|
Nhà máy thủy điện nhỏ Schuett (Áo) |
Từ lâu người ta đã thấy rõ là nếu như muốn thực hiện được mục tiêu tăng nhanh tỉ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện thì Liên minh châu Âu (EU) phải đạt được những tiến bộ trong việc phát triển các dạng năng lượng tái tạo đa dạng. Thế nhưng, trong khi hàng ngàn các tuabin gió đang được lắp đặt ở Đan Mạch, Đức, Vương Quốc Anh, Tây Ban Nha thì vẫn còn có bằng chứng cho thấy là các thủ tục hành chính dài dòng đã làm chậm tiến độ thi công nhiều dự án thuỷ điện nhỏ. Những cách giải thích khác nhau về các chỉ thị của Ủy ban châu Âu (EC) cũng dẫn tới những cách tiếp cận khác nhau rất nhiều trong việc áp dụng cho các công trình phát triển mới.
Chắc chắn là EC rất mong muốn thúc đẩy ngành thủy điện nhỏ và coi đó là công nghệ đã được thử thách nhiều nhất trong số các công nghệ khai thác năng lượng tái tạo, vừa là một phần trong cơ cấu nguồn điện chung của châu Âu, vừa là một phương pháp để EU cắt giảm phát thải cacbon. Chính sách của EU về ngành năng lượng nêu rõ “các trạm thủy điện nhỏ mà theo định nghĩa là các công trình lắp đặt có công suất dưới 10 MW, là bộ phận hợp thành trong hệ thống nguồn điện của EU. Là giải pháp lí tưởng cho việc điện khí hoá các vùng xa xôi cách trở, thủy điện nhỏ cũng có phần đóng góp thêm trong trường hợp mức tiêu thụ vọt lên mức đỉnh điểm.”
Theo dự báo của EU, tổng công suất phát điện của thủy điện nhỏ trong phạm vi lãnh thổ EU sẽ tăng 2% mỗi năm trong vòng 5 năm tới, mặc dù vẫn cần phải xem xét liệu EU15 có thể đạt được mục tiêu là 14GW vào năm 2010 hay không. Tuy nhiên, khoảng 70% trong số các trạm thuỷ điện nhỏ của các nước thành viên đã có tuổi thọ trên 40 năm, vì vậy, việc nâng cấp và cải tạo các trạm hiện có có thể nâng tổng công suất nguồn thuỷ điện nhỏ lên đáng kể.
Tuy các con số thống kê của EU có phần thiếu cập nhật nhưng cũng có thể thấy rõ thủy điện nhỏ tập trung tại một số ít nước thành viên. Vào cuối năm 2005, tổng công suất phát của thuỷ điện nhỏ của EU15 là 11.601 MW, trong đó chỉ riêng 6 nước đã chiếm đến 84,5%: Italia (2.405,5 MW), Pháp (2.060 MW), Tây Ban Nha (1.788 MW), Đức (1.584 MW), Áo (1.062 MW) và Thụy Điển (905 MW).
Mạng chuyên đề về Thuỷ điện nhỏ (Thematic Network on Small Hydropower – TNSHP), do Hiệp hội Thủy điện nhỏ châu Âu (ESHA) lập, cho biết hiện nay ở EU15 có 14.000 công trình thủy điện nhỏ, với công suất trung bình của mỗi trạm là 0,7 MW, so với 2.800 công trình tại EU10 (10 nước gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 2004) có công suất trung bình của mỗi trạm chỉ là 0,3 MW.
Tuy vậy, EC cũng thừa nhận rằng việc khuyến khích phát triển thuỷ điện nhỏ hiện nay nhiều khi không đủ để thắng những ràng buộc về quy định và môi trường. Ràng buộc chủ yếu là từ chỉ thị khung về nguồn nước và việc giải thích chỉ thị đó trong luật pháp mỗi nước. EC thừa nhận: “Chỉ thị này buộc các quốc gia thành viên phải bảo tồn tình trạng sinh thái tốt của nước trong các con sông, song nó cũng có thể gây hậu quả tiêu cực đến sản xuất điện của các trạm thủy điện nhỏ. Nhưng đồng thời, các quốc gia EU cũng phải cân nhắc chỉ thị về tăng tỉ lệ sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo của mỗi nước. Vì thế, tương lai của ngành thủy điện nhỏ sẽ phải phụ thuộc một phần vào sự cân đối đạt được trong việc vận dụng hai chỉ thị này.”
