Cần điều chỉnh giá điện sinh khối đồng phát từ bã mía

Thứ hai, 29/10/2018 | 09:18 GMT+7
Nguồn năng lượng sinh khối bã mía rất lớn, có thể khai thác để phát điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, giá mua điện đồng phát nhiệt - điện sử dụng bã mía từ các nhà máy đường nối lưới quốc gia chưa đủ sức hấp dẫn để khuyến khích, khai thác triệt để tiềm năng.
can dieu chinh gia dien sinh khoi dong phat tu ba mia
Nhà máy điện sinh khối An Khê - Công ty CP Đường Quảng Ngãi

Mới đây, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy Điện sinh khối từ bã mía tại An Khê - Gia Lai, với công suất thiết kế 110 MW, năng lực phát điện là 95 MW, vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Công ty CP Đường Quảng Ngãi cho biết, ngoài cung cấp khoảng 25 MW công suất phát điện phục vụ nội bộ cho sản xuất đường tại Nhà máy Đường An Khê, khoảng 70 MW công suất còn lại công ty sẽ bán lên lưới điện quốc gia, với giá điện đồng phát nối lưới hiện hành (khoảng 5,8 UScent/kWh) doanh thu ước tính đạt khoảng 300 tỷ đồng/năm.

Ngoài mang lại doanh thu, hoạt động của nhà máy điện sinh khối còn tạo ra những động lực thúc đẩy hiện đại hóa, công nghiệp hóa trên địa bàn. Đặc biệt, nguồn bã mía thải ra từ sản xuất đường sẽ được sử dụng triệt để cho việc sản xuất điện, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
 
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, hiện cả nước có 40 nhà máy đường hoạt động, tương ứng vùng nguyên liệu khoảng 300.000 ha, sản lượng mía cây đạt khoảng 16-18 triệu tấn/năm. Bình quân 1 tấn mía cây sau sản xuất đường để lại khoảng 0,3 tấn bã mía, có thể sản xuất khoảng 100-120 kWh điện. Ước tính năm 2030, theo qui hoạch, sản lượng mía cây sẽ đạt khoảng 24 triệu tấn, nguồn bã mía có thể sản xuất được khoảng 2,8 triệu MWh điện, tương ứng công suất phát điện khoảng 970 MW.
 
Tính đến năm 2017, trong ngành mía đường đã có 8 nhà máy đường phát điện sinh khối từ bã mía và dư nguồn nối với lưới quốc gia (chưa bao gồm của Công ty CP Đường Quảng Ngãi) với tổng công suất lắp đặt 335,6 MW, công suất phát điện nối lưới là 98,9 MW, điện năng phát nối lưới là 186.302.892 kWh. Tuy nhiên, theo ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đầu tư để phát điện sinh khối bã mía lên lưới điện quốc gia cần phải có công nghệ hiện đại, chi phí đầu tư cao hơn so với đầu tư phát điện chỉ để phục vụ sản xuất nội bộ tại các nhà máy đường.
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh: Cơ chế, chính sách đối với phát triển điện sinh khối (bao gồm đồng phát nhiệt - điện từ bã mía) đến nay đã lạc hậu, cần nghiên cứu, rà soát lại để có những điều chỉnh thay đổi cho phù hợp.

Theo các nhà máy đường, mức đầu tư cho 1 kWh điện sinh khối bã mía nối lưới quốc gia bình quân là 1.600 - 1.800 đồng (khoảng 7,3-8,1 UScent/kWh, chưa có VAT). Trong khi đó, giá bán điện nối lưới quốc gia theo cơ chế hiện hành với điện đồng phát từ bã mía chỉ là 5,8 UScent/kWh, còn giá điện sinh khối sản xuất từ các nguồn nguyên liệu khác như rơm, rạ, trấu… hiện cũng đã là hơn 7 UScent/kWh.

Mức giá đối với điện đồng phát từ bã mía hiện nay không khuyến khích và tạo được động lực đủ cho các nhà máy đường chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại để phát điện nối lưới quốc gia, chưa phù hợp với chủ trương khuyến khích phát triển năng lượng sinh khối, trong đó có điện sinh khối đồng phát từ bã mía tại các nhà máy đường theo Qui hoạch diện VII có điều chỉnh cũng như theo Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Việc một số nhà máy đường đã đầu tư đồng phát nhiệt - điện mục đích chính của họ vẫn là nhằm đa dạng hóa các nguồn giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, cho ngành mía đường, công suất dư thừa thì bán lên lưới quốc gia. Tuy nhiên, do giá điện đồng phát từ bã mía nối lưới điện quốc gia thấp, các nhà máy đường chưa quan tâm, chú trọng đến việc đầu tư công nghệ hiện đại, khai thác triệt để tiềm năng nguồn năng lượng sinh khối bã mía trong ngành mía đường.
 
Mới đây, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh giá điện sinh khối đồng phát từ bã mía cho phù hợp. Tại cuộc làm việc với 3 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai) trong tháng 9/2018 vừa qua về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, cơ chế giá điện sinh khối (bao gồm đồng phát nhiệt - điện bã mía) đến nay đã lạc hậu, cần rà soát để điều chỉnh.