Chạy đua làm điện gió, bán giá cao ngất hơn 2.000 đồng/kWh

Thứ ba, 11/2/2020 | 14:49 GMT+7

Sau cơn sốt điện mặt trời, các nhà đầu tư đang dồn dập đầu tư vào điện gió để hưởng mức giá ưu đãi hơn 2.000 đồng/số.



Chạy đua làm điện gió, bán giá cao ngất hơn 2.000 đồng/kWh

Điện gió đang thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: Lương Bằng
 

Giống như điện mặt trời, điện gió bắt đầu thu hút sự quan tâm của hàng trăm nhà đầu tư khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định nâng giá mua điện gió.

Tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, các dự án điện gió trong đất liền được mua với giá 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 8,5 Uscents/kWh). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,8 Uscents/kWh).  Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

Mức giá mua điện gió mới tăng tương đối cao so với mức giá được áp dụng từ năm 2011 đến trước thời điểm Quyết định 39 được ban hành (khoảng 1.770 đồng một kWh, tương đương 7,8 cent).

Với tỷ giá 23.250 đồng như hiện tại, giá mua điện gió trên đất liền đã vượt 2.000 đồng/số. Mức giá này khiến hàng loạt nhà đầu tư đổ xô vào điện gió.

Số liệu của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, khi giá điện gió chưa được nâng lên thì chỉ có 9 dự án đi vào vận hành, với công suất khiêm tốn là 353 MW.

Nhưng khi giá mua điện tăng lên hơn 2.000 đồng/số, hàng ngàn MW điện gió đã được ký hợp đồng mua bán điện và hàng nghìn MW đã được bổ sung quy hoạch. Điện gió tập trung ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Sóc Trăng,...

Cụ thể, ngoài 9 dự án đã vận hành, còn 31 dự án có tổng công suất là 1.645 MW đã ký Hợp đồng mua bán điện, đang được đầu tư xây dựng nhưng chưa vận hành thương mại. Ngoài ra, có 59 dự án đã bổ sung quy hoạch đến 2025 nhưng chưa ký Hợp đồng mua bán điện, với tổng công suất khoảng 2.700 MW.

Bên cạnh đó, hơn 100 dự án khác đang xin ý kiến để được bổ sung vào quy hoạch.

Chạy đua làm điện gió, bán giá cao ngất hơn 2.000 đồng/kWh
Trước thời điểm được nâng giá mua, điện gió còn khá khiêm tốn so với điện mặt trời.

 

 

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, cũng là “ông chủ” của một số dự án điện gió đã vận hành thương mại (trước khi Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ban hành) tỏ ra “tâm tư” khi các dự án điện gió bị cắt giảm công suất.

Đơn cử, có 3 dự án ở Bình Thuận, Ninh Thuận đang phải chịu chung cảnh cắt giảm công suất cùng các dự án điện mặt trời trên địa bàn.

Ông Bùi Vạn Thịnh lo lắng: Việc cắt giảm công suất khiến các chủ đầu tư điện gió "thiệt đơn thiệt kép". Thực tế, hiện đang là mùa gió tốt nhưng các nhà máy điện gió bị cắt giảm tới 61% công suất và chỉ phát điện được 39%. Sản lượng điện phát chỉ đạt 3 triệu kWh, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 11 triệu kWh.

Cho rằng với mức giá thấp hơn điện mặt trời, ông Bùi Vạn Thịnh kiến nghị cần đưa các dự án điện gió đã vận hành từ trước ra khỏi danh sách bị cắt giảm công suất hoặc “cắt ít thôi” để thấy rằng được đối xử công bằng.

Thực tế, các dự án điện gió mà ông Thịnh đề cập bị cắt giảm công suất đã đi vào vận hành thương mại từ trước khi Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ban hành. Có nghĩa, các dự án này được hưởng mức giá khoảng 1.770 đồng một kWh (tương đương 7,8 cent), chứ không phải mức giá hơn 2.000 đồng/số tại Quyết định 38.

Các dự án này bị cắt giảm công suất do chịu tác động của việc điện mặt trời ồ ạt vào, khiến lưới điện quá tải. Còn thực tế, hàng chục dự án điện gió triển khai để hưởng mức giá hơn 2.000 đồng/số vẫn chưa đưa  vào vận hành. Với mức độ phân tán của điện gió, việc quá tải lưới điện được dự báo không quá nghiêm trọng.

Qua tính toán kiểm tra trào lưu 2020, 2021 của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, với các dự án điện gió vận hành năm 2020 thì có xuất hiện quá tải khu vực Trà Vinh, Ninh Thuận và Bình Thuận, các khu vực khác đảm bảo giải tỏa tốt.

Nếu vận hành năm 2021 thì chỉ xuất hiện quá tải khu vực Bình Thuận và Ninh Thuận, các khu vực khác bình thường.

Do vậy, các cơ quan quản lý khuyến cáo, các chủ đầu tư đảm bảo tiến độ dự án cam kết trong Hợp đồng mua bán điện, đặc biệt các dự án không có vấn đề gì về giải tỏa có thể đẩy nhanh tiến độ để sớm vận hành.


Theo: vietnamnet