Tin thế giới

Khai thác tiềm năng để chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ

Thứ năm, 5/1/2023 | 10:00 GMT+7
Trong xu thế chuyển đổi năng lượng xanh đang diễn ra trên toàn cầu, nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Phi đang khai thác tiềm năng và tận dụng lợi thế để đạt những thành tựu vượt bậc về sản xuất năng lượng tái tạo.

Đức đẩy mạnh phát triển năng lượng mặt trời. (Ảnh Recharge News).

Với việc nhiều nước sẵn sàng "rút hầu bao" chi cho các dự án năng lượng sạch, lĩnh vực chuyển đổi năng lượng ở cả hai châu lục này đang có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck (R.Ha-béc) cho biết, nước này đang đạt những tiến bộ lớn trong việc phát triển năng lượng tái tạo, dù vẫn còn rất nhiều việc cần làm. Trong năm 2022, Chính phủ Đức đã tích cực xây dựng các luật liên quan, thực hiện nhiều điều chỉnh để đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ tình trạng quan liêu cùng nhiều rào cản và đẩy nhanh tốc độ phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Đây là những tiến bộ lớn trên con đường chuyển đổi năng lượng của nền kinh tế đầu tàu châu Âu, trong bối cảnh Chính phủ Đức đặt mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên ít nhất 80% tổng lượng năng lượng được sử dụng tại nước này vào năm 2030. Theo tính toán, tỷ lệ năng lượng tái tạo tại Đức hiện vào khoảng 47%. Chính phủ Đức khẳng định trong chưa đầy 10 năm nữa, Đức sẽ tăng gần gấp hai lần tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ điện và tăng gấp ba lần tốc độ mở rộng điện tái tạo - trên mặt nước, trên đất liền và trên mái nhà. Đây là điều kiện để Đức có thể bảo đảm an ninh năng lượng và chủ quyền năng lượng, đặt nền tảng để trở thành quốc gia trung hòa carbon.

Trong nỗ lực đạt được mục tiêu nêu trên, Chính phủ Đức đã đề xuất thực hiện những điều chỉnh lớn đối với các luật liên quan, chẳng hạn dành 2% diện tích đất của cả nước cho các nhà máy điện gió; áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió... Trong năm 2022, ngành năng lượng gió của Đức dự tính mở rộng công suất từ 2,3 đến 2,4 gigawatt. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu về khí hậu, trong các năm tới, nước Đức cần phải rất nỗ lực để tăng thêm 10 gigawatt mỗi năm. Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua kế hoạch trị giá 28 tỷ euro của Chính phủ Đức, nhằm hỗ trợ năng lượng tái tạo, qua đó tăng cường mở rộng việc sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Trong nỗ lực của EU nhằm thúc đẩy thành công quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số của các nền kinh tế, InvestEU là một công cụ quan trọng. Chương trình InvestEU cung cấp cho EU nguồn tài trợ dài hạn bằng cách tận dụng các quỹ tư nhân và công cộng để hỗ trợ phục hồi bền vững, giúp huy động các khoản đầu tư tư nhân cho các ưu tiên chính sách của EU, chẳng hạn như Thỏa thuận xanh châu Âu. Quỹ InvestEU được thực hiện thông qua các đối tác tài chính, những người sẽ đầu tư vào các dự án sử dụng bảo lãnh ngân sách EU trị giá 26,2 tỷ euro. Trong khi đó, EC và Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu (NIB) đã ký kết thỏa thuận bảo lãnh đầu tư trị giá 114 triệu euro. Thỏa thuận sẽ giải ngân khoản tài trợ của NIB lên tới 480 triệu euro cho các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững, nghiên cứu, đổi mới và số hóa trên khắp các quốc gia Bắc Âu và Baltic, cũng như ở Ba Lan.

Nhu cầu về năng lượng sạch tăng lên nhanh chóng và việc châu Âu tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga tạo cơ hội cho châu Phi, châu lục có tiềm năng sản xuất hydro xanh hằng năm trị giá 1.000 tỷ euro vào năm 2035. Điều này cho phép "lục địa đen" xuất khẩu nhiên liệu và thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương. Theo Trung tâm hỗ trợ quyết định và thông tin của Chính phủ Ai Cập (IDSC), nhờ khai thác nguồn năng lượng mặt trời dồi dào nhất thế giới, một số quốc gia ở châu Phi có thể sản xuất nhiên liệu bằng cách chiết xuất hydro từ nước nhờ năng lượng tái tạo, với chi phí 1kg dưới 2 euro vào năm 2030. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nhiên liệu hydro xanh sẽ được sản xuất tại ba trung tâm chính nằm trên lục địa châu Phi, gồm Ai Cập, một trung tâm nằm ở phía tây bắc của Maroc và Mauritania; và một nhà máy khác nằm ở giữa Namibia và Nam Phi.

Trong khi các kế hoạch sản xuất nhiên liệu hiện đại nhất được lên kế hoạch ở những nước châu Phi nêu trên, thì một số quốc gia khác như Algeria, Nigeria và Mozambique cũng đang tìm cách khai thác tiềm năng để bắt đầu sản xuất nhiên liệu sạch. Dự báo Ai Cập sẽ là nhà sản xuất hydro xanh lớn nhất với sản lượng 20 triệu tấn/năm, đứng thứ hai là nhà máy đặt tại Nam Phi với 17,5 triệu tấn, trong khi trung tâm nằm ở giữa Maroc và Mauritania có thể đóng góp 12,5 triệu tấn. Khoảng một nửa tổng sản lượng hydro xanh của châu Phi có thể được xuất khẩu, đáp ứng khoảng 15% nhu cầu khí đốt của châu Âu.

Link gốc

Theo: Nhân dân