Tin thế giới

Thay bóng đèn có hiệu suất chiếu sáng cao: "Việt Nam được tặng thêm hai nhà máy thuỷ điện Hoà Bình"

Thứ ba, 27/11/2007 | 14:37 GMT+7

Tuy đó chỉ là cách so sánh được ông Vũ Minh Mão, Chủ tịch Hội chiếu sáng đô thị Việt Nam đưa ra mới đây tại Hà Nội, nhưng điều đó cũng cho thấy lợi ích to lớn của phương pháp rất đơn giản là chiếu sáng hiệu suất cao...

Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn vì sao chúng ta lại có thể tiết kiệm được một lượng điện khổng lồ đến thế ?

Vấn đề nằm ở chỗ chiếu sáng hiệu suất cao chứ không phải tắt điện để đạt mục tiêu tiết kiệm điện. Theo tính toán của chúng tôi, hiện nay cả nước đang sử dụng khoảng 130 triệu bóng đèn các loại, trong đó có rất nhiều đèn huỳnh quang T10 và bóng sợi đốt. Chỉ riêng việc thay thế toàn bộ những đèn huỳnh quang T10 và bóng sợi đốt bằng đèn huỳnh quang T8 và bóng đèn compact (có mức độ chiếu sáng - quang thông - tương đương với bóng sợi đốt 60 W) thì cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 3.400 MW điện, gần bằng 1,5 công suất của nhà máy Thuỷ điện Sơn La và gần bằng 2 lần công suất của nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình.

Hiện nay, sản lượng điện bình quân của Việt Nam đạt khoảng 550 kwh/người/năm, thấp hơn nhiều mức 1.500 -2.000 kwh/người/năm của các nước đang phát triển. Vì thế, tình trạng thiếu điện sẽ còn kéo dài, việc tiết kiệm điện vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng cao để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Vậy tổng chi phí của việc thay đèn huỳnh quang T10 bằng T8, bóng sợi đốt bằng đèn compact sẽ là bao nhiêu ?

Chúng tôi chưa tính cụ thể tổng chi phí, nhưng nhìn ở góc độ kinh tế, chi phí để sản xuất ra đèn T8 hoặc đèn compact nhỏ hơn nhiều so với việc tiết kiệm do việc giảm công suất điện mang lại. Chi phí cho việc thay thế bóng T10 bằng bóng T8 có thể nói là không đáng kể: mức chi phí của các nhà sản xuất để tạo ra bóng T8 nhìn chung không có gì thay đổi so với T10 vì về nguyên vật liệu, bóng T8 nhỏ hơn nên thủy tinh làm bóng ít đi. Trong khi đó, người dân hoàn toàn không phải thay đổi các dây dẫn trong nhà mà chỉ cần bỏ bóng T10, thay bằng T8 và gắn thêm trấn lưu sắt từ tổn hao thấp.

Đối với người dân, mua một bóng T8 không đắt hơn so với bóng T10 (riêng bóng sợi đốt thay bằng compact thì tăng lên vài lần), nhưng quan trọng hàng tháng họ không phải trả tiền điện như cũ, giảm đi rất nhiều. Ví dụ, một bóng compact 11W tương đương với độ chiếu sáng của bóng 60W sợi đốt. Như vậy, nó tiết kiệm được 50W điện năng. 1 tháng 30 ngày, số tiền trả tiền điện sẽ giảm nhiều so với bóng 60W. Thực tế cho thấy, có những gia đình sử dụng đèn compact, tiền điện giảm đi khoảng trên 30% so với bóng sợi đốt, trong khi đó, tuổi thọ của bóng lại tốt hơn. Tôi cho rằng người dân có thể chấp nhận được vì có thể số tiền bỏ ra ban đầu có đắt hơn nhưng số tiền điện phải trả hàng tháng ít đi.

Để có được 1MW điện, chúng ta phải đầu tư khoảng bao nhiêu tiền ?

Theo số liệu của ngành điện thì để có được 1kW công suất của nhà máy điện, Nhà nước phải bỏ ra 1.000 USD, do đó để có được 1MW điện, chúng ta phải đầu tư 1 triệu USD. Qua đó có thể thấy tiết kiệm mang lại lợi ích khổng lồ như thế nào.

Không những Nhà nước không phải đầu tư nguồn điện, người dân phải trả ít tiền điện hơn mà vấn đề ô nhiễm môi trường cũng được giảm thiểu rất nhiều...

Năng lực của các đơn vị trong nước có thể đáp ứng được nhu cầu thay bóng đèn như ông nói ở trên không ?

Các đơn vị trong nước hoàn toàn có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu thay bóng đèn T10 bằng bóng T8. Hiện có hai đơn vị sản xuất rất lớn là Điện Quang và Rạng Đông. Lãnh đạo công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết năm 2008 họ có kế hoạch sản xuất 24 triệu bóng compact, gấp rưỡi năm 2007; Điện Quang cũng có năng lực sản xuất rất lớn. Tính chung các đơn vị sản xuất trong nước mỗi năm có thể sản xuất 120-130 triệu bóng compact, trong nước dùng không hết nên còn  phải xuất khẩu rất nhiều, chẳng hạn như sang Cu-ba vài chục triệu bóng...

Việc sản xuất bóng đèn sợi đốt cũng đang được các đơn vị này thu hẹp, chẳng hạn Rạng Đông đã giảm công suất từ 50 triệu bóng/năm xuống còn 30 triệu bóng/năm hiện nay và dự kiến chỉ còn 10 triệu bóng vào năm 2010.

Xin cảm ơn ông !

Ngày 28/11 tới sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc về Chiếu sáng đô thị lần thứ 3. Hội nghị sẽ tập trung vào chiến lược chiếu sáng đến năm 2020 và nhìn nhận chiếu sáng đô thị là một ngành kinh tế kỹ thuật, quy hoạch chiếu sáng đô thị trong xây dựng quy hoạch đô thị...

Theo VnMedia