Chuyển đổi số trong EVN

Câu chuyện số hóa của EVN và lợi ích

Chủ nhật, 30/5/2021 | 17:44 GMT+7
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang triển khai chương trình Chuyển đổi số theo Quyết định (số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020) của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng về đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13. 

Công nhân PC Quảng Trị hướng dẫn khách hàng tra cứu tiền điện bằng máy tính bảng. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Trên thực tế, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, “số hóa” sẽ đem lại lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. 
 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành chương trình chuyển đổi số của mình trong năm 2022, trên cả 05 lĩnh vực của mình - với 92 nhiệm vụ cụ thể, từ khối kỹ thuật đến phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đầu tư xây dựng, quản trị, công nghệ thông tin và tự động hóa. 
 
Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm khẳng định, EVN sẽ thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi số để nhằm vào ba mục tiêu quan trọng: Thứ nhất là để tăng thêm tính tiện ích, tính thân thiện và độ khả dụng để cung cấp các dịch vụ cho khách hàng, để hướng tới việc khách hàng trải nghiệm các dịch vụ điện lực và tiếp tục tăng thêm tính minh bạch, công khai. Và điều đó cũng sẽ đem lại những lợi ích thiết thực đối với chính EVN.
 
"Đối với nội bộ của EVN thì việc áp dụng chuyển đổi số sẽ làm tăng thêm hiệu quả vận hành hệ thống điện, tăng thêm mức độ hiện đại của hệ thống điện Việt Nam để tiến tới xây dựng một Tập đoàn Điện lực Việt Nam hiện đại, văn minh và người thân thiện với môi trường. Ngoài ra, EVN cũng sẽ tiếp tục ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào việc chuyển đổi số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Chúng tôi đặt mục tiêu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ xây dựng kế hoạch chuyển đổi số thành một doanh nghiệp số vào năm 2022…".
 
Riêng đối với lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVN đặt mục tiêu: “Lấy khách hàng là trung tâm để cung cấp các dịch vụ có khả năng tương tác “mọi lúc, mọi nơi” giữa nhà cung cấp dịch vụ với khách hàng trên không gian số và đem lại sự hài lòng nhất cho khách hàng”. Trưởng Ban Viễn thông & Công nghệ thông tin (EVN) Nguyễn Xuân Tuấn cho biết, "EVN đặt mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4 và số khách hàng tham gia giao dịch trực tuyến mức độ 4 đạt tỷ lệ 90%. Cùng với đó, 100% hồ sơ công việc trong lĩnh vực knh doanh và dịch vụ khách hàng (KD&DVKH) được xử lý trên môi trường mạng theo phương thức điện tử; tỷ lệ khách hàng giao dịch theo phương thức điện tử đạt 90%. Cũng hết năm 2022, Tập đoàn sẽ triển khai ký hợp đồng cung cấp điện với khách hàng mới bằng phương thức cung cấp hợp đồng mua bán điện điện tử…".
 
Trên thực tế, từ việc thực hiện các đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tận dụng sự thay đổi quan trọng về cơ chế chính sách, hạ tầng thanh toán của Việt Nam theo định hướng nền kinh tế số trong các năm vừa qua, EVN đã tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khách hàng tập trung. Trên nền tảng đó, EVN đã đẩy mạnh việc triển khai thanh toán tiền điện qua các Ngân hàng, các Tổ chức trung gian thanh toán thông qua hàng loạt các giải pháp đồng bộ, có thể kể đến như: Thực hiện mở rộng kết nối, hợp tác thu tiền điện với tất cả các Ngân hàng, các Tổ chức trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép; Triển khai cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 và qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia; Nâng cấp các hệ thống công nghệ thông tin trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng theo hướng số hóa toàn bộ các nghiệp vụ kể cả công tác khảo sát ngoài hiện trường; Tuyên truyền, vận động khách hàng chuyển đổi hình thức thanh toán từ hình thức thu tại nhà sang thu tiền tại điểm thu và thanh toán qua Ngân hàng, ví điện tử, các Cổng thanh toán… 
 
Nhờ đó, đã có trên 30 ngân hàng, 10 tổ chức trung gian thanh toán và gần 10 nghìn tổ chức, cá nhân dịch vụ bán lẻ điện năng hợp tác với EVN để thực hiện việc thu tiền điện. Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế số” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức cuối năm 2020 cho thấy, đến nay việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đạt 91,54%. 
 
