Ma trận dây điện trên cánh đồng sản xuất rau của làng Lang. Ảnh: Hà Phương
Chúng tôi muốn đề cập đến thực trạng đang diễn ra ở cánh đồng trồng rau của làng Lang, phường Chi Lăng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tại cánh đồng này có gần 7 ha trồng rau màu với gần 200 hộ tham gia sản xuất. Tùy thuộc vườn rau gần hay xa mà mỗi gia đình đều cố gắng kéo một đường dây điện riêng từ nhà ra cánh đồng để phục vụ sản xuất. Chính điều này đã biến cánh đồng thành một ma trận dây diện giăng mắc với những cột trụ tạm bợ, đấu nối sơ sài, chỗ kín chỗ hở, công tắc thường thấp và không được che chắn kỹ càng.
Điểm đấu nối tạm bợ dễ gây ra chập cháy. Ảnh: Hà Phương
Việc giăng mắc dây điện để sử dụng trong sản xuất nông nghiệp phía sau điện kế thuộc trách nhiệm quản lý của những hộ dân, nhất là khu vực nông thôn, phần lớn là do người dân tự thực hiện thêm khi phát sinh nhu cầu sử dụng. Nhiều hộ dân thiếu kiến thức chuyên môn nhưng không thông qua sự hướng dẫn của ngành Điện lực nên việc lắp đặt chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và an toàn theo quy định.
Các attomat đấu nối hở, thấp và thiếu an toàn. Ảnh: Hà Phương
Nhiều trường hợp sử dụng dây dẫn có tiết diện nhỏ, kém chất lượng gây quá tải, tróc vỏ làm chạm chập gây cháy nổ hoặc chạm vào các dây chằng kim loại, vách, mái nhà tôn rất dễ gây tai nạn. Ngoài ra, dây dẫn giăng mắc lên cây xanh, để dưới đất, dưới nước hoặc gỗ mục dễ xảy ra gãy, đổ làm đứt dây dẫn điện gây tai nạn cũng là mối nguy hại luôn rình rập.
Để đảm bảo an toàn trong sản xuất tại hộ gia đình thì người dân nên sử dụng các mô-tơ điện, dây điện là sản phẩm có thương hiệu và chất lượng; nhờ người có chuyên môn hoặc công nhân ngành Điện hướng dẫn để đảm bảo an toàn lưới điện, đề phòng tai nạn đáng tiếc.
Theo: Báo Gia Lai