Ông Đinh Gớp (thứ 3, từ trái sang) cùng với cán bộ, nhân viên ngành điện đến nhà dân tuyên truyền.
Những kiến thức, kỹ năng, thói quen vệ sinh các thiết bị điện thường xuyên; tắt các thiết bị điện khi ra ngoài; tắt ti vi khi không sử dụng; thay bóng đèn chiếu sáng thành bóng đèn sợi đốt huỳnh quang... được Đinh Gớp hướng dẫn một cách mạch lạc, rõ ràng, cụ thể, ai cũng có thể nhớ và làm theo.
Để tăng tính thuyết phục, trưởng thôn Đinh Gớp giới thiệu ông Đinh Gep lên phổ biến kinh nghiệm sử dụng điện của gia đình. Từ bài học của bản thân, ông Đinh Gep nói: “Trước đây, khi mới có điện, mình cứ để bóng điện sáng cả ngày, ti vi cũng mở đến khi đi ngủ mới tắt. Đến cuối tháng, tiền điện nhiều quá, gia đình mình không đủ tiền đóng, bị cắt điện. Sau khi được cán bộ ngành điện và trưởng thôn hướng dẫn, mình mới biết cách tiết kiệm điện, giờ thì mỗi tháng chỉ hết 60.000 đồng tiền điện thôi. Bà con muốn tiết kiệm tiền thì làm theo hướng dẫn của trưởng thôn nhé”.
Đến làng Mrông Ngó 3 (xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), chúng tôi ghi nhận hầu hết các gia đình đều có hệ thống điện trong nhà được lắp đặt, bố trí hợp lý, đúng kỹ thuật, bảo đảm an toàn.
Theo già làng Rơ Chăm Jú, ở làng Mrông Ngó 3, để có kết quả đó, già làng đã cùng với cán bộ Điện lực Chư Păh đi đến từng gia đình tuyên truyền và hỗ trợ bà con lắp đặt các thiết bị điện. Nhờ đó, mọi người dân trong làng đều có ý thức và kỹ năng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Ông Trương Quang Long, Giám đốc Điện lực Chư Păh (Công ty Điện lực Gia Lai) cho biết: Địa bàn huyện Chư Păh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, nhiều thôn, làng ở vùng sâu, vùng xa nên già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng là “cánh tay nối dài” của ngành điện. Trong những năm qua, Điện lực Chư Păh thường xuyên phối hợp và tranh thủ sự giúp đỡ của già làng, trưởng thôn, người có uy tín để tuyên truyền nâng cao ý thức, kỹ năng sử dụng điện cho đồng bào.