Tiến độ công trình

Thủy điện Sơn La sau ngày đóng cống dẫn dòng

Thứ sáu, 4/6/2010 | 11:10 GMT+7

Các đơn vị thi công trên công trường Thủy điện Sơn La tập trung hết sức lực cho việc hoàn thành các phần việc của mình, nhất là lắp đặt các thiết bị của tổ máy số 1 để phục vụ cho việc phát điện.

Tổ máy số 1 nhà máy Thủy điện Sơn La
Từ thời điểm này cho tới khi tổ máy số 1 phát điện vào cuối tháng 12/2010 chỉ còn 7 tháng nữa. Các đơn vị thi công trên công trường Thủy điện Sơn La tập trung hết sức lực cho việc hoàn thành các phần việc của mình, nhất là lắp đặt các thiết bị của tổ máy số 1 để phục vụ cho việc phát điện.

Hối hả vì mục tiêu phát điện

Dẫn chúng tôi lên đập bê tông đầm lăn lúc giữa trưa, anh Đinh Văn Đại, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sông Đà 9.08 cho biết: “Chúng tôi đang đổ những mét cuối cùng của khối R3. Làm đến hết ngày 31/5, công việc sẽ dừng lại và chuyển sang đổ bê tông lấp cống dẫn dòng. Nút xong cống, đơn vị sẽ quay sang đắp đập tiếp, dự kiến kết thúc vào ngày 20/8/2010”.

Những cơn mưa đầu mùa đã bắt đầu rơi trên công trường. Theo quy trình, nếu lượng mưa ở mức 2,4mm thì phải dừng công việc đổ bê tông đầm lăn. Mưa ở Sơn La thường theo cơn, cơn dài nhất khoảng hơn 1 giờ đồng hồ. Sau cơn mưa những người thợ phải hút cho khô nước, làm vệ sinh sạch sẽ rồi mới đổ tiếp. Như thế, công việc theo ca kíp vốn áp lực nay càng thêm nặng nề hơn.

Một trong những đơn vị tích cực góp phần vào việc đổ bê tông đầm lăn đập Thủy điện Sơn La là Công ty CP Sông Đà 5 - đơn vị chuyên sản xuất bê tông đầm lăn. Thực ra, không phải đến Thủy điện Sơn La người ta mới sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn. Trước đó đã có một vài công trình nhỏ làm rồi. Nhưng nói về đầu tư thiết bị và thi công thì cao nhất là ở Nhà máy bê tông của Sông Đà 5. Trạm trộn có công suất thực tế là 530m3/h, công suất trung bình là 90.000m3/tháng, công suất cao nhất là 120.000m3/tháng. Nhưng có tháng công ty đã sản xuất lên tới hơn 200.000m3. Chiều cao của đập ngày càng lớn, khiến đường dẫn, hệ thống băng tải đang ở mức cao khoảng trên 80m - tương đương với chiều cao của một cần trục cho nên việc vận hành an toàn hệ thống này là điều quan trọng.

Trong gian máy, phần tổ máy 1 và 2 đã được che kín. Công ty CP Lắp máy 10 (Lilama 10) đang đồng thời lắp đặt thiết bị phát điện của 2 tổ máy. Kỹ sư Nguyễn Thế Trinh, Giám đốc Chi nhánh Sơn La thuộc Công ty CP Lilama 10 - đơn vị đang phụ trách việc lắp máy cho biết: “Lilama 10 đang kiểm soát được tiến độ lắp thiết bị cơ điện chính. Ví dụ công tác lắp thanh dẫn bên trong stato máy phát và thử xong rồi. Hôm nay (31/5), công ty tiếp tục lắp bên ngoài, dự kiến mùng 10/6 bắt đầu hàn thanh dẫn. Dự kiến cuối tháng 8/2010 có thể lắp được Roto máy phát tổ máy số 1, cuối tháng 11 có thể khởi động được tổ máy”. Dù vậy, công tác lắp máy cũng đang gặp khó khăn về mặt bằng thi công và thiết bị điện chưa đồng bộ. Để khắc phục vấn đề này, công ty đã đưa ra phương án tạm: Đưa nguồn 1 chiều và nguồn từ địa phương vào để phục vụ công tác chạy thử các hệ thống trước ngày 15/7.

Phát điện sớm, làm lợi nửa tỷ USD một năm

Đánh giá về tiến độ thi công nhà máy Thủy điện Sơn La, Kỹ sư Nguyễn Kim Tới, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sông Đà, kiêm Giám đốc Ban Điều hành Dự án Thuỷ điện Sơn La nhận định: “Sau khi đóng cống dẫn dòng để chính thức tích nước hồ chứa Thủy điện Sơn La, đến nay đập bê tông đầm lăn đã thực hiện được khoảng 90% khối lượng, bê tông thường đã thực hiện được trên 85% khối lượng; Đối với công tác lắp đặt thiết bị, hiện nay đã thực hiện được 43.000 tấn trên tổng số 73.000 tấn thiết bị. Nói chung, tiến độ hiện nay đang bám sát tiến độ vạch ra ban đầu”.

Với tốc độ xây dựng khẩn trương như vậy, dự kiến cuối năm 2010 công trường Sơn La sẽ tiến hành phát điện tổ máy số 1, sớm hơn kế hoạch 2 năm… Trên công trường, từ người lãnh đạo đến công nhân đều hiểu: Việc phát điện sớm này có ý nghĩa hết sức lớn. Nó không chỉ giải quyết một phần tình trạng cắt điện sinh hoạt của người dân như hiện nay mà còn đem lại khoảng 500 triệu USD/năm cho đất nước. Trong điều kiện công tác xây dựng gần như cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phát điện cho tổ máy số 1, nên điều quan trọng hiện nay là tập trung vào công tác lắp máy. “Công tác lắp máy rất phức tạp, tất nhiên trong quá trình đó nó phải kết hợp giữa xây và lắp. Chúng tôi làm việc với các đơn vị, vạch ra kế hoạch hàng tuần, hàng tháng rất chi tiết để đôn đốc tất cả các nhà thầu đi đúng hướng, đảm bảo kế hoạch mình đặt ra” - Kỹ sư Nguyễn Kim Tới nhấn mạnh./.

Theo: (VOV)