Các nhà máy nhiệt điện khẩn trương vào guồng sản xuất

Thứ sáu, 10/2/2023 | 15:41 GMT+7
Với mục tiêu đảm bảo an toàn an ninh năng lượng quốc gia, góp phần giữ vững đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2023, ngay từ đầu năm 2023, hoạt động sản xuất tại các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được tập trung cao độ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất.

Trung tâm Điều hành sản xuất tại Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (TP Hạ Long).

Năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm của Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh tập trung vào sản xuất 7,77 tỷ kWh (tăng khoảng 10% so với năm 2022). Đây cũng là đơn vị có sản lượng điện hằng năm lớn nhất trên địa bàn tỉnh, chiếm khoảng 1/5 sản lượng của 7 nhà máy nhiệt điện. Để đảm bảo độ sẵn sàng của các tổ máy và tham gia phát điện khi có yêu cầu của hệ thống điện, công tác sửa chữa lớn các tổ máy đã được Công ty khẩn trương triển khai ngay từ cuối năm 2022. Tháng 10/2022, Công ty thực hiện công tác sửa chữa lớn đối với tua bin và lò hơi của tổ máy số 1. Nhằm đảm bảo chất lượng sửa chữa, tiến độ đặt ra, ngay từ ngày đầu triển khai, Công ty bố trí các kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm để giám sát công trình, phối hợp cùng các đơn vị nhà thầu làm việc 24/24h. Hàng tuần, Công ty tổ chức họp giao ban để các đơn vị, bộ phận liên quan kiểm điểm tiến độ công việc, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. Đến cuối năm 2022, Công ty đã hoàn thành toàn bộ khối lượng sửa chữa lớn tổ máy số 1 để đảm bảo vận hành an toàn liên tục cho tổ máy trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, Công ty tập trung xây dựng phương án kế hoạch sử dụng than có hiệu quả, tỷ lệ tồn kho hợp lý để đảm bảo nguồn cấp nhiên liệu than ổn định, đầy đủ đáp ứng yêu cầu sản xuất của nhà máy và kế hoạch đề ra; tăng cường công tác đào tạo, nhất là đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ vận hành, sửa chữa của nhà máy ở các lĩnh vực công việc có tính chất chuyên gia.

Tại Công ty Nhiệt điện Uông Bí, với sản lượng được giao năm 2023 là trên 3,7 tỷ kWh, đơn vị đặt mục tiêu trong 6 tháng cao điểm đầu năm phải hoàn thành khoảng 2 tỷ kWh điện. Ngay từ tháng 1/2023, nhất là những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, tại Phòng điều hành trung tâm của đơn vị, lực lượng cán bộ, công nhân lao động thực hiện việc phân ca, phân kíp, vận hành sản xuất đủ 3 ca, đảm bảo hoạt động 24/24h. Tất cả đều thể hiện quyết tâm, nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà công ty giao.

Ông Đỗ Trung Kiên, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí, khẳng định: Năm 2023, đơn vị nhận định sẽ còn nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới công tác điều hành của đơn vị, như thời tiết diễn biến thất thường, không theo quy luật gây khó khăn trong công tác lập lịch vận hành, sửa chữa bảo dưỡng các tổ máy; khó khăn trong hoạt động chào giá, tham gia thị trường điện; tình hình xung đột, căng thẳng tại nhiều khu vực trên thế giới: việc khan hiếm nguồn cung, giá nguyên nhiên vật liệu tăng… Tranh thủ thời tiết thuận lợi, đơn vị vận hành tối đa công suất của các tổ máy, nâng cao công tác quản lý kỹ thuật để giảm thiểu sự cố và đưa kế hoạch sửa chữa lớn vào cuối năm 2023 để không ảnh hưởng nhiều kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tính đến hết tháng 1/2023, Công ty đã phát được 292 triệu kWh (đạt 103% so với kế hoạch sản lượng của tháng 1 theo kế hoạch đề ra).

Công nhân Công ty Nhiệt điện Mông Dương (TP Cẩm Phả) thực hiện kiểm tra định kỳ các tổ máy.

Thể hiện sự quyết tâm từ đầu năm, Công ty Nhiệt điện Mông Dương đã xây dựng kế hoạch và đưa ra các giải pháp thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế, kỹ thuật. Trong đó, đặc biệt coi trọng việc nâng cao độ tin cậy, rút ngắn thời gian xử lý sự cố và thời gian sửa chữa, bảo dưỡng để cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục. Việc thực hiện kiểm tra định kỳ công tác quản lý kỹ thuật, công tác an toàn môi trường được coi là việc làm thường xuyên đối với từng phân xưởng, tổ đội đến từng cán bộ, nhân viên, người lao động. Công ty cũng đang tìm hướng nghiên cứu các giải pháp nhằm giảm suất hao nhiệt, hạ giá thành để tham gia trực tiếp thị trường điện; ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung ứng than để đáp ứng yêu cầu sản xuất khi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia huy động với phương thức cao… Mục tiêu đặt ra năm 2023 đạt sản lượng khoảng 7 tỷ kWh điện, tiêu thụ khoảng 3,6 triệu tấn than, mang lại doanh thu khoảng 12.000 tỷ đồng.

Theo thống kê của Sở Công Thương, 7 nhà máy nhiệt điện với sản lượng điện phát lên hệ thống đạt khoảng 38 tỷ kWh mỗi năm, đã đóng góp hơn 10.000 tỷ đồng ngân sách/năm. Riêng năm 2022, hoạt động sản xuất của các nhà máy nhiệt điện đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng của tỉnh (chiếm tới 16% GRDP), trở thành một trong những ngành kinh tế đóng vai trò trụ cột cho sự phát triển của tỉnh. Sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm của toàn thể cán bộ, công nhân lao động của đơn vị sản xuất nhiệt điện ngay từ những ngày đầu năm sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung.

Link gốc

 

Theo: Báo Quảng Ninh