Chi phí nhỏ, lợi ích lớn
Công ty cổ phản Chế biến thuỷ sản Nhật Hoàng (Đà Nẵng) là đơn vị được chọn tham gia dự án trình diễn tiết kiệm và hiệu quả năng lượng năm 2006. Cty đã thực hiện một loạt giải pháp TKNL như đầu tư, mua 1 máy sản xuất đá vảy, cải tiến một số chi tiết ở hệ thống giải nhiệt dàn ngưng, lắp đặt thêm bơm có công suất nhỏ và thay thế đèn chiếu sáng có ballast ,sắt bằng balast điện tử, đèn T10 công suất 40W được thay bằng T8, 36W... Kết quả, sau 1 năm Công ty đã tiết kiệm được 20% tiền điện, thu hồi đủ vốn trong vòng 8 tháng. Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM cũng thực hiện 2 mô hình trình diễn về TKNL trong sản xuất giấy và dệt nhuộm. Kết quả cho thấy, doanh nghiệp tiết kiệm gần trăm triệu đồng/năm và có thể thu hồi vốn trong khoảng từ 3 đến 15 tháng.
Theo các chuyên gia, hiện nay, tiềm năng TKNL trong các lĩnh vực còn rất lớn, cụ thể ngành sản xuất xi măng là 50%, công nghiệp gốm 35%, phát điện bằng than 25%, dệt may 30%, các toà nhà thương mại 25%, công nghiệp thép 20% nông nghiệp 50%, chế biến thực phẩm 20%... Vấn đề là các ngành phải làm thế nào để thực hiện được việc TKNL?
Cần sự hỗ trợ kinh phí và pháp lý
Ông Nguyễn Quang Khải, Chủ nhiệm dự án Khí sinh học công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Rất nhiều DN vừa và nhỏ muốn tham gia chương trình nhưng không có điều kiện tự đầu tư vốn. Nếu được hỗ trợ tài chính, chắc chắn các DN sẽ tham gia tích cực hơn. Để giúp các DN thực hiện chương trình TKNL, năm 2007, Văn phòng TKNL (Bộ Công Thương) đã thực hiện khảo sát và tư vấn TKNL cho hơn 200 DN sử dụng năng lượng trên toàn quốc. Hiện đã xây dựng được trên 20 dự án hỗ trợ đầu tư. Dự kiến, năm 2008 sẽ dành trên 18 tỷ đồng hỗ trợ cho 5 dự án lớn. Ngoài ra, chương trình TKNL tại Việt Nam đang nhận được sự hỗ trợ của nhiều dự án quốc tế gần đây nhất là Chương trình Khí hậu và Phát triển năng lượng sạch (ECO-ASIA) vừa khởi động cuối tháng 6/2007 tại Manila (Philippines).
Được biết, các DN nhỏ và vừa tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ 10-30 triệu đồng để thực hiện kiểm toán năng lượng và chuyển giao công nghệ. Sau khi triển khai thí điểm ở 10 tỉnh thành phố với 5 ngành công nghiệp là sản xuất gạch, gốm sứ, dệt, giấy - bột giấy và chế biến thực phẩm, chương trình sẽ mở rộng trên 500 DN nhỏ và vừa trong suốt giai đoạn tờ nay đến năm 2010. Đây sẽ là tín hiệu đáng mừng cho các DN vừa và nhỏ có nguyện vọng thực hiện TKNL.
Để hỗ trợ cho các cơ quan chức năng và các DN có cơ sở thực hiện tốt hơn vấn đề TKNL một bộ luật về TKNL đang được Bộ Công Thương hoàn chỉnh để trình Chính phủ xin ý kiến Quốc hội, dự kiến thực hiện vào năm 2009. Vấn đề còn lại là nhận thức và sự quyết tâm của các DN. Việc áp dụng thành công, tạo hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh không những góp phần TKNL, bảo vệ môi trường mà còn tăng thu cho DN và đặc biệt là nhanh hoàn trả vốn vay.
Theo Báo CNVN Số 48