Nhà máy thủy điện nhỏ Forshuvud (Thụy Điển)
Một số nước có thể đạt được sự cân đối này tốt hơn so với các nước khác, song ít nhất thì việc yêu cầu áp dụng hai chỉ thị trên cũng buộc các quốc gia thành viên phải đánh giá lại tiềm năng thủy điện trong nước và hy vọng sẽ xây dựng được các khung điều điều tiết rõ ràng.
Thời gian để được cấp phép phát triển một dự án thủy điện nhỏ ở các nước EU khác nhau rất nhiều. Trong khi ở một số nước thành viên mới như Cộng hòa Séc, Estonia, Rumani, quá trình này chỉ trong vòng 1 năm, thì ESHA lại khẳng định rằng tại Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, quá trình này có thể sẽ kéo dài đến 10 hoặc 12 năm còn ở Đan Mạch thì việc trì hoãn khiến cho việc phát triển thuỷ điện nhỏ hầu như không thể thực hiện được, và theo chính sách của nhà nước thì thậm chí các công trình hiện có cũng phải vận hành với lưu lượng hạn chế. Nếu muốn thủy điện nhỏ góp phần đáng kể vào việc đạt mục tiêu cắt giảm phát thải cacbon trong toàn vùng thì một quá trình lấy giấy phép kéo dài đến hàng chục năm như vậy là không thể chấp nhận được.
Chắc chắn rằng việc giảm nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực của các công trình thuỷ điện nhỏ đối với môi trường là rất cần thiết nếu như các thủ tục cấp phép được hoàn tất nhanh chóng và việc cấp vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế được đảm bảo. Cùng với những thay đổi về quy tắc cho vay của Ngân hàng Thế giới trong những năm gần đây, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) và các nguồn hỗ trợ tài chính khác của châu Âu cũng khẳng định rằng cần phải có những biện pháp nhằm hạn chế tác động xấu của các đập nước đối với hệ động thực vật, việc sử dụng hiện nay các nguồn nước cho mục đích vui chơi giải trí và các di chỉ văn hoá. Trong khi trước đây, chỉ cần các bản đánh giá tiêu chuẩn về tác động đến môi trường (EIA) đã là đủ, thì hiện nay, các tổ chức trợ cấp vốn lại đưa ra các hướng dẫn chi tiết hơn về các bằng chứng yêu cầu.
Cần có những chỉ tiêu chính xác hơn
Hội đồng Năng lượng Tái tạo châu Âu (European Renewable Energy Council - EREC) lập luận rằng các chỉ tiêu cụ thể hơn trong ngành năng lượng sẽ khuyến khích đầu tư vào thủy điện nhỏ và các dạng năng lượng tái tạo khác. Hiện tại, EU mong muốn đến năm 2020, năng lượng tái tạo sẽ chiếm ít nhất 20% tổng năng lượng sử dụng của EU. Nhưng EREC lại mong muốn có các chỉ tiêu riêng biệt về, và trong phạm vi sản xuất điện năng, sưởi ấm, làm lạnh và nhiên liệu sinh học. Họ lập luận rằng các chỉ tiêu cụ thể cho các dạng phát điện khác nhau trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ tạo ra sự khác biệt lớn.
Trong một báo cáo mới đây, EREC lập luận rằng: “Đạt được tính đa dạng về công nghệ trong ngành năng lượng tái tạo là vô cùng quan trọng, và mục tiêu của bất cứ cơ chế hỗ trợ nào cũng cần khuyến khích và tăng cường tính đa dạng này. Các nguồn năng lượng tái tạo khác nhau đáp ứng những nhu cầu năng lượng khác nhau; chẳng hạn như thủy điện và năng lượng từ sinh khối có thể dễ dàng được sử dụng cho nhu cầu phụ tải đỉnh cũng như phụ tải nền.”
