Tăng cường khả năng cấp điện cho các khu công nghiệp.
Vướng giải phóng mặt bằng
KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom) là một trong những KCN thu hút nhiều nhà đầu tư vào sản xuất. Nhằm đảm bảo cung cấp nguồn điện phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp trong KCN, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã triển khai thực hiện đầu tư công trình đường dây và trạm biến áp (TBA) 110kV Giang Điền và đường dây đấu nối khởi công từ tháng 2/2016 thuộc Dự án DEP vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB). Theo dự tính, dự án được đưa vào khai thác vận hành trong năm 2016. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Ban quản lý Dự án Điện lực miền Nam cho biết, đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành, nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các trụ điện kéo dài quá lâu.
Trong khi đó, trên địa bàn TP. Biên Hòa, dự án còn vướng mắc đối với 6 vị trí móng trụ (6, 10, 11, 16, 23 và 30) và một số hộ dân trong hành lang lưới điện chưa đồng ý nhận tiền bàn giao mặt bằng theo đơn giá bồi thường hỗ trợ được duyệt. Hiện nay, KCN Giang Điền có 45 khách hàng chuyên dùng với tổng công suất lắp đặt hơn 94MVA, trong khi các TBA 110kV lân cận đã vận hành đầy tải, không thể cấp điện tăng thêm cho KCN Giang Điền được.
Trước khó khăn trên, liên tục các năm từ 2017 - 2019, Điện lực Trảng Bom (Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai - PC Đồng Nai) đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 3 tuyến đường dây để cấp điện cho các doanh nghiệp trong KCN Giang Điền. Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao của doanh nghiệp, 3 tuyến đường dây nói trên cũng đang vận hành đầy tải. Vì vậy, việc sớm đưa TBA 110kV KCN Giang Điền vào vận hành nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện cho các nhà đầu tư trong KCN Giang Điền rất cấp thiết.
Tập trung gỡ khó
Theo PC Đồng Nai, ngoài vướng mắc công trình đường dây và TBA 110kV Giang Điền, ngành điện của tỉnh cũng đang gặp vướng mắc tương tự tại công trình cải tạo tăng công suất tải đường dây 110kV từ TBA 220kV Long Bình - TBA 110kV Loteco (đoạn số 1) và từ TBA 500kV Sông Mây - TBA 110kV Thống Nhất (đoạn số 2) và công trình cải tạo tăng công suất đường dây 110kV từ TBA 500kV Sông Mây - TBA 110kV Bắc Sơn (đoạn số 1) và từ TBA 110kV Bắc Sơn - TBA 110kV Tân Hòa (đoạn số 2), được khởi công xây dựng từ năm 2017.
Trên thực tế, các công trình này đi vào hoạt động sẽ góp phần giải tỏa công suất trạm 500kV Sông Mây, giảm tải cho TBA 220kV Long Bình, máy biến áp AT8, AT9 trạm 220kV Nhà máy Thủy điện Trị An và đường dây 110kV Sông Mây - Bắc Sơn. Đồng thời, tăng khả năng cấp điện cho các TBA 110kV đảm bảo cung cấp điện cho các nhà đầu tư trong các KCN: Sông Mây, Bàu Xéo, Hố Nai, Loteco…; đảm bảo kịp thời cung cấp điện cho mùa khô năm 2020 và các năm tiếp theo cho phát triển kinh tế địa phương.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, thiếu hụt nguồn cung cấp điện ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp. Do đó, các địa phương liên quan, nhất là TP. Biên Hòa, cần phối hợp với ngành điện lực sớm giải quyết kiến nghị của KCN Giang Điền. Về lâu dài, trong thời gian tới, lãnh đạo địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với ngành điện khơi thông nguồn cung điện ổn định cho sản xuất, góp phần tạo nên sức hút đầu tư của Đồng Nai trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh các KCN hiện hữu, Đồng Nai đang chuẩn bị thành lập thêm nhiều KCN nhằm đón nhận "làn sóng" đầu tư mới, chất lượng cao. Ngành điện và các bên liên quan có kế hoạch cung ứng điện sẵn tại các KCN chuẩn bị thành lập.
|
Link gốc