Lãnh đạo Ban QLDA Điện 1 kiểm tra việc tời vật tư thiết bị lên vị trí số 2, đường dây 220kV Nậm Mô – Tương Dương.
Nỗ lực vượt thách thức
Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vừa bị cơn lũ lịch sử quét qua gây nhiều thiệt hại cho nhân dân trong huyện. Chính vì thế, ngay sau khi lũ đi qua, lãnh đạo Ban QLDA Điện 1 – đơn vị được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao quản lý dự án đường dây 220kV Nậm Mô – Tương Dương đã đến ủng hộ chính quyền và nhân dân huyện Kỳ Sơn, đồng thời kiểm tra thực địa, động viên lực lượng thi công Dự án đường dây 220kV Nậm Mô – Tương Dương (dự án đi qua huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An).
Trực tiếp vào vị trí số 1,2,3 thuộc địa phận xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, đây là vị trí giáp biên giới với Lào, đường sá đi lại rất khó khăn. Để tập kết vật tư thiết bị lên vị trí móng, các đơn vị thi công phải tời từng bao xi măng, từng khối đá, từng thanh thép lên vị trí.
Kỹ sư Đào Hồng Quân – Tư vấn giám sát trưởng của dự án (thuộc Ban QLDA Điện 1) cho biết: Mỗi lần tời thiết bị lên vị trí cột được 0,35 tấn (gồm cát, đá, xi măng), tổng thời gian 1 lần tời 45 phút. Tổng khối lượng mỗi vị trí cột khoảng 120 tấn. Khi được hỏi vì sao không mở đường công vụ để dùng máy móc đưa lên. Kỹ sư Quân cho biết, đây là những vị trí cột nằm trong phạm vi rừng đặc dụng là loại rừng được thành lập với mục đích chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên nên phải tuân thủ yêu cầu không được chặt cây rừng mở đường thi công nên vận chuyển vật liệu và thi công bằng thủ công, mất rất nhiều thời gian để hoàn thành vị trí móng.
Ông Đỗ Quang Khải – Phó Giám đốc Ban QLDA Điện 1 cho biết: Kể từ khi khởi công dự án (tháng 11/2021) đến nay, việc thi công dự án gặp rất nhiều bất lợi như dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cuối năm 2021, đầu năm 2022 khiến việc thuê nhân công khó khăn.
Thời tiết khu vực từ khi khởi công đến nay diễn biến theo chiều hướng rất bất lợi, khu vực dự án thường xuyên có mưa. Theo thống kê, trong tháng 8/2022 có đến 25 ngày mưa, tháng 9 có hơn 20 ngày mưa và tháng 10 cũng mưa liên tục. Đặc biệt ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão NORU, khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét dẫn tới công tác đào hố móng và vận chuyển vật liệu, thiết bị để dựng cột, kéo rải dây gặp phải trở ngại lớn trên những cung đường trơn trượt, nhiều dốc đứng. Các tuyến đường thi công thường xuyên bị hư hỏng sau những cơn mưa lớn, dẫn đến các nhà thầu phải mất rất nhiều thời gian và chi phí cho công tác sửa chữa đường, chi phí cho máy móc và nhân công chờ đợi.
Lãnh đạo Ban QLDA Điện 1 tặng quà động viên lực lượng thi công dự án, tháng 10/2022.
Ngoài ra, khu vực dự án có địa hình đồi núi phức tạp, nhiều vị trí cột đặt trên đỉnh núi cao, thường xuyên gặp đá. Mặc dù kết quả khảo sát địa chất công trình đã chỉ ra nhiều vị trí có đá nhưng tại một số vị trí khối lượng đá thực tế phải đào lớn hơn so với thiết kế và kèm theo đó là phải thực hiện thủ tục xin phép nổ mìn rất phức tạp, mất thời gian cho nên các biện pháp phá đá khác thường được áp dụng (phá đá bằng máy gắn búa thủy lực, sử dụng bột nở) nhưng cũng khó khăn khi thực hiện và làm kéo dài thời gian thi công đào hố móng.
Chính tính chất phức tạp và nhiều khó khăn của dự án mà đơn vị thi công là Tổng công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) đã cử ông Đỗ Công Tráng – Trưởng phòng Kỹ thuật của Tổng công ty làm chỉ huy trưởng tại công trường, nhiều tháng qua ông Tráng không rời công trường mà trực tiếp chỉ huy.
