Bình Định đón nhận nhiều dự án năng lượng tái tạo
Theo đánh giá của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), Bình Định ít có tiềm năng sản xuất điện từ nguồn sinh khối. Tiềm năng địa nhiệt phục vụ phát điện còn trong giai đoạn nghiên cứu, chưa được khảo sát, đánh giá.
Mặc dù vây, điện mặt trời có tiềm năng rất tốt, tương đương với một số tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Nam bộ. Cường độ bức xạ mặt trời ước tính 5,24 kWh/m2/ngày, cao hơn mức trung bình 3 - 5 kWh/m2/ngày của cả nước. Số giờ nắng bình quân gần 7 giờ/ngày.
Ngoài điều kiện khí hậu thuận lợi, các khu vực được nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu đề xuất dự án điện mặt trời như Khu kinh tế Nhơn Hội, các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh còn có thế mạnh là nằm ở vùng ít có người dân sinh sống, việc giải phóng mặt bằng không gặp nhiều trở ngại.
Về điện gió, tuy không bằng một số tỉnh phía Bắc nhưng tiềm năng của Bình Định tốt hơn các tỉnh phía Nam. Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh như Khu kinh tế Nhơn Hội, xã Mỹ An (Phù Mỹ) có tốc độ gió trên 6 m/giây; tuy nhiên chỉ cần tốc độ gió 5 m/giây trở lên, tua bin đã có thể phát điện. Ước tính với diện tích phát triển điện gió trên 300 ha (chủ yếu trên đất liền), có thể tạo ra khoảng 600 MW điện.
Mới đây nhất vào tháng 9, CTCP Fujiwara (Nhật Bản) được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cấp Giấy điều chỉnh chứng nhận đăng ký đầu tư lần thứ đối với Dự án Nhà máy Điện mặt trời Fujiwara Bình Định diện tích khoảng 60 ha. Đây là khu vực quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo tại sườn núi phía Tây núi Phương Mai, khu kinh tế Nhơn Hội.
Dự án có tổng vốn đầu tư 60 triệu USD, công suất 50 MW, tiến độ xây dựng và hoàn thành đi vào hoạt động trong tháng 6/2019.
Tháng 5, Nhà đầu tư Hàn Quốc là Công ty TNHH Năng lượng Seoul đã hoàn chỉnh Hồ sơ đăng ký đầu tư dự án điện gió kết hợp điện mặt trời tại khu vực sườn núi phía Tây núi Phương Mai, KKT Nhơn Hội với diện tích 424 ha. Dự án đã được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu với tổng vốn đăng ký 75 triệu USD, công suất 60 MW (20 MW điện gió và 40 MW điện mặt trời), đến quý IV/2019 đi vào hoạt động.
Giữa tháng 6 năm nay, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương CTCP Năng lượng Tái tạo Việt Nam đầu tư dự án Nhà máy điện Mặt trời đầm Trà Ổ, tại thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu (Phù Mỹ).