Chia sẻ kinh nghiệm đào tạo nhân lực điện hạt nhân

Thứ tư, 16/12/2009 | 15:40 GMT+7

Ngày 16/12, tại Hà Nội, tiến sĩ Trần Đại Phúc đã có buổi thuyết trình chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức đào tạo trong lĩnh vực điện hạt nhân cho các đồng nghiệp Việt Nam.

 

Theo dõi lò với hệ điều khiển mới tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)
Tiến sĩ Trần Đại Phúc - người đã có trên 40 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân tại các quốc gia tiên tiến như Pháp, Canada, Bỉ, Australia, đã trình bày về các tiêu chuẩn an toàn nhà máy điện hạt nhân, chương trình đào tạo khoa học và công nghệ hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ, vận chuyển an toàn vật liệu hạt nhân và các vấn đề về đảm bảo chất lượng cho các công nghệ liên quan đến lò phản ứng thế hệ lò thứ II và III của nhà máy điện hạt nhân.

Phân tích về thế hệ lò thứ II và III, tiến sĩ Phúc cho rằng, ưu điểm của hai loại lò này đã được cải tiến trong nhiều năm nên việc vận hành đã gần như hoàn hảo về độ an toàn, mức sản xuất điện cao và có khả năng cạnh tranh vì giá thành thấp.

Loại lò này hiện đang được tiếp tục xây dựng mạnh mẽ tại Trung Quốc dưới tên CPR - 1000. Các thiết bị thay thế cho công nghệ này rất nhiều và đồng bộ. Sự tải nhiệt vùng hoạt động qua 3 vòng tuần hoàn, có thể tiếp tục vận hành khi một máy gặp trở ngại.

Đây cũng là loại lò có đặc điểm thiết kế phân phối rộng, tránh sự hư hỏng đồng loạt, nên cần nhiều mặt bằng hơn, xây cất cần vật liệu nhiều hơn và tốn kém hơn. Tuy nhiên, các nước mới bắt đầu sử dụng năng lượng hạt nhân cần quyết định lựa chọn về công nghệ nên đặt trọng tâm trên 2 điểm là vận hành an toàn và năng suất cao.

Đề cập về lĩnh vực đào tạo nhân lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân, tiến sĩ Trần Đại Phúc nhận định Cục An toàn bức xạ hạt nhân cần chú ý đến lộ trình đào tạo, nhận những người có chuyên môn về hạt nhân. Đây là một điều kiện cần thiết để thiết lập một Cơ quan thẩm quyền về an toàn hạt nhân.

Tiến sĩ cho rằng mấu chốt là kinh nghiệm và văn hóa tập thể của những nhân viên mới có kỹ năng, đang làm việc trong cơ quan thẩm quyền an toàn mới. Các nhân viên này phải được đưa đi đào tạo chuyên môn trong thời gian dài tại các tổ chức an toàn hiện nay.

Theo quá trình phát triển trong tương lai của chương trình điện hạt nhân đã được Quốc hội phê duyệt ngày 25/11, thời gian tới, Cục An toàn bức xạ hạt nhân là cơ quan pháp quy duy nhất, cần phải xây dựng được đội ngũ nhân lực, ít nhất 200 chuyên gia, được đào tạo chuyên nghiệp trong và ngoài nước để đảm bảo nhiệm vụ, chức năng của Cục trong việc thẩm định các hồ sơ an toàn và kiểm duyệt tại công trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân, các cơ sở khác có liên quan đến công nghệ hạt nhân.

Tiến sĩ Trần Đại Phúc cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục An toàn bức xạ hạt nhân, các cơ quan liên quan của Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực nghiệm, nhằm giảm thời gian cần thiết đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này, đặc biệt cho Cơ quan Pháp quy hạt nhân.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Trần Đại Phúc cũng bày tỏ mong muốn được tặng lại cho Bộ Khoa học và Công nghệ một thư viện nhỏ với khoảng 2.000 cuốn sách mà Tiến sỹ đã thu thập được trong quá trình hoạt động nghiên cứu khoa học của mình./.
Theo: (TTXVN/Vietnam+)