Tư vấn sử dụng điện

Phải làm gì khi xảy ra tai nạn do điện giật?

Thứ năm, 28/2/2019 | 10:47 GMT+7
Thời gian qua, liên tục xảy ra các vụ tai nạn thương tâm về điện. Việc tự trang bị cho bản thân những kiến thức sơ - cấp cứu điện giật là rất cần thiết cho mọi người, mọi nhà. 
 
Nhận định tình huống
 
1. Nạn nhân bị điện giật sẽ mang dòng điện trong người, nên chúng ta không chạm trực tiếp vào người nạn nhân; tìm cách ngắt kết nối nguồn điện càng sớm càng tốt.
 
2. Sử dụng vật dụng bằng gỗ khô để đẩy hay gỡ nạn nhân ra xa vật dụng mang điện, nếu bạn chắc chắn dòng điện nạn nhân tiếp xúc là điện hạ thế; còn nếu không chắc chắn về dòng điện hạ thế hay trung thế, cao thế nên lập tức gọi cấp cứu và chờ để được giúp đỡ. 
 
3. Nếu xảy ra tai nạn bị điện giật ở nhà, bạn có thể sử dụng gậy bằng gỗ thật khô, hay cán chổi (tuyệt đối không sử dụng gỗ đang ẩm ướt vì có tính dẫn điện cao, dẫn đến nguy hiểm tính mạng người ứng cứu) hoặc chân ghế có bọc nhựa cách điện. 
 
4. Nếu người gặp tai nạn điện giật bị thương, hãy gọi ngay cấp cứu. Khi bạn gọi xe cứu thương và tách nạn nhân ra khỏi dòng điện thì khâu sơ cứu ban đầu khá quan trọng đối với việc cứu nạn nhân.
 
Sơ cứu ban đầu 
 
1. Tách nạn nhân ra khỏi dòng điện nếu gặp tai nạn ở nhà. 
 
Không chạm vào người nạn nhân bằng tay trần vì chắc chắn sẽ bị giật điện. Hãy tìm cách ngắt nguồn càng nhanh càng tốt bằng cách rút phích cắm ra khỏi ổ cắm, tắt thiết bị hoặc tắt nguồn cung cấp điện, tắt cầu dao chính, rồi sau đó hãy tìm cách giúp đỡ các nạn nhân. Nếu không thể tắt được nguồn điện thì nhanh chóng tìm kiếm vật dụng như đồ gỗ nội thất khô hoặc cán chổi và nếu có thể thì mang găng tay cao su và ủng cao su (những vật dụng cách điện tốt nhất) để tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện. Nếu bàn tay của nạn nhân bị co quắp và siết chặt lại do điện giật, bạn có thể đánh vào tay họ bằng gậy để nới lỏng tay ra rồi gỡ tay ra khỏi lưới điện. Sau khi đã tách nạn nhân ra khỏi dòng điện, hãy gọi cứu thương lập tức để được hỗ trợ.
 
2. Nếu nạn nhân bị điện giật trên lưới cao thế? 
 
Việc cắt điện lưới cao thế chỉ có thể thực hiện tại trạm biến áp nguồn và người chưa được đào tạo hướng dẫn thì không nên tiến đến gần nạn nhân bị điện giật trong phạm vi ảnh hưởng của lưới điện cao áp đang chạm đất. Nếu bạn đang ở quá gần với nơi có dây điện cao thế chạm đất, thì sự nguy hiểm khá cao. Để cứu các nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm, thợ điện phải được huấn luyện đặc biệt và nhân viên cứu hộ phải sử dụng bốt, găng tay cách điện và sào cách điện. Nếu người ứng cứu không được đào tạo và có kiến thức đầy đủ về điện thì việc tiếp cận nạn nhân bị điện giật là rất nguy hiểm. Tốt nhất trong tình huống như vậy, bạn nên gọi 115 để được cấp cứu.
 
3. Sơ cứu 
 
Sau khi bị điện giật, nạn nhân sẽ bị thương; vì vậy hãy gọi sẵn xe cấp cứu 115 vì đôi khi nạn nhân sẽ bị chuyển biến xấu nhanh chóng. Sau khi tách nạn nhân ra khỏi dòng điện, hãy chẩn đoán tình trạng của bệnh nhân; đầu tiên, kiểm tra xem nạn nhân còn tỉnh táo và thở được hay không, cho dù thấy bằng mắt thì vẫn bình thường. Trong thời gian chờ xe cứu thương đến, hãy cấp cứu nạn nhân nếu bạn biết cách làm; còn không, bạn hãy hỏi phía cấp cứu để được tư vấn về cách sơ cứu.
Theo: SGGP