Ông Phạm Thanh Trúc - Giám đốc Công ty Điện lực Bến Tre.
PV: Chủ đề của EVN năm 2021 là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”. Xin ông cho biết thực trạng triển khai thực hiện chuyển đổi số tại Công ty Điện lực Bến Tre?
Ông Phạm Thanh Trúc: Đến nay, Công ty Điện lực Bến Tre đã và đang thực hiện 24/24 hạng mục được giao, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, kết quả nổi bật được kể đến như: Lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ khách hàng với các chỉ tiêu trực tuyến giao dịch qua Cổng dịch vụ công quốc gia, khách hàng sử dụng dịch vụ cung cấp điện trực tuyến cấp độ 4, cấp điện qua môi trường mạng email/App/Zalo, tỉ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đều vượt chỉ tiêu kế hoạch của Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) giao.
Ngoài 24 hạng mục được giao, Công ty Điện lực Bến Tre đã chủ động xây dựng đề xuất triển khai 6 dự án lớn, trọng tâm, sát với tình hình thực tế tại đơn vị cũng như nhu cầu của địa phương.
Công ty cũng luôn quan tâm chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ mới vào công việc quản trị điều hành, vận hành lưới điện, công tác dịch vụ khách hàng để tăng năng suất lao động cho đơn vị. Năm 2019, cùng với Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam, Công ty Điện lực Bến Tre đã được vinh danh doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc, áp dụng chuyển đổi số thành công với hệ thống mimiSCADA.
PV: Năm 2020 Công ty đã điện tử hóa toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ điện đạt 67,64% trên tổng số yêu cầu cung cấp dịch vụ, cao hơn 17,64% so với kế hoạch năm 2020, điều này tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh của Công ty?
Ông Phạm Thanh Trúc: Để triển khai điện tử hóa toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ điện, bước đầu gặp không ít khó khăn do khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Bến Tre phần lớn là khu vực nông thôn (chiếm trên 80%), công nghệ thông tin còn hạn chế, đặc biệt là khách hàng chưa hiểu rõ về cung cấp dịch vụ điện qua giao dịch điện tử mà Công ty triển khai.
Để đạt được kết quả trên, Ban Giám đốc Công ty đã chỉ đạo toàn thể cán bộ công nhân viên trong đơn vị, bản thân mỗi cán bộ công nhân viên như một tuyên truyền viên để hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng thực hiện. Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh công tác truyền thông để giới thiệu, hướng dẫn khách hàng khi có nhu cầu về các dịch vụ điện.
Việc điện tử hóa trong dịch vụ cung cấp điện dần đi vào ổn định và tạo nhiều thuận lợi hơn cho khách hàng cũng như ngành điện. Khách hàng có thể gửi yêu cầu đến điện lực mọi lúc, mọi nơi, không phải đến trực tiếp phòng giao dịch tại điện lực. Thời gian giải quyết hồ sơ cho khách hàng nhanh chóng, hiệu quả. Về phía ngành điện giảm lượng hồ sơ giấy phải lưu, triển khai lưu hồ sơ điện tử. Công ty không mất nhiều thời gian phê duyệt và trình ký vì toàn bộ thực hiện qua hình thức điện tử.
PV: Để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, cần có hạ tầng số, xin ông cho biết hoạt động đầu tư của Công ty trong thời gian tới?
Ông Phạm Thanh Trúc: Hiện nay, Công ty đã triển khai thực hiện đầu tư các dự án lớn trọng tâm như: Triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát và thiết bị phòng cháy chữa cháy trạm TBA 110kV kết nối Trung tâm điều khiển của PC Bến Tre.
Tất cả 8 trạm biến áp 110kV trên địa bàn phục vụ cho điều khiển xa, tiến tới trạm không người trực, hệ thống hoàn tất đưa vào sử dụng trong tháng 04/2021; Lập đề án lưới điện thông minh trên địa bàn thành phố Bến Tre để đăng ký về EVN SPC phê duyệt, triển khai thực hiện.
Công ty sẽ đăng ký đầu tư nâng cấp, mở rộng, trang bị mới 4 dự án hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) - Viễn thông dùng riêng (VTDR): Hệ thống hội nghị truyền hình, mạng truyền dẫn 10Gbps liên tỉnh, nội tỉnh, Màn hình lớn cho điều khiển xa (Màn hình ghép).
Các dự án phát triển hạ tầng CNTT, VTDR này phục vụ kế hoạch chuyển đổi số tại đơn vị, phù hợp với định hướng, phát triển ứng dụng CNTT chung của EVN và thuộc phạm vi lộ trình đề án phát triển ứng dụng CNTT, VTDR và TĐH của Tổng công ty giai đoạn 2021-2025.
PV: Với các nền tảng đã có, mục tiêu của Công ty trong năm 2021 như thế nào thưa ông?
Ông Phạm Thanh Trúc: Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tổng thể của đơn vị, gắn với nội dung chuyển đổi số của địa phương, để triển khai thực hiện và trở thành đơn vị vững mạnh về ứng dụng công nghệ mới, đơn vị chuyển đổi số và vận hành theo mô hình doanh nghiệp số.
Đồng thời chuyển đổi các hoạt động chưa được số hóa trở thành được số hóa, các hoạt động còn thủ công, chưa tự động chuyển thành tự động. Bên cạnh đó, Công ty áp dụng các công nghệ mới thay thế cho các công nghệ cũ lạc hậu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động trong toàn đơn vị.
Nội dung trọng tâm về chuyển đổi số tại Công ty Điện lực Bến Tre là chuyển đổi số trong lĩnh vực kỹ thuật - an toàn; Lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng; Lĩnh vực quản trị nội bộ; Lĩnh vực đầu tư xây dựng; Lĩnh vực hạ tầng CNTT, ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong khai thác và triển khai các dịch vụ ứng dụng CNTT. Gắn với 5 nội dung, mỗi nội dung có mục tiêu cụ thể và giải pháp thực hiện.
PV: Ông đánh giá như thế nào về khả năng cung ứng điện của Công ty trong bối cảnh tỉnh Bến Tre đẩy mạnh thu hút đầu tư thời gian tới?
Ông Phạm Thanh Trúc: Công ty Điện lực Bến Tre đã đăng ký kế hoạch vốn với Tổng công ty Điện lực miền Nam giai đoạn 2021-2025 với giá trị 2.272,309 tỷ đồng, để triển khai thực hiện nhiều dự án lớn và các công trình quan trọng, nhu cầu nâng cấp, cải tạo lưới điện hiện hữu là công việc quan trọng nhằm đảm bảo khả năng truyền tải cung cấp điện phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt là các công trình đầu tư phát triển lưới điện và trạm 110kV để kết nối mạch vòng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trên địa bàn tỉnh.
Với nền tảng hiện có và các phương án đầu tư cho thời gian tới, Công ty Điện lực Bến Tre sẽ đảm bảo cung ứng điện đầy đủ cho các nhà đầu tư cũng như là nhu cầu trong toàn tỉnh.