PGS. TS Đàm Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực “Sẽ chuyển đổi sang hình thức đào tạo theo tín chỉ”

Thứ sáu, 9/10/2009 | 15:21 GMT+7

Nhân dịp bước vào năm học mới 2009-2010 - được coi là năm bản lề với những thay đổi về mọi mặt của Trường Đại học Điện lực, TCĐL có cuộc trao đổi với PGS. TS Đàm Xuân Hiệp - Hiệu trưởng nhà trường.

PV: Xin ông cho biết những đánh giá tổng kết về kỳ tuyển sinh năm nay?

Ông Đàm Xuân Hiệp: Năm nay, Trường Đại học Điện lực có gần 8.000 thí sinh đăng ký dự thi. Chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 1000 sinh viên cho 12 chuyên ngành khác nhau. Quá trình coi thi, chấm thi, xét tuyển nguyện vọng 2, công tác thanh tra và chấm phúc khảo đã diễn ra suôn sẻ.

Khác với 3 khóa trước, điểm chuẩn vào trường năm nay thay đổi tùy theo ngành, nhưng điểm chênh lệch giữa các ngành không cao (chênh nhiều là 1 điểm và ít là 0.5 điểm). Cụ thể: 3 ngành có điểm chuẩn 17 là Hệ thống điện, Quản lý năng lượng và Điện tử viễn thông. 4 ngành có điểm chuẩn 16.5 là Nhiệt điện, Điện dân dụng và Công nghiệp, Tự động hóa và Công nghệ thông tin. Các ngành còn lại điểm chuẩn là 16. Trường vừa tổ chức lễ nhập học cho sinh viên mới và đang đón nhận các sinh viên đỗ nguyện vọng 2.

PV: Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực để cung cấp cho ngành Điện nói riêng và xã hội nói chung, trong năm học mới này, nhà trường có những thay đổi gì trong công tác giáo dục – đào tạo?

Ông Đàm Xuân Hiệp: Từ năm 2008, trường đã mở thêm một số ngành như: Tài chính ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh…, một số ngành mới chuyển lên đào tạo ở bậc đại học như: Công nghiệp cơ khí, Công nghiệp cơ điện tử… Với những ngành này, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo (chương trình khung và chương trình chi tiết), cơ sở vật chất (phòng học, thiết bị thí nghiệm cũng như thiết bị thực hành) đã được chúng tôi chuẩn bị kĩ lưỡng để đáp ứng nhu cầu giáo dục hiện đại.

Năm học mới này, công tác đào tạo nhà trường tập trung cho 2 việc: Thứ nhất là công tác đánh giá đào tạo bao gồm cả đánh giá quá trình dạy lẫn đánh giá quá trình học, đặc biệt đối với hệ chính quy. Thứ hai là chuyển đổi sang hình thức đào tạo theo tín chỉ. Với cách đào tạo này, sinh viên phải tự lập kế hoạch học tập toàn khóa và từng học kỳ cho phù hợp với năng lực và điều kiện cụ thể của bản thân.

Ngoài ra, nhà trường còn chú trọng liên kết đào tạo quốc tế. Những năm qua, trường Đại học Điện lực đã liên kết, hợp tác với Trường Đại học Chisholm (Australia), và năm nay sẽ là ĐH KHKT Quế Lâm (Trung Quốc) qua hình thức du học tại chỗ với các chuyên ngành: Cơ, Điện, Điện tử viễn thông, Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Điều khiển học, Kinh tế quản lý, Luật…

Để phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế về đào tạo, trường đang chuẩn bị thực hiện chủ trương chuẩn hóa khâu đào tạo tiếng Anh bằng cách qui định mức điểm bắt buộc tối thiểu cho sinh viên khi tốt nghiệp. Đối với giảng viên, trước mắt trường khuyến khích cộng điểm cho các giảng viên mới tuyển nếu đăng ký giảng bằng tiếng Anh. Trong một vài năm tới, có thể tiêu chuẩn bắt buộc là giảng viên phải giảng dạy được chuyên môn bằng tiếng Anh. Đây là mục tiêu khó, nhưng có thể sớm thực hiện được nếu có cơ chế phù hợp.

PV: Cùng với những đổi mới về phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đầu tư như thế nào về cơ sở vật chất – kĩ thuật trong năm học mới này?

Ông Đàm Xuân Hiệp: Cơ sở vật chất kĩ thuật là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả dạy và học. Hiện, trường có một thư viện với trên 5.000 đầu sách. Nhà trường cũng đang được Tập đoàn đầu tư một thư viện điện tử với kinh phí giai đoạn 1 là 19 tỷ đồng.

Hệ thống phòng thí nghiệm của Trường được trang bị gồm 25 phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ cho các chuyên ngành như hệ thống điện, nhiệt điện, thuỷ điện…Trường có một phân xưởng thực hành cơ khí với đầy đủ các thiết bị, máy móc để tiến hành hướng dẫn sinh viên thao tác, thực hành… Bên cạnh đó, trường còn đầu tư một bãi thực tập đường dây và trạm biến áp có diện tích 20.000m2 với đầy đủ các cấp đường dây từ 0,4 kV đến 500 kV, một tuyến cáp ngầm trung áp với hầm cáp, phễu cáp. Sinh viên sẽ được thực tập các công việc lắp đặt, vận hành, sửa chữa đường dây, kể cả sửa chữa đường dây nóng với cấp điện áp 22 kV, vận hành sửa chữa cáp ngầm, sửa chữa thiết bị đường dây trung, hạ áp và cao áp. Đặc biệt, sinh viên còn được thực hành trên các thiết bị để lau chùi, rửa sứ cách điện trên đường dây 500 kV.

PV: Bên cạnh các hoạt động giáo dục – đào tạo, những hoạt động ngoại khóa, văn hóa - thể thao cũng là một trong những điểm thu hút sinh viên và tạo nên “bản sắc” của Trường. Xin ông cho biết rõ hơn về công tác này?

Ông Đàm Xuân Hiệp: Gắn học và hành, kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học và các hoạt động ngoại khoá, văn hoá - thể thao luôn là tinh thần xuyên suốt quá trình hoạt động của nhà trường, đặc biệt trong bối cảnh ngành Giáo dục đang có sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ. Đó là cách để Trường giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo, cũng là từng bước khẳng định thương hiệu và uy tín.

Từ năm nay, Trường sẽ nghiên cứu thí điểm gửi các giảng viên trẻ mới về Trường đi học tập thực tế tại các nhà máy hoặc các công ty điện lực. Sắp tới, Trường sẽ tổ chức những buổi giao lưu giữa sinh viên với các công ty điện lực và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện, nhằm xây dựng kênh đối thoại giữa sinh viên và nhà tuyển dụng, tạo cơ hội việc làm, tư vấn định hướng nghề nghiệp cho sinh viên.

Các hoạt động văn hóa – văn nghệ - thể thao luôn được nhà trường khuyến khích. Vào các dịp sinh hoạt truyền thống hoặc những ngày lễ lớn của đất nước, Trường thường tổ chức các cuộc thi văn nghệ, thể thao, phát động thi đua dạy tốt, học tốt. Để các hoạt động này có hiệu quả hơn, nhà trường luôn chú trọng sự kết hợp đồng bộ của các đơn vị và các tổ chức trong Trường như: Phòng sinh viên, Đoàn Thanh niên, Công đoàn… nhằm tạo cho sinh viên một môi trường học tập tốt nhất, không chỉ được trang bị những kiến thức chuyên môn mà còn có thể phát triển toàn diện và tăng cường tình đoàn kết giữa các sinh viên trong Trường.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo: Tạp chí Điện lực