Tin thế giới

Châu Âu quyết đấu trong cuộc chiến ‘trợ cấp xanh’ với Mỹ và Trung Quốc

Thứ sáu, 10/2/2023 | 16:40 GMT+7
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhất trí hỗ trợ “có mục tiêu, tạm thời và tương xứng” cho các khoản đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch của khu vực để đảm bảo tương lai của châu Âu với tư cách là một nền tảng sản xuất các sản phẩm công nghệ xanh.


Tàu kéo di chuyển một tuốc-bin gió trên vịnh Setubal, Bồ Đào Nha. Ảnh: Reuters

Hành động quyết liệt

Thỏa thuận này nhằm chống lại sự cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc, hai nước đang tăng cường trợ cấp cho các ngành công nghiệp xanh, gây bất lợi cho các công ty châu Âu.

Tại hội nghị cấp cao tại Brussels (Bỉ) hôm 10-2, 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên EU đã nhất trí về việc cần phải đưa ra phản ứng để chống lại mối đe dọa cạnh tranh bất công bằng từ Mỹ trong lĩnh vực năng lượng sạch.

“Đối mặt với hiện thực địa chính trị mới, EU phải hành động quyết liệt để bảo đảm sự cạnh tranh, thịnh vượng và vai trò của khu vực  trên trường quốc tế trong dài hạn”, tuyên bố chung sau đó nhấn mạnh.

Tuyên bố chung ủng hộ cải cách các quy tắc trợ cấp của nhà nước với lĩnh vực năng lượng xanh theo hướng “có mục tiêu, tạm thời và tương xứng”. Tuyên bố cũng lưu ý, thủ tục trợ cấp nhà nước, gồm tín dụng thuế cũng như việc sử dụng các quỹ hỗ trợ công nghệ xanh của EU cần phải đơn giản hơn, nhanh hơn và dễ dự đoán hơn.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU đã đề xuất nới lỏng các quy tắc về trợ cấp nhà nước đối với các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo, công nghiệp khử carbon, hydro hoặc phương tiện không phát thải.

Đề xuất này một phần là để phản ứng với Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ, cung cấp khoản trợ cấp trị giá 369 tỉ đô la Mỹ cho các dự án phát triển công nghệ và năng lượng sạch như sản xuất điện gió, pin xe điện với điều kiện phải sử dụng một tỷ lệ khoáng chất hoặc thành phần sản phẩm nhất định được khai thác hoặc chế biến tại Mỹ. Các nhà lãnh đạo EU lo ngại yêu cầu về hàm lượng thành phần địa phương này sẽ khuyến khích các công ty từ bỏ châu Âu để đến Mỹ.

EC dự kiến đề xuất Đạo luật Công nghiệp zero ròng để tăng tốc độ cấp phép cho các dự án xanh và Đạo luật các nguyện liệu thô quan trọng để tăng cường tái chế và đa dạng hóa nguồn cung ứng, giúp giảm phụ thuộc vào các nhà chế biến ở Trung Quốc.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, hai đạo luật này sẽ được giới thiệu trước cuộc họp cấp cao tiếp theo của theo các nhà lãnh đạo EU vào cuối tháng 3 tới.

Bà nhấn mạnh, châu Âu cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để chống lại các khoản trợ cấp ẩn giấu khổng lồ mà chính phủ Trung Quốc đang phân bổ cho các ngành công nghiệp trong nước.

“Chúng ta biết rằng Trung Quốc đang trợ cấp rất nhiều, không chỉ cho lĩnh vực công nghệ sạch mà còn các lĩnh vực khác. Vì vậy, chủ đề thảo luận của chúng ta rộng hơn nhiều, chứ không chỉ  nhắm chủ yếu vào đạo luật IRA. Chúng ta phải phát triển một chiến lược sâu rộng hơn để ứng phó với điều đó”, bà nói.

Nhưng muốn tránh cuộc chạy đua trợ cấp quốc tế

Tuy nhiên, các nước thành viên EU vẫn bất đồng về việc phải hành động mạnh mẽ ở mức nào để không rơi vào cuộc chạy đua “trợ cấp xanh” với Washington hoặc gây thiệt hại cho sân chơi bình đẳng trong thị trường đơn nhất của họ.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, ông tin tưởng các cuộc đàm phán giữa các đối tác xuyên Đại Tây Dương có thể hạn chế sự phân biệt đối xử đối với các công ty có trụ sở tại châu Âu.

“Khi xem xét khả năng cạnh tranh của mình, chúng tôi cần nghiên cứu và làm mọi thứ để đảm bảo không lao vào một cuộc chạy đua trợ cấp quốc tế”, ông nói trong một cuộc họp báo ở Brussels.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính, thị trường của các công nghệ năng lượng sạch phổ biến toàn cầu sẽ tăng gấp ba lần, lên 650 tỉ đô la Mỹ mỗi năm vào năm 2030.

Châu Âu muốn tận dụng đà tăng trưởng này nhưng các lĩnh vực từ tấm pin mặt trời đến cánh quạt của tuốc-bin gió và pin xe điện đều nằm dưới sự thống trị của Trung Quốc, nước nắm giữ hơn 50% thị phần toàn cầu.

EU từ lâu phàn nàn về sự hỗ trợ của nhà nước đối với các ngành công nghiệp xanh của Trung Quốc, bao gồm cả lĩnh vực tấm pin mặt trời. Brussels đã áp đặt thuế chống bán phá giá đối với tấm pin mặt trời của Trung Quốc vào năm 2013.

Gần đây, EU gần đây đã thông qua các quy định mới, cho phép điều tra các công ty nước ngoài hưởng lợi từ trợ cấp của chính phủ. Tuy nhiên, kinh phí hiện là yếu tố gây tranh cãi nhất của kế hoạch trợ cấp cho lĩnh vực năng lượng xanh ở châu Âu.

Nhiều nước EU phản đối ý tưởng vay nợ chung để thiết lập một quỹ hỗ trợ. Một số nước lo ngại các quy tắc trợ cấp nhà nước lỏng lẻo hơn sẽ làm xáo trộn thị trường nội bộ EU vì các khoản trợ cấp ở hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức và Pháp sẽ áp đảo các khoản trợ cấp ở những nơi khác.

Các nước như Hà Lan, Ireland, Cộng hòa Czech và các nước Bắc Âu cảnh báo điều này có thể dẫn đến các trợ cấp không có trọng điểm cao quá mức.

Link gốc

Theo: TheSaigontimes