Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy đã đưa ra những khuyến cáo đề phòng cháy, nổ do điện gây ra.
Tình hình tai nạn cháy, nổ diễn ra ngày càng phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng toàn quốc, đặc biệt là những sự cố liên quan đến thiết bị điện ở tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở và đáng chú ý là hộ gia đình. Thống kê từ Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Bộ Công an cho thấy, riêng trong 6 tháng đầu năm cả nước đã xảy ra 571 vụ/1206 (chiếm 57,2%) vụ cháy, nổ mà nguyên nhân chủ yếu là do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện.
Cảnh báo nguy cơ chập điện
Theo Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội, đơn vị đã kêu gọi từng hộ gia đình, từng người dân phải luôn luôn cảnh giác, đề phòng cháy nổ do điện khi câu mắc, sử dụng điện phải nhờ người có chuyên môn thực hiện; cúp cầu dao điện trước khi ra khỏi nhà... Tuy nhiên, nhiều hộ dân và người dân đã “phớt lờ” dẫn đến cháy gây thiệt hại lớn về tài sản và có thể gây chết người. Điển hình như vào ngày 29-6, đã xảy ra cháy tại tầng 1 (ngôi nhà 3 tầng), địa chỉ 48 phố Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội. Chủ nhà là ông Trần Quyết Tâm đi nghỉ mát, chỉ có con gái ở nhà. Khi đi làm, cô gái đã không ngắt cầu dao điện dẫn đến chập điện đường dây dẫn cắm quạt treo tường; gây cháy quần áo, tủ, giường, chiếu...
Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 8, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cho biết, trên địa bàn quận Hoàng Mai và Thanh Xuân, trong tháng 6 đã xảy ra hơn 10 vụ cháy, nguyên nhân chủ yếu là do chập điện. Đáng chú ý vào ngày 13-6, đã xảy ra cháy tại phòng trọ do ông Nguyễn Mạnh Hùng thuê, địa chỉ ngách 15, ngõ 637 đường Trương Định, phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai). Tuy không gây hậu quả chết người nhưng căn phòng trọ do chập điện đã bị cháy toàn bộ tài sản.
Cảnh sát PCCC dập lửa tại ngôi nhà do chập điện gây cháy.
Tiếp đó, ngày 14-6 xảy ra cháy tại căn nhà số 576 ngõ 216 Định Công, phường Định Công của chị Nguyễn Thị Thúy. Nguyên nhân sơ bộ được xác định do chập điện tủ lạnh gây cháy. Khi xảy ra hỏa hoạn, có chị Thúy và một cậu con trai 13 tuổi ngủ tại tầng 4. Rất may, chị Thúy dẫn con trai lên tầng 5, nhớ lại bản tin hướng dẫn thoát nạn khi xảy ra cháy nổ đã đóng kín cửa phòng, nhét vải vào khe hở để chống nhiễm khói và gọi báo Cảnh sát PCCC qua số 114. Lực lượng chữa cháy đã nhanh chóng đến hiện trường dập tắt đám cháy, 2 mẹ con chị Thúy được cứu xuống an toàn.
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội khuyến cáo, khi sử dụng cầu dao tự động (MCB) cho hệ thống điện gia đình, nên sử dụng MCB nhánh cho từng tầng nhà, từng khu vực. Tính toán, lựa chọn MCB sao cho thích hợp với dòng điện tải và có độ tin cậy cao.
Không dùng dây điện trần (không vỏ) để dẫn điện. Không để thiết bị dùng điện, dây điện quá gần các thiết bị dễ cháy như xốp, thùng carton, giấy... vì những vật liệu này rất dễ bắt lửa. Không đi dây dẫn điện trên mái tôn, tránh quá trình cọ xát làm đứt dây, gây hiện tượng chập mạch dẫn đến cháy. Nên luồn dây điện trong những ống luồn chuyên dụng có khả năng chống cháy cao. Không đi dây dẫn điện qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy. Tính toán, lựa chọn tiết diện dây dẫn phù hợp công suất của thiết bị điện để dây dẫn không bị quá tải gây ra cháy…
Không dùng ổ cắm có nhiều đường ra để cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện có công suất cao. Đối với trường hợp ổ cắm không chặt với phích cắm thường phát sinh tia lửa điện khi sử dụng, cần kiểm tra và khắc phục ngay tình trạng này trước khi sử dụng.
Những thiết bị điện, đồ dùng điện quá cũ cần phải được kiểm tra thường xuyên để kịp thời sửa chữa hoặc thay thế (đặc biệt là máy điều hòa nhiệt độ). Khi không còn nhu cầu sử dụng các thiết bị điện nữa hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện (bàn là, siêu điện, bếp điện,…).
Đường dây dẫn điện, các cầu chì, cầu dao không để bị gỉ, nếu bị gỉ thì nơi gỉ là nơi phát nhiệt lớn. Những nơi cách điện bị chập, nhựa cách điện bị biến màu là những nơi dễ phát lửa khi dòng điện bị quá tải, cần được thay dây mới. Phải thường xuyên bảo dưỡng, vệ sinh cho các thiết bị điện.
Đặc biệt, trước khi ra khỏi nhà phải tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ, đồ dùng điện và trước khi đi ngủ phải kiểm tra lại các thiết bị, đồ dùng như đèn, quạt,… cắt điện đối với các thiết bị điện không cần thiết. Đối với các cơ quan, nhà máy, xưởng sản xuất, cơ sở hoạt động kinh doanh, buôn bán cần có thiết bị thường xuyên sử dụng nguồn điện phải bố trí người có chuyên môn thường trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra…
Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng cắt cầu dao điện tổng, báo cho mọi người xung quanh biết, báo Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 và dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa. Cấm dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện.