Cần đặt quyết tâm cao, nỗ lực lớn để đưa Dự án đường dây 220 kV Trạm cắt Nậm Sum - Nông Cống về đích trong tháng 10/2024

Thứ ba, 1/10/2024 | 09:49 GMT+7
Ngày 4-5/10/2024, đại diện Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã đi kiểm tra công trường, đôn đốc thi công gói thầu số 15 đường dây 220 kV Trạm cắt Nậm Sum - Nông Cống, đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa.

Thi công dựng cột Dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống.

Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Vũ Hồng Nguyên - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, đồng chí Trịnh Tuấn Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, đại diện Ban Tuyên giáo Đảng ủy, Ban Truyền thông và Ban QLXD EVNNPT, lãnh đạo Ban QLDA các công trình điện miền Bắc (NPMB)…

Nhiều thách thức trong thi công

Dự án đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống có quy mô 2 mạch dài gần 130 km đi qua địa bàn huyện Quế Phong, huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An), huyện Như Xuân, huyện Như Thanh và huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa).

Đường găng lớn nhất của dự án này là gói thầu số 15 do Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thương mại, Công nghiệp Việt Á (Tập đoàn Việt Á) thi công từ vị trí 146 - 223 thuộc địa bàn huyện Quỳ Châu và Như Xuân. 

Trực tiếp dẫn đoàn công tác đi đến các vị trí 179 của dự án (với quãng đường trên 2 km đường rừng núi với tổng thời gian cả đi và về gần 3 tiếng) thuộc địa bàn xã Thanh Phong, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, kỹ sư Nguyễn Trí Dũng (chủ trì thiết kế - Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1) cho biết: Toàn dự án có 299 vị trí cột nhưng có đến hơn 90% số vị trí cột đi qua đồi núi cao, đi qua rừng nên việc tiếp cận vị trí móng gặp nhiều khó khăn. Điển hình như các vị trí 01, 02 thuộc huyện Quế Phong (Nghệ An); các vị trí 173, 174 thuộc huyện Quỳ Châu (Nghệ An); các vị trí 176, 177, 178, 179, 180 thuộc địa bàn Như Xuân (Thanh Hóa). Những vị trí này phải đi qua nhiều dốc dựng đứng, đường công vụ vào vị trí rất khó khăn, việc vận chuyển vật tư thiết bị lên công trường rất nan giải.

Khi được hỏi vì sao chọn hướng tuyến đi qua vùng địa hình khó khăn như vậy mà không chọn hướng tuyến ở dưới núi đi lại thuận lợi hơn, kỹ sư Nguyễn Trí Dũng cho biết: Thông thường các dự án truyền tải điện nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam do điều kiện tự nhiên nên phải đi qua đồi núi cao thuộc dãy Trường Sơn nằm ở phía Tây Việt Nam giáp biên giới Lào. Cùng với đó, quá trình thỏa thuận hướng tuyến, địa phương đều yêu cầu thực hiện trên núi, ưu tiên đất ở đồng bằng để phục vụ sản xuất kinh doanh, dịch vụ và phát triển dân cư, đô thị. Chính vì thế, toàn tuyến chủ yếu đi qua đồi núi, rừng sâu, trong đó Dự án đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống là một trong những dự án 220 kV khó khăn nhất mà đơn vị đã thực hiện tư vấn thiết kế.

Ông Nguyễn Đức Thành - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Á cho biết: Hiện nay đơn vị đang tập trung thi công các vị trí còn lại, trong đó 3 vị trí 176, 177 và 178 đang triển khai mở đường công vụ để thi công. Điều lo lắng nhất của đơn vị chính là vị trí 173 và 174 thuộc địa bàn huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Đây là 2 vị trí theo khảo sát nằm khu vực đá cứng, việc thi công móng sẽ mất nhiều thời gian. Cùng với đó trong quá trình thi công nếu trời mưa sẽ không thể thi công được do điều kiện đường rừng núi trơn trượt.

Cần phát huy tinh thần mạch 3 để đẩy nhanh tiến độ thi công

Mỗi khi trời mưa đường công vụ lầy lội khiến việc vận chuyển thiết bị lên vị trí gặp khó khăn.

Mặc dù khối lượng công việc của dự án còn lại rất nhiều, cùng với đó, EVN, EVNNPT và NPMB đã nhiều lần yêu cầu nhà thầu Việt Á bổ sung nhân lực, phương tiện, máy móc… Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư.

