Lắp đặt hệ thống điện măt trời cho hộ dân ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN
Ông Huỳnh Ngọc Việt, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định cho biết, đơn vị đang gấp rút nghiệm thu, đóng điện và ký hợp đồng mua bán điện với nhiều dự án điện mặt trời mái nhà trước thời điểm ngày 31/12/2020 để khách hàng được hưởng cơ chế giá 1.943 đồng/kWh, theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 4/2020.
Theo ông Huỳnh Ngọc Việt, để giải quyết khối lượng lớn các dự án điện mặt trời mái nhà đăng ký thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu, đóng điện và ký hợp đồng mua bán, Công ty Điện lực Bình Định phải tăng cường cán bộ nhân viên làm việc xuyên suốt, kể cả những ngày nghỉ cuối tuần để đảm bảo nghiệm thu, đóng điện trước năm 2021.
Từ đầu tháng 10/2020 đến nay, đã có 379 dự án điện mặt trời mái nhà, với công suất hơn 35 MWp được Công ty Điện lực Bình Định nghiệm thu, đóng điện đưa vào vận hành.
Đến cuối năm nay, Công ty Điện lực Bình Định đã có 1.709 dự án điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất hơn 200 MWp. Trong đó, 150 dự án điện mặt trời mái nhà có công suất lớn 150 MWp đã thỏa thuận đấu nối, dự kiến sẽ vận hành vào cuối năm 2020.
Năm 2020, Công ty Điện lực Bình Định đề ra kế hoạch phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái nhà với tổng công suất 15 MWp. Tuy nhiên, số lượng dự án điện mặt trời mái nhà ở tỉnh này đã tăng đột biến, tổng công suất lên tới hơn 200 MWp, vượt kế hoạch hơn 1.333%.
Mặc dù công suất điện mặt trời năm nay tăng cao, tuy nhiên hạ tầng lưới điện của tỉnh Bình Định vẫn đáp ứng tốt, các dự án điện mặt trời đều có thể phát huy được 100% công suất thiết kế.
Theo Công ty Điện lực Bình Định, số lượng dự án điện mặt trời mái nhà ở Bình Định tăng đột biến trong năm 2020 là vì chủ đầu tư muốn được hưởng cơ chế giá cao theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 4/2020.
Bên cạnh đó, hiện rất nhiều doanh nghiệp có nhà xưởng ở các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Quy Nhơn quan tâm đến phương án đầu tư điện mặt trời trên mái nhằm tận dụng lợi thế mái nhà có sẵn.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lĩnh vực năng lượng điện mặt trời cũng đã thuê lại mặt bằng mái nhà của các công ty để lắp đặt hệ thống pin mặt trời; trong đó, Công ty Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (đóng tại khu công nghiệp Phú Tài, phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn) đã cho 10 công ty thuê mái nhà xưởng để đầu tư xây dựng điện mặt trời trên mái, lắp đặt 23.600 tấm pin, với tổng công suất lắp đặt hơn 10.500kWp.
Trong năm 2020, nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng (chủ đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà), ngành điện lực Bình Định đã thực hiện các quy trình đấu nối, mua bán điện từ hệ thống điện mặt trời áp mái, lắp đặt công tơ hai chiều miễn phí, chốt chỉ số điện năng, thanh toán tiền kịp thời cho khách hàng.
Công ty Điện lực Bình Định đã làm tốt công tác tư vấn, tuyên truyền tới doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Định có nhu cầu lắp đặt hệ thống năng lượng điện mặt trời áp mái, tạo điều kiện phát triển nhanh điện mặt trời tại tỉnh, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, giảm tải cho lưới điện quốc gia.
Trước đó, ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam; trong đó, quy định giá mua điện với cả 3 loại hình, gồm điện mặt trời mặt đất, điện nổi và điện trên mái nhà.
Cụ thể, giá mua điện với dự án điện mặt trời trên mái nhà 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 cent/kWh. Thời hạn áp dụng mức giá này chỉ đối với các dự án đấu nối, vận hành thương mại đến hết ngày 31/12/2020 và được kéo dài 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.