Công ty Thuỷ điện Ialy: Thành công nhờ có chiến lược đào tạo đúng đắn

Thứ hai, 14/9/2009 | 08:53 GMT+7

Vào Tây Nguyên công tác, tôi có dịp đến Thuỷ điện Ialy, được chứng kiến sự kỳ vĩ của những công trình thuỷ điện, mới thấy hết được công sức và tinh thần lao động sáng tạo của những người thợ điện, trong đó nổi bật là những đề xuất, định hướng có tầm chiến lược của CBCNV nơi đây.

Công ty Thủy điện Yali tổ chức đào tạo điều độ hệ thống điện cho đội ngũ kỹ thuật vận hành. Ảnh: Nguyễn Đừng

Mặc dù đã hẹn trước, nhưng khi gặp tôi trong phòng khách của Nhà điều hành Công ty, Giám đốc Tạ Văn Luận có vẻ như rất vội, chỉ tiếp chúng tôi được khoảng 30 phút rồi cáo lỗi do có việc đột xuất phải xuống công trình thuỷ điện Pleikrông. Nửa giờ đồng hồ vừa nghe, vừa quan sát vị “tổng chỉ huy” các công trình thuỷ điện ở Tây Nguyên, tôi có cảm nhận, ông là hiện thân của một Ban Lãnh đạo biết lắng nghe, cẩn trọng trong từng lời nói, việc làm; biết phát huy được sức mạnh trí tuệ của tập thể; có tính quyết định cao, tầm nhìn chiến lược, không chỉ phục vụ nhiệm vụ trước mắt, mà nó còn đem lại hiệu quả vô cùng lớn.

Ai đã từng quan tâm đến công trình Thuỷ điện Ialy, chắc không thể không biết, nơi đây đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong phong trào sáng kiến cải tiến, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn và nhiều sáng kiến được công nhận là những đề tài khoa học đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Nổi bật là việc sửa chữa, đại tu, nâng cấp, thay thế thành công thiết bị các tổ máy phát điện, để Nhà máy Thuỷ điện Ialy vận hành liên tục, cung cấp một sản lượng điện không nhỏ cho hệ thống điện quốc gia. Những thành tích đó đã được Đảng, Nhà nước, Bộ, Ngành và địa phương ghi nhận, đánh giá cao với nhiều Huân chương, Cờ thi đua, Bằng khen…

Khi những ồn ào về thành công lắng dịu với thời gian, thì cũng là lúc Lãnh đạo Công ty xác định: Trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên có nhiều sông, suối lớn, rất có điều kiện khai thác và phát triển các công trình thuỷ điện. Riêng trên bậc thang sông Sê San có tới 06 dự án thuỷ điện tầm cỡ, gồm: Ialy, San 3, Pleikrông, San 3A, San 4 và thủy điện thượng Kon Tum. Để quản lý, vận hành tốt các nhà máy, cần phải có một lực lượng giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm để quản lý, vận hành. Nắm bắt nhu cầu đó, lãnh đạo doanh nghiệp đã tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và xem đây là công cụ then chốt để chuẩn bị cho chiến lược mở rộng phạm vi hoạt động của mình.

Từ suy nghĩ đó, Ban lãnh đạo Công ty đã tiến hành đồng loạt các biện pháp đào tạo nguồn nhân lực dưới nhiều hình thức. Từ đào tạo tại chỗ đến việc gửi đi đào tạo tại các trường đại học, trung tâm có uy tín; đào tạo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; đào tạo đa lĩnh vực, từ khoa học kỹ thuật đến quản lý điều hành, kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử. Đối tượng đào tạo từ công nhân kỹ thuật đến các chức danh cấp tổ, cán bộ quản lý phòng ban phân xưởng đến Lãnh đạo Công ty… Đặc biệt, với chính sách đào tạo tại chỗ, thông qua công tác đại tu, cải tạo, sửa chữa nâng cấp hệ thống thiết bị, CBCNV của Công ty không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ sửa chữa các tổ máy của Thuỷ điện Ialy, mà còn làm chủ được dây chuyền công nghệ, đảm nhiệm cả phần thí nghiệm, hiệu chỉnh của hai Nhà máy Thuỷ điện Sê San 3 và Pleikrông, rút ngắn thời gian sửa chữa, không cần phải thuê chuyên gia, tiết kiệm cho Nhà nước nhiều tỷ đồng.

