Phóng viên có cuộc phỏng vấn PGS, TS Tạ Cao Minh về vấn đề phát triển điện NLMT
Do đó, việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), trong đó có điện năng lượng mặt trời (NLMT) là giải pháp cần được ưu tiên. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với PGS, TS Tạ Cao Minh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Phóng viên (PV): Theo ông, tại sao chúng ta cần ưu tiên phát triển điện NLMT?
PGS, TS Tạ Cao Minh: Thế giới đánh giá Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng lớn nhất về NLMT trong khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê, các tỉnh miền Trung và miền Nam có 300 ngày nắng/năm và bức xạ mặt trời lên tới khoảng 5kWh/m2. Vì vậy, thực tế Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển loại năng lượng này.
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ đóng góp của NLMT nói riêng và NLTT nói chung vào tổng nguồn điện của cả nước còn rất khiêm tốn. Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện của nước ta rất lớn, năng lượng điện than gần như đã khai thác tối đa, năng lượng thủy điện cũng khai thác khắp nơi trên đất nước và điện hạt nhân đã tạm dừng.
Do vậy, chúng ta buộc phải phát triển NLTT, bao gồm: Năng lượng gió, NLMT, năng lượng sóng biển, năng lượng sinh khối… Và với tiềm năng hiện có thì phát triển điện NLMT là khả thi nhất.
PV: Cơ hội và thách thức trong phát triển NLMT hiện nay là gì, thưa ông?
PGS, TS Tạ Cao Minh: Hiện nay, chúng ta đang đối mặt với một số khó khăn và rào cản trong việc phát triển điện NLMT.
Thứ nhất, NLMT cần diện tích lắp đặt cũng như nguồn vốn lớn.
Thứ hai, công nghệ của chúng ta hiện nay hầu hết nhập ngoại, ví như các tấm pin mặt trời, các bộ biến đổi từ một chiều sang xoay chiều, các hệ thống lưu trữ năng lượng… đang nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đức.
Thứ ba, các chính sách của Nhà nước chưa thực sự khuyến khích việc sản xuất cũng như sử dụng loại năng lượng này. Tuy nhiên, đánh giá chung NLMT có rất nhiều cơ hội để phát triển. Vì, NLMT có khả năng hoàn vốn khá nhanh; thời gian để xây dựng một nhà máy điện NLMT là rất ngắn...
Nhân viên của Công ty Cổ phần Năng lượng Mặt trời Đỏ giới thiệu nguyên lý hoạt động của hệ thống phát điện mặt trời. Ảnh: NGUYỄN VŨ
PV: NLMT là năng lượng sạch, tuy nhiên sau khoảng 25 năm khi tấm pin NLMT hết hạn sử dụng thì xử lý như nào để bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường?
PGS, TS Tạ Cao Minh: Đúng là NLMT có nhược điểm là đòi hỏi diện tích lắp đặt lớn, chi phí cao và việc xử lý các tấm pin sau khi hết hạn sử dụng gặp nhiều thách thức. Hiện nay, trung bình tuổi thọ của các tấm pin NLMT vào khoảng 25 năm. Sau khi các tấm pin này hết hạn sử dụng, xử lý chúng như thế nào để không gây ô nhiễm môi trường đang là vấn đề đặt ra không chỉ với chúng ta mà còn cả với các nước phát triển hàng đầu về loại năng lượng này, như Mỹ, Nhật Bản…
Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải nghiên cứu để có biện pháp tái chế tấm pin năng lượng đã hết hạn hoặc bằng cách nào đó nâng cao tuổi thọ sử dụng của các tấm pin này.
PV: Để phát triển điện NLMT thời gian tới cần giải pháp gì, thưa ông?
PGS, TS Tạ Cao Minh: Đảng và Chính phủ đã có các chính sách phát triển điện NLMT, cụ thể là Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó có quy định đấu nối dự án điện mặt trời vào lưới điện; ưu đãi về thuế, ưu đãi về đất đai… Đó là hành lang pháp lý thuận lợi để chúng ta có thể phát triển điện NLMT.
Ngoài ra, hiện nay nhận thức của người dân ngày càng cao hơn và đặc biệt sự đầu tư của những công ty nước ngoài phát triển NLMT vào Việt Nam ngày càng nhiều.
Chính sách đã có nhưng việc thực thi vẫn hạn chế bởi các bộ, ban, ngành còn những quy định quản lý mang tính chồng chéo. Vì vậy, cần có sự quyết tâm thực thi các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận dự án NLMT trong nước bằng cách giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà.
Hơn nữa, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương cần chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam có chính sách trợ giá cho các hộ sản xuất cá thể và các đơn vị lắp đặt sử dụng điện NLMT; chú trọng nâng cao kiến thức và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành năng lượng...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!