Thông điệp ở đây khá rõ ràng: Mặc dầu năng lượng từ gió có thể là dạng năng lượng tái tạo có sức cạnh tranh cao nhất song vai trò của nó trong cân bằng nguồn điện sẽ còn bị hạn chế chừng nào mà công nghệ tích luỹ điện năng còn chưa phát triển. Thuỷ điện nhỏ, đặc biệt là ở các vùng ở châu Âu có khí hậu ôn hoà hơn, tin cậy hơn và có thể được sử dụng để cân bằng các biến động trong sản xuất điện từ sức gió.
Trong 2 năm gần đây, EBRD - ngân hàng đầu tư cho các nước cộng sản trước đây ở Đông và Trung Âu - ngày càng quan tâm nhiều hơn tới thuỷ điện nhỏ và EBRD đã đưa ra mục tiêu quan trọng của mình là nâng cao “tính năng về môi trường và sự ổn định lâu dài của ngành điện, kể cả các hành động trợ giúp để ứng phó với các vấn đề về thay đổi khí hậu, an ninh năng lượng và đa dạng hoá nguồn cung cấp.”
Việc đầu tư có thể thực hiện dưới nhiều hình thức, bao gồm góp cổ phần trực tiếp, tài chính dự án hoặc cho vay để cấp vốn cho việc phát triển, xây dựng và vận hành các công trình thuỷ điện nhỏ.
Một trong những vấn đề lớn nhất mà ngân hàng này đang phải đối mặt là biểu giá điện năng tại các quốc gia mà ngân hàng đang hoạt động nhìn chung là thấp. Theo phát biểu của EBRD thì ngân hàng này gặp “những thách thức đáng kể trong việc xác định những dự án có hiệu quả kinh tế đủ mạnh để có thể đầu tư”, mặc dù các nước mới gia nhập EU đã có những tiến bộ nhanh chóng , vì các nước này đều buộc phải áp dụng luật pháp để đảm bảo họ sản xuất ra một tỉ lệ phần trăm nhất định điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo theo như đã thoả thuận tại Brussels.
Một số quốc gia như Áo, Đức, Italia và Tây Ban Nha hỗ trợ tài chính đáng kể cho thuỷ điện nhỏ dưới hình thức thuế biểu giá ưu tiên (feed-in tariff) hoặc chứng chỉ xanh (green certification). Ngân hàng cho biết: “Môi trường hỗ trợ mới này tạo điều kiện để ngành năng lượng mới này nổi lên, nguồn vốn và kỹ thuật chuyên môn đổ vào các thị trường này kết hợp với tính năng động của các doanh nghiệp và cá nhân tại địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều rào cản trong việc thử nghiệm, thực thi và hoàn chỉnh các cơ chế hỗ trợ thị trường mới này, tính minh bạch và tính nhất quán đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển lâu dài” của ngành thuỷ điện nhỏ.
Vậy mà, thậm chí trong môi trường khuyến khích đầu tư như vậy vẫn có thể gặp nhiều khó khăn. Trong Kế hoạch năng lượng tái tạo (PER), chính phủ Tây Ban Nha đặt mục tiêu đến năm 2010, công suất lắp đặt thủy điện nhỏ đạt 2.199MW nhưng Hiệp hội các nhà sản xuất năng lượng tái tạo Tây Ban Nha phàn nàn rằng mục tiêu này không thể đạt được bởi thủ tục cấp phép kéo dài, từ 6 đến 10 năm. Cụ thể là Hiệp hội lập luận rằng các cơ quan chức năng nhà nước đòi hỏi quá mức về các biện pháp giảm nhẹ tác động đến môi trường so với qui định của EU và rằng còn quá ít đánh giá khoa học về dòng chảy tối thiểu yêu cầu cho mỗi lưu vực sông.