Ông Trần Kim Vũ - Phó Giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Bắc (NPMB) cho biết: Theo thống kê trong tháng 9 khu vực Như Xuân, Quỳ Châu có đến 15 ngày mưa cả ngày và 5 ngày mưa mưa từ 3, 4 tiếng/ngày, đó là một trong những khó khăn rất lớn cản trở tiến độ dự án. Vì vậy, yêu cầu Tập đoàn Việt Á: Lập, duyệt tiến độ thi công chi tiết các khối lượng công việc còn lại đáp ứng mốc tiến độ hoàn thành dự án theo chỉ đạo của EVN. Trong đó phải bố trí đủ nhân lực trên toàn bộ các vị trí, khoảng néo thi công mới đáp ứng được khối lượng công việc lớn còn lại. Đồng thời cử lãnh đạo Tập đoàn có mặt tại công trường để điều hành công việc và xử lý ngay những vướng mắc phát sinh. Cùng với đó, NPMB đã yêu cầu Tập đoàn Việt Á bố trí cán bộ đền bù có năng lực thực hiện công tác mượn đường, đền bù thi công kéo dây toàn bộ các khoảng néo còn lại không để vướng mắc về đền bù thi công.

Tại buổi kiểm tra công trường, đồng chí Vũ Hồng Nguyên và đồng chí Trịnh Tuấn Sơn đã lắng nghe các bên báo cáo tiến độ chung, trọng tâm là gói thầu số 15 của Tập đoàn Việt Á, đang là đường găng của toàn dự án, đặc biệt đi sâu phân tích nguyên nhân chậm tiến độ, các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các vị trí còn chưa đào, đúc móng trong gói thầu số 15 và nhấn mạnh: Đây là dự án cấp bách, được đầu tư xây dựng nhằm mục đích nhập khẩu điện từ cụm Nhà máy thủy điện Nậm Sum (Lào) về Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của hệ thống điện khu vực miền Bắc. Đến nay, khối lượng đào, đúc móng, dựng cột, kéo dây còn lại rất lớn so với thời hạn 30 ngày, cần phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn của tất cả các đơn vị liên quan. Với tính chất quan trọng và cấp bách của dự án, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 260-NQ/ĐU yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án và hoàn thành trong tháng 10/2024. Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy EVN, ngày 29/9/2024 Ban Thường vụ Đảng ủy EVNNPT đã ban hành văn bản số 750-CV/ĐU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành 30 ngày cao điểm hoàn thành đường dây 220 kV Trạm cắt Nậm Sum - Nông Cống.

Đồng chí Vũ Hồng Nguyên và đồng chí Trịnh Tuấn Sơn giao Đảng uỷ NPMB lãnh đạo NPMB tập trung chỉ đạo, điều hành các phòng chức năng, các nhà thầu, đặc biệt là nhà thầu Việt Á: Huy động tối đa mọi nguồn lực, phát huy tinh thần 4 tại chỗ, đề ra và thực hiện các giải pháp kịp thời, hiệu quả, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn lại; tiếp tục rà soát, hoàn thiện tổng tiến độ chi tiết, có dự phòng điều kiện thời tiết xấu và địa chất móng cột không thuận lợi, với mục tiêu phải đóng điện trong tháng 10/2024; tăng cường sự phối hợp giữa các bên, phát hiện sớm, thông tin kịp thời và giải quyết ngay vướng mắc phát sinh; có các hình thức động viên tinh thần, vật chất gắn với điều động tổ, đội, nhân công đầy đủ, hợp lý nhằm tăng năng suất lao động, tăng thời gian thi công, đặc biệt là đối với các vị trí nay còn chưa đào móng; ưu tiên vận chuyển VTTB lên các vị trí cột ngay khi có điều kiện mặt bằng nhằm giảm nguy cơ đường lên bị trơn trượt khi có mưa.

Cuối cùng, đồng chí Vũ Hồng Nguyên - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy EVNNPT đề nghị NPMB, các nhà thầu tham gia dự án, đặc biệt là nhà thầu Việt Á cần phát huy tinh thần thần tốc cùng với những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thi công các dự án đường dây 500 kV mạch 3 vừa qua để tập trung điều hành, đảm bảo mốc thời gian đề ra, đồng thời đảm bảo an toàn cho người và thiết bị trên công trường.
Tại công trường, lãnh đạo Tập đoàn Việt Á cam kết sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, máy móc, nhân lực để quyết tâm hoàn thành công trình trong tháng 10/2024 đáp ứng mục tiêu chỉ đạo của Đảng ủy EVN và Đảng ủy EVNNPT giao. 

Thi công những vị trí móng cuối cùng Dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống.

Dự án Đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống:

- Chủ đầu tư: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia;

- Đơn vị quản lý điều hành dự án: Ban QLDA các công trình điện miền Bắc;

- Khởi công: Tháng 12/2021;

- Dự kiến hoàn thành: Tháng 10/2024;

- Dự án đi trên địa bàn các huyện Quế Phong, Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) và các huyện Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa), có chiều dài gần 130 km gồm 2 mạch. Trong đó:

+ Đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Nghệ An có chiều dài 77,31 km gồm 174 vị trí móng cột;

+ Đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 52,64 km, gồm 125 vị trí móng cột;

- Toàn tuyến có đến 234/299 vị trí móng cột bị ảnh hưởng bởi rừng.

Lê Linh