Ảnh minh họa. Nguồn: AP.
Châu Âu tránh được rủi ro về năng lượng trong mùa đông
Các nhà kinh tế và giới chức cho biết nhờ thời tiết ấm áp khác thường và những nỗ lực tìm kiếm nguồn khí đốt tự nhiên thay thế sau khi Moscow cắt giảm hầu hết nguồn cung thì châu Âu đã vượt qua được phần nào cuộc khủng hoảng năng lượng.
Giá khí đốt ngắn hạn đã giảm so với mức cao kỷ lục vào năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng kịch bản khó khăn nhất là thiếu hụt và khan hiếm vào mùa đông đã có thể tránh được.
Thời tiết ấm áp cũng giúp các cơ sở lưu trữ khí đốt của châu Âu duy trì đảm bảo 83% năng lượng kể từ ngày 1/1 năm nay. Đây được xem là một đột phá. Tình hình dự trữ khí đốt ở châu Âu thường bắt đầu giảm trong tháng 10 và sẽ được bổ sung dần lại trong mùa xuân năm tiếp theo. Nguy cơ thiếu hụt từng khiến các doanh nghiệp lo ngại, buộc họ đã phải tìm nhà cung cấp mới để duy trì năng lượng sau khi Moscow cắt giảm nguồn cung.
Hầu hết các quốc gia đều tìm đến nguồn cung thay thế là khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG đắt tiền, vận chuyển bằng tàu từ Mỹ và Qatar sang. Đức đã thuê tới 5 thiết bị hỗ trợ nhập khẩu khí LNG với giá lên tới gần 10 tỷ euro.
"Cuộc khủng hoảng năng lượng chưa kết thúc, nhưng trường hợp khẩn cấp nhất có thể xảy ra thì đã tránh được", ông Simone Tagliapietra, chuyên gia chính sách năng lượng tại Viện nghiên cứu Bruegel ở Brussels nói.
Dự báo giá năng lượng có thể tiếp tục tăng
Người tiêu dùng đã tránh được tình trạng giá tăng đột biến nhưng hóa đơn mua hàng có thể sẽ tiếp tục cao hơn bình thường vì giá xăng vẫn ở mức cao so với năm 2021. Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, chính phủ đã áp giá trần với xăng và điện, cho phép các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng mua 80% năng lượng ở mức giá năm ngoái.
Đây là sự hỗ trợ lớn cho các doanh nghiệp nhỏ sử dụng nhiều năng lượng, chẳng hạn như chuỗi 25 quán cà phê của ông Andreas Schmitt trong khu vực quanh Frankfurt.
"Việc áp giá trần sẽ giúp hạn chế tình trạng xấu đi từ mùa hè này", ông Schmitt, chủ hệ thống chuỗi cửa hàng 25 quán cà phê và cũng là phó chủ tịch của Hiệp hội thợ làm bánh ở vùng Hesse,Tây Nam nước Đức nhấn mạnh.
Vào thời đỉnh điểm của giá năng lượng vào tháng 8, tôi từng phải đối mặt với chi phí điện tăng lên mức 858.120 USD để chạy lò nướng và thắp sáng ở cửa hàng. Điều đáng chú ý là mức giá này có thể vẫn còn tồn tại trong thời gian tới", ông Schmitt nhấn mạnh.
Việc áp giá trần năng lượng ở Đức hiện tại tương đương với mức 586 euro tiền điện cho một gia đình 4 người. Nếu giá năng lượng trên thị trường vẫn tiếp tục không giảm thì khả năng mức tiền các hộ gia đình phải đóng sẽ tăng 58%, tương đương khoảng 911 euro chi phí năng lượng. Việc Chính phủ Đức tiếp tục hỗ trợ cho người dân như vậy sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách, và không phải tất cả 27 quốc gia trong Liên minh châu Âu đều mạnh về tài chính như Đức để có thể đủ khả năng gói hỗ trợ 200 tỷ cho người dân.
"Lo lắng của tôi là sự trợ cấp không bền vững. Sự khác biệt về trợ cấp giữa các quốc gia thành viên có thể sẽ kéo dài. Và sự khác biệt này có thể gây ra những hệ lụy ở châu Âu", Agata Loskot-Strachota, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu phương Đông ở Warsaw cho biết.
Châu Âu đã bị ảnh hưởng từ nhiều vấn đề năng lượng chưa từng xảy ra, chẳng hạn như tai nạn hoặc các vấn đề kỹ thuật ở đường ống chính và thiết bị đầu - cuối xuất khẩu LNG, thời tiết khắc nghiệt hoặc cường độ gió thấp và thiếu nước cho các nhà máy thủy điện. Thêm vào đó,vì Trung Quốc đã nới lỏng hạn chế nên nhu cầu về khối lượng khí hóa lỏng có thể tiếp tục tăng vào cuối năm nay. Trong trường hợp đó, châu Âu có thể phải đối mặt với chi phí cao hơn để có được khí đốt và những người gặp khó khăn sẽ là quốc gia nghèo hơn ở châu Á và châu Phi.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã cảnh báo sự phục hồi của Trung Quốc có thể khiến châu Âu thiếu khí đốt trong mùa đông tới. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã tăng cường thúc đẩy mạnh mẽ đối với năng lượng tái tạo và các biện pháp hiệu quả như bơm nhiệt tiết kiệm năng lượng nhằm giảm nguy cơ thiếu hụt và đảm bảo mức giá theo quy định vào năm tới.
Link gốc