Hình ảnh AI nhận diện phụ kiện trên đường dây.
Đây là nội dung trọng tâm của Công ty trong việc thực hiện nhiệm vụ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) về việc đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất, quản lý vận hành nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động.
Cụ thể, Công ty đã rộng rãi ứng dụng thiết bị bay phục vụ quản lý vận hành đường dây truyền tải, với tổng cộng 22 thiết bị bay các loại.
Tổ chức bay kiểm tra định kỳ ngày hơn 1.100 km đường dây 220-500kV với tổng thời gian bay gần 29.000 phút; Kiểm tra các chuyên đề hành lang tuyến, dây dẫn, dây chống sét, kỹ thuật, tình trạng cách điện, phụ kiện… trên đường dây 220-500kV với tổng thời gian bay gần 13.800 phút; Kiểm tra hệ thống chống sét trên cao tất cả 17 trạm biến áp (TBA) 220kV và 500kV.
Đồng thời hỗ trợ giám sát thi công, nghiệm thu các công trình truyền tải điện thực hiện trên đường dây 500kV với tổng thời gian bay hơn 4.000 phút.
Qua đó, các Truyền tải điện đã phát hiện được hàng loạt lỗi bất thường trên đường dây, giúp đơn vị có phương án xử lý kịp thời, đảm bảo vận hành đường dây an toàn, ổn định, liên tục.
Mặt khác, giảm mức độ nặng nhọc, nâng cao độ an toàn và năng suất, hiệu quả cho người lao động trong kiểm tra, như trèo cao, tiếp xúc thiết bị mang điện với điện từ trường lớn, hay di chuyển trên các địa hình khó khăn, hiểm trở, khu vực bị chia cắt do mưa bão.
Thực hành xử lý bạt vướng trên dây dẫn 500kV.
Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả ứng dụng thiết bị bay, PTC2 đã phối hợp với các đối tác để thử nghiệm bay tự động hoàn toàn đối với kiểm tra thiết bị, hành lang tuyến đường dây.
Thiết bị bay thử nghiệm là loại được tích hợp hệ thống RTK (Real Time Kinematic) với khả năng bay tự động có độ chính xác cao, độ lệch 2-3cm.
Cùng với đó, xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo ở mức độ thử nghiệm với mục tiêu sàng lọc, sắp xếp nhanh, tự động dữ liệu thu nhận, phát hiện nhanh các bất thường trên lưới điện.
Đồng thời nhận diện được các thiết bị cơ bản trên đường dây như cách điện, tự động phát hiện được cách điện vỡ; Tổng hợp, thống kê tự động các bất thường trên lưới điện....
Bên cạnh đó, từ năm 2019, PTC2 đã nghiên cứu lắp ráp, chế tạo thiết bị bay “Rồng lửa 2” có khả năng xử lý dị vật (diều, bạt,…) vướng trên dây dẫn đường dây 500kV, 220kV và đã đưa vào vận hành thực tế, xử lý hàng chục vụ diều, bạt vướng vào dây dẫn, dây chống sét đường dây 500kV, 220kV mà không cần cắt điện đường dây.
Nhằm nâng cao khả năng ứng dụng, năng suất của thiết bị, PTC2 đã chế tạo thêm hai thiết bị bay tương tự để cấp và chuyển giao công nghệ cho các Truyền tải điện Quảng Bình và Quảng Nam nhằm chủ động trong thực hiện công việc.
Đồng thời, Công ty đào tạo, hướng dẫn sử dụng, đảm bảo tại mỗi Truyền tải điện trực thuộc có một tổ bay có khả năng vận hành thiết bị này. Hiện tại, PTC2 đã có quy trình sản xuất hoàn chỉnh và có thể sản xuất đại trà thiết bị bay “Rồng lửa 2”.
Mặt khác, nhằm mục đích mọi CBNCV đều có thể dễ dàng tra cứu thông tin, địa hình, đường vào tuyến của các vị trí cột đường dây trên máy tính, thiết bị di động cá nhân, PTC2 đã số hóa toàn bộ các tuyến đường dây, các vị trí cột lên ứng dụng Google Earth sử dụng bản đồ nền của Google map.
Qua đó giúp người sử dụng có thể xem xét trước tổng thể được điều kiện của vị trí, đoạn tuyến trên bản đồ, từ đó định hình việc kiểm tra, các hạng mục kiểm tra cần lưu ý, nhất là đối với kiểm tra sự cố.
Ngoài ra, người lao động các đơn vị khác, cán bộ quản lý, lái xe có thể khai thác tạo sự chủ động trong tổ chức di chuyển đến vị trí, hạn chế một phần sự phụ thuộc vào người quản lý trực tiếp đoạn tuyến, nhất là trong tăng cường kiểm tra sự cố, thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp lưới điện.
Với những kết quả ứng dụng khoa học công nghệ đã thực hiện, đã mang lại những hiệu quả rất lớn trong quản lý và vận hành của Công ty Truyền tải điện 2 trong những năm qua. Đây cũng là yếu tố quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, giúp Công ty đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.