Đó là kết quả của sự nỗ lực ngày đêm không mệt mỏi của hàng chục ngàn cán bộ, công nhân nhà thầu thi công, Ban quản lý dự án; sự đóng góp quan trọng của người dân các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La đã khẩn trương di dời đến nơi ở mới và đặc biệt là quyết định táo bạo, chính xác, dám chịu trách nhiệm trong điều hành của Chính phủ.
Quyết định quan trọng
Chặn dòng sông Đà (tích nước hồ chứa Sơn La) không chỉ quyết định đến tiến độ phát điện tổ máy số 1 NMTĐ Sơn La mà còn đảm bảo cho việc chống lũ năm 2010. Vì vậy, ngay từ tháng 8/2009 (trước thời điểm chặn dòng 10 tháng), Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Thủy điện Sơn La Hoàng Trung Hải đã giao nhiệm vụ cho các địa phương và bộ ngành phải tập trung hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn liên quan trước ngày 31/3/2010.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu EVN xây dựng phương án đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống với phương án tích nước hồ chứa Thủy điện Sơn La vào tháng 5/2010. Đây được xác định là thời điểm khó khăn nhất về cung cấp điện của mùa khô năm 2010.
Thời điểm tối ưu
EVN đã đưa ra các tiêu chí cho việc thực hiện chặn dòng sông Đà (tích nước hồ chứa Sơn La) để từ đó phân tích và so sánh các phương án. Từ các tiêu chí đưa ra cho thấy, theo tổng tiến độ dự án, việc thi công dốc nước sau tràn chỉ có thể đưa vào vận hành sớm nhất vào cuối tháng 4/2010. Do vậy, phương án hạ van đóng cống vào tháng 4/2010 bị loại bỏ.
Theo tiến độ thi công đập bê tông đầm lăn (RCC), phần lòng kênh dẫn dòng sẽ được nâng đến cao trình 185m vào tháng 5/2010. Công tác hạ van đóng cống dẫn dòng dự kiến vào đầu tháng 5/2010 và bắt đầu thi công bê tông nút cống vào đầu tháng 6/2010 với điều kiện phần đập phía trên không vượt quá cao trình 185m khi chưa nút xong 1/3 chiều dài cống phía thượng lưu. Việc hạ van đóng cống thực hiện từ đầu tháng 5/2010 và thi công bê tông nút công được thực hiện từ đầu tháng 6/2010 là phù hợp với tiến độ thi công hạng mục công trình.
Trong phương án chặn dòng, tích nước hồ chứa Sơn La, EVN cũng đã tính tới tác động từ việc tích nước khiến cho sản lượng khai thác từ Hòa Bình giảm 110 triệu kWh trong tháng 5. Nhưng nếu chặn dòng vào tháng 6/2010 thì sẽ rất khó khăn và chứa đựng nhiều rủi ro. Bởi tốc độ dâng nước ở vào thời điểm này nhanh có thể gây nguy cơ sạt lở vùng bờ hồ.
Ngoài ra, nếu chặn dòng, tích nước thực hiện vào tháng 6/2010, quá sát với mùa lũ, không có thời gian dự phòng cho các tình huống không lường trước (không có thời gian đắp đê quai bịt rò rỉ phía thượng lưu cửa van). Trong trường hợp không thực hiện được theo kế hoạch sẽ phải lùi việc chặn dòng, tích nước hồ chứa tới đầu mùa kiệt tiếp theo. Như vậy, ngoài ảnh hưởng tới kế hoạch phát điện tổ máy số 1 thì việc dừng thi công đập RCC trong nửa năm còn có thể gây hư hỏng cống dẫn dòng trong mùa lũ 2010 và gây nhiều khó khăn hơn cho công tác chặn dòng, tích nước hồ chứa sau đó.
Thử thách phía trước
Diễn biến hàng năm thường sau ngày 20/5 sẽ xuất hiện lũ tiểu mãn với lưu lượng trong sông khoảng trên 3000m3/s. Tuy nhiên, năm nay đến thời điểm này, mới chỉ có một lần có lưu lượng lớn nhất đo được trong thời gian ngắn là 1750m3/s, còn lại lưu lượng trong sông chỉ trung bình từ 900-1200m3/s. Lưu lượng nước về rất thấp, nên hiện nay, Thủy điện Sơn La đang mở toàn bộ 12 cửa xả sâu, mực nước trên hồ duy trì ở cao độ 150m và toàn bộ nước về đều trả về hồ Hòa Bình qua 12 cửa xả sâu này.
Ban Quản lý Thủy điện Sơn La cho biết, từ sau thời điểm đóng cống (15/5), đến nay, các nhà thầu thi công vẫn tiếp tục thi công bê tông các khu vực cửa lấy nước, đập không tràn RCC, đập không tràn CVC vau phải, đập tràn xả mặt; thi công bê tông nút cống dẫn dòng và lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công cho cửa lấy nước trên cao độ 190 m; khe van xả mặt, chi tiết đặt sẵn cho thiết bị cơ khí thủy công cửa ra nhà máy; lắp đặt thiết bị cơ khí thủy điện Nhà máy – tổ máy 1…
Để phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12 năm nay, các nhà thầu thi công phải hoàn thành việc lắp đặt và chạy thử các hệ thống thiết bị phụ trong tháng 11/2010; hoàn thành máy phát trong tháng 10/2010; lắp đặt trục trong tháng 7/2010; lắp đặt rotor máy phát trong tháng 8/2010 và công tác bê tông đã đáp ứng cho việc tích nước năm 2010 đến cao trình 190m. Các công tác bê tông còn lại hoàn tất vào cuối năm 2010…
Còn một khối lượng công việc đồ sộ với rất nhiều thử thách ở phía trước đòi hỏi những người làm điện phải tiếp tục nỗ lực “chiến đấu” trường kỳ trên đại công trường Thủy điện Sơn La.