Ông Tráng cho biết: Trong 22 năm làm nghề xây lắp, đơn vị thi công đã triển khai rất nhiều dự án vượt đèo Hải Vân, đèo Lò Xo, đèo Cù Mông, đèo Cả... và nhiều đèo núi khác nhưng tôi đánh giá đây là dự án chông gai nhất, khó khăn nhất mà tôi đã gặp. Tuy khối lượng đường dây không dài và vị trí móng không nhiều nhưng địa hình cực kỳ hiểm trở, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt đã lý do cản trở tiến độ thi công.
Phấn đấu hoàn thành trong tháng 11/2022
Đường dây 220kV Nậm Mô – Tương Dương đến nay đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng công việc.
Mặc dù gặp nhiều thách thức như vậy, nhưng tính đến hết tháng 10/2022, dự án đã hoàn thành đào, đúc, lắp dựng 141/145 vị trí cột, kéo rải dây được 132/145 khoảng cột.
Ông Đỗ Quang Khải – Phó Giám đốc Ban QLDA Điện 1 cho biết: Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đến nay toàn bộ mặt bằng vị trí cột và hành lang tuyến của dự án đã được bàn giao cho chủ đầu tư. Hiện dự án chỉ còn 4 vị trí cột và 13 khoảng cột hành lang tuyến. Toàn công trường đang rất quyết tâm để hoàn thành dự án trong tháng 11/2022, thiết thực chào mừng kỷ niệm 68 năm ngày truyền thống ngành Điện (21/12/1954-21/12/2022).
Để hoàn thành được mục tiêu này, Ban QLDA Điện 1 sẽ thường xuyên cử lãnh đạo có mặt tại công trường để chỉ đạo trực tiếp, có vướng mắc gì sẽ giải quyết ngay. Cùng với đó, đơn vị đã yêu cầu các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu đề ra. EVNPMB1 thường xuyên, liên tục giám sát tiến độ thực hiện từng nội dung, thường xuyên họp/có văn bản yêu cầu các nhà thầu có giải pháp để nhanh tiến độ đối với các nội dung chậm tiến độ.
Vị trí số 0 thuộc lãnh thổ nước bạn Lào đang chờ các thủ tục để kéo dây đấu nối với vị trí số 1 đường dây 220kV Nậm Mô – Tương Dương thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Ông Đỗ Công Tráng – Chỉ huy trưởng VNECO tại dự án cho biết: Để đáp ứng mục tiêu còn lại của dự án, đơn vị cam kết tăng thời gian thi công trong ngày, đồng thời đưa ra các biện pháp thi công khi trời mưa nhỏ, dựng lán trại tạm để công nhân trú mưa và quay trở lại thi công sau khi kết thúc mưa và đủ điều kiện thi công.
Đơn vị cũng đã có các biện pháp khắc phục khó khăn do đường thi công lầy lội, trơn trượt để vận chuyển cột thép, dây dẫn và phụ kiện lên vị trí xây dựng như gạt bớt bùn lầy, đổ đá lót đường, dùng phương tiện vận chuyển phù hợp như xe máy cày, xe tải 3 cầu, xe bánh xích hỗ trợ xe vận chuyển tại các vị trí khó khăn, dốc cao.
Ông Đỗ Công Tráng cho biết: “Trong quá trình triển khai dự án, đơn vị nhận được sự hỗ trợ từ Ban QLDA Điện 1 khi thường xuyên bám địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương tháo gỡ vướng mắc mặt bằng và giải ngân tiến độ rất kịp thời. Đó chính là động lực để công trường cố gắng. Nếu thời tiết thuận lợi, đơn vị có thể phấn đấu hoàn thành vào giữa tháng 11/2022”.
Dự án đường dây 220kV Nậm Mô (Lào) - Tương Dương (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam) là công trình cấp bách, được xây dựng với mục tiêu nhập khẩu điện từ cụm Nhà máy Thủy điện Nậm Mô (Lào) về Việt Nam; tăng cường quan hệ hợp tác giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào trong lĩnh vực phát triển năng lượng.