Hiện nay, năng lượng gió và năng lượng mặt trời không đáp ứng đủ nhu cầu của hàng chục triệu người dân châu Phi, nhất là tại 10 quốc gia đang có đà tăng trưởng kinh tế cao, trong số đó có Nam Phi, Senegal, Uganda, Nigeria…
Trong quá trình tập trung thực hiện cải cách chính trị, phát triển kinh tế thị trường và đẩy mạnh liên kết khu vực cũng như quốc tế để khắc phục tình trạng đói nghèo, lạc hậu, lục địa đen phải đối mặt nhiều thử thách về kinh tế và xã hội, bao gồm tình trạng thiếu điện, thiếu nguồn cung cấp nước sạch.
Senegal là một trong những quốc gia đã đặt mục tiêu phát triển năng lượng điện hạt nhân lên hàng đầu. Trong một cuộc hội thảo về năng lượng tại Pháp diễn ra vào cuối tháng trước, Senegal đã không ngần ngại tuyên bố kế hoạch phát triển nguồn năng lượng mới dựa vào nguồn điện hạt nhân từ nay cho đến năm 2020.
Trong số 10 quốc gia châu Phi khát năng lượng, Nam Phi là quốc gia đi đầu trong việc phát triển năng lượng điện hạt nhân khi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hai lò phản ứng điện hạt nhân, giải quyết được phần lớn nhu cầu tiêu thụ điện năng trong nước.
Nigeria cũng tỏ ra không thua kém khi tìm cách chạy nước rút để phát triển điện hạt nhân. Nước này đang tiến hành đàm phán với Iran, thảo luận kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân. Uganda đã thông qua dự luật phát triển điện hạt nhân vào năm 2008, đặt hy vọng sẽ phát triển kế hoạch vào năm 2020. Trong khi Chính phủ Kenya cũng đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư 1 tỷ USD từ nước ngoài để phát triển điện hạt nhân. Các nước khác như Algeria, Ghana, Niger cũng đang “rục rịch” cho các kế hoạch tương tự.
Trên thực tế, năng lượng vẫn là vấn đề rất khó giải quyết tại các nước châu Phi. Thiếu cơ sở vật chất, nhân công không có trình độ kỹ thuật cao càng gây thêm nhiều trở ngại đối với việc phát triển năng lượng điện hạt nhân tại các nước này. Tuy nhiên, tiềm năng của châu Phi hiện nay rất lớn, vì thế, khi châu Phi bày tỏ ý định phát triển nguồn năng lượng điện đã có một số quốc gia lên tiếng ủng hộ như Pháp, Nga, Hàn Quốc…
Tuy nhận được sự hậu thuẫn từ các quốc gia phát triển, được chính phủ bật đèn xanh nhưng không phải hầu hết những người dân châu Phi đều ủng hộ những kế hoạch này. Số người phản đối cho rằng đây là một kế hoạch lãng phí, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người vì các nhà máy điện hạt nhân tạo ra chất thải phóng xạ gây chết người.
Trong khi đó, những người ủng hộ, đặc biệt là các nhà khoa học, cho rằng chất thải phóng xạ không phải là một điểm yếu mà là một đặc thù của năng lượng hạt nhân. So với lượng thải khổng lồ của nhiên liệu hóa thạch vào khí quyển, lượng chất thải hạt nhân là nhỏ, không đáng kể và có thể cất giữ mà không gây nguy hại cho con người cũng như môi trường.
Ủng hộ và chống đối vẫn là hai cực trái chiều trong việc phát triển năng lượng điện hạt nhân tại nhiều quốc gia và châu Phi không phải là trường hợp ngoại lệ. Nhưng nếu sự tranh cãi này vẫn còn xảy ra gay gắt, nhiều khả năng châu Phi phải cân nhắc rất nhiều để có thể giải quyết bài toán khát năng lượng trong thời gian tới.