Từ việc sử dụng hóa đơn thu tiền điện bằng giấy chuyển sang hóa đơn điện tử, bắt đầu từ tháng 01/2021, EVN triển khai ứng dụng thanh toán hóa đơn tiền điện ứng dụng mã vạch (QR code) theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước cho tất cả khách hàng sử dụng điện, mỗi khách hàng sẽ có một mã QR code của mình. Mã QR code này sẽ gắn liền với mỗi khách hàng, được áp dụng trên toàn bộ hồ sơ khách hàng, trên hóa đơn tiền điện và thông báo tiền điện. Khách hàng cũng không cần phải nhớ mã số khách hàng khi thực hiện các giao dịch với EVN, đồng thời việc thanh toán cho các dịch vụ điện năng của khách hàng trở nên đơn giản hơn, thuận tiện hơn…
 
Cũng đến thời điểm hiện nay, trong 29,2 triệu khách hàng trên toàn quốc đã có 63,44% khách hàng được triển khai lắp đặt công tơ điện tử có đo xa. Riêng tại địa bàn thành phố Hà Nội đã hoàn thành lắp đặt 100% công tơ điện tử để đo đếm bán điện cho khách hàng, trong đó 98,02% công tơ có thể thu thập chỉ số tự động từ xa, còn lại gần 2% là thu thập chỉ số bằng thiết bị cầm tay trong bán kính 200m.
 
Để giảm áp lực về chi phí lên giá thành bán điện, EVN đang lập kế hoạch dự kiến đến năm 2025 sẽ áp dụng hết công tơ điện tử có thu thập chỉ số công tơ từ xa. Điều này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho khách hàng. Ông Bùi Quốc Hoan – Phó trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết: "Việc lắp đặt công tơ điện tử đo xa giúp khách hàng chủ động giám sát điện năng tiêu thụ hàng ngày thông qua việc theo dõi dữ liệu trên ứng dụng chăm sóc khách hàng, website chăm sóc khác hàng để giúp khách hàng thay đổi hành vi sử dụng điện đồng thời cũng giám sát việc cung cấp dịch vụ điện của ngành điện. Khách hàng có thể chủ động vào website chăm sóc khách hàng (CSKH) của 05 Tổng Công ty điện lực, đăng nhập và thực hiện đặt các ngưỡng cảnh báo khi thay đổi điện năng so với tháng trước theo số liệu tương đối là tỷ lệ thay đổi hoặc số liệu tuyệt đối là số kWh thay đổi, cung cấp E-mail để hệ thống sẽ tự động gửi cảnh báo đến khách hàng khi vượt ngưỡng. Trên cơ sở dữ liệu hàng ngày, vào các tháng nắng nóng, các đơn vị thành viên của EVN sẽ chủ động phân tích dữ liệu và thực hiện gửi thông báo đến khách hàng qua các kênh Email, tài khoản Zalo đăng ký nhận thông báo tại trang Zalo của Điện lực hoặc nhắn tin SMS. Gần đây nhất, chúng tôi cũng phát triển các thuật toán và công cụ công nghệ thông tin để phân tích dữ liệu điện năng hàng ngày của khách hàng giúp khoanh vùng và phát hiện các chạm, chập sau công tơ để kịp thời kiểm tra và hỗ trợ khách hàng xử lý trong vòng 2-4 ngày.v.v.)".
 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam không chỉ là một người tiêu dùng điện, đại diện cho người tiêu dùng Việt Nam, ông còn là thành viên trong Tổ kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện của EVN do Bộ Công Thương chủ trì nhiều năm nay. Đánh giá cao công tác ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số của EVN thời gian qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng đơn cử một thực tế qua việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, và cho rằng, "chúng ta đã từng chứng kiến việc áp dụng hóa đơn điện tử, việc tiếp cận hóa đơn điện tử thì trong đó đã tích hợp rất nhiều thông tin; thứ 2 là việc thanh toán tiền điện qua ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt - ở đây tôi cho nó không chỉ thuận tiện cho người tiêu dùng mà còn góp phần làm cho minh bạch của chính ngành điện và cũng nâng cao lòng tin đối với người tiêu dùng".
 
Thực tế quá trình chuyển đổi số của EVN trong công tác KD&DVKH đã đạt được các kết quả khả quan, góp phần quan trọng trong việc nâng cao mức độ hài lòng khách hàng, nâng cao năng suất lao động của Tập đoàn điện lực Việt Nam. Thống kê của EVN cho thấy, với số thu tiền điện hàng năm của EVN tương đương ¼ tổng thu ngân sách nhà nước trong khi gần như không còn thu ngân viên Điện lực. Đây là kết quả của quá trình áp dụng hoá đơn điện tử và hợp tác cùng các các Ngân hàng, các Tổ chức trung gian thanh toán với các hình thức giao dịch hiện đại, không sử dụng tiền mặt. Cùng với đó, số các yêu cầu của khách hàng đến từ các phòng giao dịch khách hàng đã giảm rất nhanh và thay thế bằng các hình thức như Tổng đài, giao dịch trực tuyến - với 99,46% trong tổng số trên 2,9 triệu yêu cầu của 4 tháng đầu năm 2021. 
 
Ngoài ra, chỉ riêng việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng đã giúp EVN giảm đáng kể hồ sơ, giấy tờ phải in/lưu trữ; Giảm nhân công ghi chỉ số công tơ; Giảm thời gian giải quyết yêu cầu khách hàng, tăng năng suất lao động...
 
Nguyên Long