|
Một kỹ sư trong nhóm Lebone Solutions đang giới thiệu cho dân làng tại Tanzania thấy bóng đèn được chiếu sáng nhờ ắc quy vi sinh. |
Trong khi nhiều nỗ lực trong lĩnh vực này đang tập trung nghiên cứu khai thác điện từ các nguồn năng lượng phổ biến trong thiên nhiên như gió và mặt trời, một nhóm các chuyên gia từ thành phố Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ) đang thành công trong việc phát triển những loại ắc quy làm từ những loại vi khuẩn có nhiều trong rác thải.
· Tạo ra năng lượng điện sinh hoạt từ rác
"Bạn hoàn toàn có thể tạo ra năng lượng điện sinh hoạt từ rác - đó là khẳng định của Aviva Presser, một nữ sinh viên tốt nghiệp từ Trường Kỹ thuật và khoa học ứng dụng Harvard - trong khi đang có rất nhiều rác tại châu Phi". Cô Presser là một trong những người sáng lập ra Lebone Solutions, một nhóm nghiên cứu khoa học hiện đang nhận được khoản tiền tài trợ 200.000 USD từ Ngân hàng Thế giới (WB) và từ một số nguồn đầu tư tư nhân khác. Ý tưởng gây được sự chú ý của Lebone Solutions chính là một loại ắc quy vi sinh, có thể tạo ra năng lượng điện từ những nguyên liệu như phân, rác - những loại chất liệu đặc biệt phổ biến đối với mỗi một gia đình nghèo khó tại châu Phi.
Vấn đề là Lebone - có nghĩa là "que diêm" trong ngôn ngữ Sotho bản địa - không phải muốn sản xuất ra loại ắc quy đặc biệt này để bán chúng cho các khách hàng tại châu Phi. Nhóm này hy vọng sau khi công nghệ này được hoàn tất theo xu hướng đơn giản và hiệu quả hơn nữa, mỗi một gia đình tại châu Phi có thể tự sản xuất ra chúng với chi phí một lần không quá 15 USD.
"Người châu Phi thường rất sáng tạo - nhận xét của Hugo Van Vuuren, cũng là một thành viên đồng sáng lập ra Lebone Solutions - Họ cũng rất nhạy bén trong việc kinh doanh, có điều không phải theo cách kinh doanh thông thường mà chúng ta vẫn thường nghĩ". Anh Van Vuuren - đến từ Pretoria (Nam Phi) và cũng vừa tốt nghiệp Trường Harvard vào năm ngoái với tấm bằng chuyên ngành kinh tế - đã ví mức độ đơn giản của loại ắc quy này như "thí nghiệm trồng khoai tây mà phần lớn học sinh thời trung học đã phải làm", thực chất chỉ là một phản ứng gồm hai bước có thể tích tụ năng lượng điện.
Các vi khuẩn trong ắc quy vi sinh kiểu này tạo ra các điện tử trong quá trình tương tự như chúng hoạt động trong tự nhiên: Chuyển hóa các loại rác hữu cơ - như lá cây rụng, cỏ hay đơn giản là các loại phân rác… - thành năng lượng điện. Các điện tử sau đó sẽ được tích lại trên một điện cực (có thể là một tấm than chì) và phản ứng hóa học tiếp theo sẽ tạo ra một lượng điện tích nhỏ đủ để thắp sáng bóng điện hay nạp điện thoại di động. "Loại ắc quy này có thể được chế tạo bởi bất kỳ người nào qua vài bước chỉ dẫn đơn giản - cô Presser giải thích thêm - Trong khi nó lại không đòi hỏi những khoản đầu tư lớn".
· Công nghệ cho người dân châu Phi
Các thành viên sáng lập ra nhóm Lebone Solutions (đều học cùng lớp tại Harvard) đang tập trung tìm kiếm những công nghệ chiếu sáng thích hợp nhất cho người dân châu Phi, với ý tưởng bắt nguồn từ một đề tài trong lớp trước đó.
Vào mùa hè năm ngoái, họ đã thử nghiệm công nghệ này tại ngôi làng Leguruki (Tanzania) để đánh giá khả năng làm việc của những ắc quy trên trong các điều kiện sinh hoạt thông thường. Kết quả là cứ trung bình khoảng 3 giờ mỗi đêm, sáu gia đình tại làng này đã sử dụng ắc quy làm từ phân và rác để tạo ra dòng điện dùng cho thắp sáng rất hiệu quả.
Theo Van Vuuren, từ những nghiên cứu tại Leguruki, cả nhóm đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm bổ ích về việc chế tạo và sử dụng ắc quy, cũng như về chính những người dân cần cù chịu khó tại đây. "Mọi người có thể phải đi bộ cả giờ hay thậm chí cả ngày để tới được trường trung học ở địa phương, là nơi họ có thể sạc điện thoại di động để sử dụng trong hai đến ba ngày sau" - Van Vuuren kể lại, đồng thời nhắc thêm rằng, điện thoại di động tại những khu vực khó khăn này không chỉ là công cụ liên lạc mà còn là thiết bị chiếu sáng trong sinh hoạt.
Nhóm Lebone Solutions đang có kế hoạch trong hai năm tới sẽ triển khai nghiên cứu các kiểu ắc quy hoàn thiện hơn tại Namibia, nơi họ sẽ tìm kiếm thêm một số loại nguyên liệu thông dụng khác để chế tạo. Nhiệm vụ cuối cùng được đề ra của họ là thử nghiệm loại ắc quy vi sinh này thật tốt trước khi mang chúng về thị trường Mỹ.
Tất nhiên mục tiêu quan trọng đầu tiên của nhóm vẫn là ngoài việc nghiên cứu và hoàn thiện những sản phẩm tốt nhất có khả năng kinh doanh, cần phải đóng góp vai trò tích cực về năng lượng điện cho một châu lục nghèo nhất thế giới như lục địa đen. "Nếu bạn làm việc được trong những điều kiện khó khăn như tại châu Phi, bạn có thể tạo ra một sản phẩm nào đó có thể hoạt động tốt tại những nước phát triển và cả những nước đang phát triển" - Van Vuuren đã giải thích như vậy về quyết định chọn châu Phi làm địa bàn nghiên cứu của nhóm .