử dụng viễn thông, đặc biệt tại khâu thu ngân. Các phong trào thi đua: “Nữ nhân viên thanh lịch”, “Ghi điện viên, thu ngân viên giỏi” (Công ty Ðiện lực thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ðà Nẵng…), “Kế toán trung thực, sáng tạo”, “Nữ nhân viên phục vụ giỏi” (Công ty Ðiện lực Ðồng Nai), “Thi đua tuyên truyền tiết kiệm điện”, “Thi đua phát triển khách hàng viễn thông”…

Ở các đơn vị tư vấn, Viện, với sức ép công việc chuyên môn cũng như tiến trình thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh đã phần nào tác động đến tâm tư, tình cảm của các chị em. Nhưng với đức tính hy sinh, chịu thương chịu khó của người phụ nữ, các chị đã vượt lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những kỹ sư nghiên cứu, khảo sát, tư vấn, thiết kế, giám sát công trình có trình độ cao vẫn giữ vững và luôn đi đầu trong công tác nghiên cứu, chủ nhiệm đề án thiết kế giỏi, đề án có chất lượng cao trong đội ngũ những người làm công tác tư vấn xây dựng điện. Còn chị em ở các ban QLDA là những người luôn phải theo chân các công trình để phục vụ công việc của đơn vị như thanh toán chế độ, giải quyết đền bù, giám sát, quyết toán công trình… Nhưng dù phải đi xa nhà hàng trăm km nhưng các chị đều thu xếp công việc gia đình để đảm bảo công tác tốt.

So với các nữ CBNVC ngành Ðiện khác, chị em công tác ở khối cơ khí điện lực gặp nhiều khó khăn hơn trong điều kiện sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường. Nhưng, nhờ phát huy tốt phong trào thi đua tích cực học tập, nâng cao tay nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm nên các đơn vị cơ khí  điện lực đã và đang thích ứng nhanh với cơ chế thị trường trong điều kiện đã chuyển sang CPH. Phong trào xây dựng hình ảnh người nữ CNVC-LÐ Công ty cổ phần Cơ khí Ðiện lực của thế kỷ 21 “Thành đạt, đảm đang, tự tin và xinh đẹp”; phong trào “Lao động giỏi” của Công ty cổ phần Chế tạo thiết bị điện, Công ty Cơ điện Thủ Ðức… đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm chất lượng cao cho ngành và toàn xã hội. Tại các trường học, đội ngũ nữ giáo viên vẫn duy trì tốt phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Giáo viên dạy giỏi”, “Giáo viên chủ nhiệm giỏi”, tích cực rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu trong sự nghiệp đổi mới giáo dục của xã hội...

Ðể có thế đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao, nữ CNVC-LÐ luôn ý thức được việc phải thường xuyên bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nâng cao tay nghề, học hỏi thêm kiến thức mở rộng khác. Chị em đã được lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện thuận lợi để đi học các lớp đào tạo ngắn ngày, dài hạn để nâng cao trình độ, học thêm tiếng Anh, vi tính… Trong tổng số nữ CNVC-LÐ ngành Ðiện, tỷ lệ chị em có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ chiếm hơn 1%, trình độ đại học gần 39%, trình độ trung cấp chiếm gần 26%. Các chị em là công nhân cũng luôn cố gắng học hỏi thêm từ thực tế cũng như các lớp nâng cao bậc để làm tốt công việc của mình. Ðây thực sự là những nỗ lực đáng khích lệ của các nữ CNVC-LÐ ngành Ðiện, bởi áp lực là khá cao khi chị em vừa phải đảm trách tốt công tác chuyên môn, đồng thời thực hiện nghĩa vụ là người vợ, người mẹ chăm lo cho gia đình của mình.

Ðánh giá những nỗ lực của nữ CNVC-LÐ ngành Ðiện, năm 2007, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tặng bằng khen cho 3 tập thể, 3 cá nhân có thành tích suất sắc trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và rất nhiều cá nhân, tập thể nữ đạt các danh hiệu thi đua khác.  Ðặc biệt, tấm gương Anh hùng lao động Nguyễn Thị Nguyệt - Kỹ sư Công ty Chế tạo thiết bị điện Ðông Anh luôn là niềm tự hào, sự cổ vũ to lớn cho toàn thể nữ CNVC-LÐ ngành Ðiện để phấn đấu vượt qua khó khăn, vươn lên làm chủ công nghệ, hoàn thành xuất sắc công tác chuyên môn cũng như thực hiện tốt thiên chức của người phụ nữ đối với gia đình.

Theo TCĐL số 10/2008