Tình hình ở Bungari
EBRD hoạt động rất mạnh trong lĩnh vực thuỷ điện nhỏ của Bungari nói riêng cũng như lĩnh vực năng lượng tái tạo của nước này nói chung. EBRD đã cấp tín dụng cho các ngân hàng Bungari trị giá 100 triệu euro (155 triệu USD) để đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, tạo điều kiện phát triển 16 dự án thuỷ điện nhỏ vào cuối năm 2007. Kozloduy International Decommissioning Fund cũng cung cấp bổ sung trợ giúp kỹ thuật. Tháng 11 năm 2007, EBRD đã thoả thuận cho vay 54 triệu euro (84 triệu USD) để xây dựng mới 9 công trình thuỷ điện nhỏ trên đoạn sông Iskar dài 33 km trong khuôn khổ Sáng kiến năng lượng bền vững (Sustainable Energy Initiative - SEI) được khởi xướng vào tháng 5 năm 2006.
Nhà máy thủy điện nhỏ ở Bungari
Cả 9 dự án này sẽ do Vez Svoghe phát triển, sở hữu và vận hành, 90% vốn của công ty này thuộc sở hữu của Petrolvilla Bulgaria, một công ty con của Petrolvilla & Bortolotti (Italia), 10% còn lại là thuộc hội đồng thành phố sở tại Svoghe. Quỹ hợp tác cắt giảm phát thải Hà Lan thuộc EBRD sẽ mua tín dụng cacbon của hai dự án thuỷ điện nhỏ đầu tiên đang thi công là Lakatnik và Svrazhen. Các khoản cấp vốn trước đó của EBRD cho ngành điện Bungari đều tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối điện.
Vốn cho chín dự án thuỷ điện dòng chảy (run-of-river) xây mới này sẽ được cấp ở dạng khoản vay trực tiếp trị giá 34 triệu euro (57 triệu USD) từ Ngân hàng EBRD và một khoản trọn gói khác trị giá 20 triệu euro (31 triệu USD) sẽ do tập đoàn ngân hàng quốc tế cấp. Cục Phát triển quốc Tế của Vương Quốc Anh và chính phủ Italia đã hỗ trợ thêm về tài chính cho việc điều tra về môi trường và kỹ thuật cho các dự án này.
Khi ký kết hợp đồng cho vay, ông Jean Lemierre - chủ tịch của EBRD, cho biết: “ EBRD hỗ trợ Bungari trong nỗ lực đa dạng hoá các nguồn năng lượng và EBRD đã đóng vai trò nổi bật trong việc cấp vốn xây dựng mới các nguồn điện của quốc gia này. Ngân hàng cam kết hỗ trợ các dự án năng lượng bền vững, và việc cấp vốn cho năng lượng tái tạo là một khía cạnh quan trọng của việc đảm bảo an ninh năng lượng cho các thế hệ tương lai.”
Chuyển giao tri thức là một trong những mục tiêu chính của liên doanh này. Petrolvilla & Bortolotti có rất nhiều kinh nghiệm trong xây dựng và vận hành các trạm thuỷ điện nhỏ ở Italia, kết hợp với các cơ quan chức năng thành phố và EBRD cũng hy vọng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước-tư nhân loại này tại Đông và Trung Âu. Các dự án thuỷ điện mới này sẽ được lắp đặt cách Sofia khoảng 40 km về phía Bắc, sẽ hoàn toàn tự động duy trì mực nước và công suất ổn định. Dự kiến các trạm này sẽ có sản lượng hằng năm là 137,2 GWh với tổng công suất là 25,7 MW. Các con đập bằng bê tông ở mỗi tuyến đập đều có thang cá và cửa đập trượt nhằm giảm tích tụ bùn đất.
Rõ ràng là các chỉ thị của EU về năng lượng tái tạo và cắt giảm phát thải cácbon có thể giúp mở rộng ngành thuỷ điện nhỏ thông qua xây dựng mới và cải tạo các công trình hiện có. Cũng có thể thấy rõ là mặc dầu các quốc gia thành viên đều làm việc trong cùng một khung điều tiết chung nhưng tiến độ ở mỗi nước lại khác nhau rất nhiều, chủ yếu là do việc cấp phép bị trì hoãn. Nhưng nếu như muốn đáp ứng mục tiêu ngày càng cao về tỉ lệ năng lượng tái tạo trong cân bằng nguồn điện trong thập kỷ tới thì điều tối quan trọng là tất cả các quốc gia thành viên đều phải cố gắng học hỏi kinh nghiệm thực tiễn của những nước đã đạt được hiệu quả cao nhất.