 Nhờ chiến lược đào tạo đúng đắn mà đến nay, Thuỷ điện Ialy có được một nguồn nhân lực mạnh với 2 thạc sỹ chuyên ngành về điện; 05 người đang theo học thạc sỹ về điện, quản trị kinh doanh và tài chính kế toán; 100 kỹ sư có trình độ đại học; 37 cao đẳng và 192 trung cấp. Với nguồn lực như vậy, nên nếu như trước đây, chỉ quản lý một nhà máy (Thuỷ điện Ialy công suất 720 MW) đã khá vất vả, thì giờ đây cũng vẫn số lượng CBCNV ấy, Công ty đã quản lý tốt cả 03 Nhà máy Ialy, Sê San 3 và Pleikrông với tổng công suất lên đến 1.080 MW, sản lượng điện bình quân hơn 5 tỷ 310 triệu kWh/năm. Đồng thời, mở rộng phạm vi, lĩnh vực hoạt động để khai thác tối ưu nguồn lực của mình, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, tư vấn giám sát, sửa chữa, thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị. Tiêu biểu cho việc mở rộng phạm vi hoạt động của Thuỷ điện Ialy chính là việc đảm nhận đào tạo kỹ năng vận hành, sửa chữa cho kỹ sư, công nhân các Thủy điện A Vương, Sông Tranh (Quảng Nam), Sê San 3A, Sê San 4, Đăksrông (Gia Lai) và cho cả công trình thủy điện Sơn La. Mới đây còn ký hợp đồng đào tạo giúp lực lượng quản lý, vận hành thủy điện Xekaman thuộc Công ty TNHH Điện Xekaman 3 nằm trên nước bạn Lào. Ngoài đào tạo, Công ty Thuỷ điện Ialy còn thực hiện công tác tư vấn giám sát, lắp đặt thiết bị thủy điện Sê San 4; thí nghiệm cao thế máy phát các Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, thủy điện sông Ba Hạ; sửa chữa lớn 02 tổ máy thủy điện Sê San 3A… Những hoạt động này, bên cạnh việc tạo ra doanh thu, nâng cao thu nhập cho người lao động, thì mặt khác, Lãnh đạo Công ty đã giải quyết được vấn đề rất “nhạy cảm và phức tạp” là tăng năng suất lao động bằng hình thức tìm kiếm việc làm mới cho CBCNV, thay vì phải cắt giảm nhân sự.  

Có lẽ giờ đây, không còn ai có thể nghi ngờ về tính hiệu quả của các dự án thủy điện trên dòng sông Sê San. Bởi tính đến ngày 25/8/2009, Thủy điện Ialy và Sê san 3 đã cung cấp cho toàn hệ thống gần 34 tỷ kWh điện. Vẫn biết, sự nghiệp là của tập thể, khởi nguồn sáng tạo là công sức của nhiều thế hệ CBCNV, nhưng nếu không biết kế thừa, phát triển thành một định hướng đúng, một quyết định có tính chiến lược của người đứng đầu doanh nghiệp thì sẽ không có thành công hôm nay.

 Sông Sê San hay nhiều dòng sông khác khu vực miền Trung, Tây Nguyên rồi đây sẽ còn mọc lên nhiều nhà máy thuỷ điện khác, nhưng để chế ngự và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên hữu ích này, sẽ cần tới nhiều khối óc, bàn tay của những người thợ điện. Và Công ty Thuỷ điện Ialy đã thành công trong chiến lược đào tạo con người - một nguồn lực sẽ góp phần làm bừng sáng cuộc sống của bà con các dân tộc, làm thay đổi bộ mặt Tây Nguyên trong tương lai không xa. 

Nguyễn Đừng