Toạ đàm “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam” do Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức ngày 12/12/2023 tại Hà Nội nhằm đánh giá những kết quả đạt được giữa kỳ của dự án.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương - cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động liên quan đến lĩnh vực hiệu quả năng lượng, năm 2023, Dự án đã lựa chọn 10 doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng để thực hiện kiểm toán năng lượng dưới sự giám sát của các chuyên gia năng lượng Hàn Quốc. Các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau như sản xuất giấy, sản xuất thép; sản xuất sợi, sản xuất điện… được lựa chọn tham gia dự án. Kết quả, hàng chục giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được đề xuất cho mỗi doanh nghiệp. Theo tính toán, nếu áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng đề xuất, doanh nghiệp có thể tiết giảm chi phí lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ông Lê Việt Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – đại diện cơ quan quản lý chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động liên quan đến lĩnh vực tăng trưởng xanh thông tin, có 10 địa phương đã được lựa chọn tham gia dự án bao gồm: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Bình Phước, Tiền Giang. Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, Dự án đã ghi nhận những kết quả như: Xây dựng Báo cáo kĩ thuật Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 cho 10 tỉnh, hỗ trợ địa phương phê duyệt Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đúng thời hạn tháng 7/2023. Dự án cũng đã tập huấn tăng trưởng xanh cho 300 cán bộ quản lý nhà nước cấp tỉnh.
Việc huy động nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực; nguồn lực từ các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đã ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong đầu tư xanh – đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và môi trường. Tuy nhiên, dù với đà tăng trưởng mạnh mẽ và những bước tiến đáng ghi nhận, nền kinh tế xanh của Việt Nam vẫn còn đang trong thời kì sơ khai, và còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi và biến động khó lường.
Ông Lê Việt Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, "việc thực hiện tăng trưởng xanh trong thời gian tới đòi hỏi sự chung tay, góp sức, nỗ lực hơn nữa của toàn bộ bộ máy chính trị, đặc biệt là các địa phương trong việc thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược tăng trưởng xanh. Để thực hiện tăng trưởng xanh hiệu quả ở cấp địa phương, cần có lộ trình phù hợp dựa trên điều kiện thực tiễn cũng như năng lực của từng địa phương".
Theo ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, bên cạnh nỗ lực của Chính Phủ Việt Nam và các tổ chức, cá nhân trong nước, Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang nhận được hỗ trợ từ nhiều quốc gia và các tổ chức phi chính phủ, trong đó có dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Với 5 hợp phần của dự án được triển khai - từ việc lập dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng; Hỗ trợ thực thi quy định định mức tiêu hao năng lượng và hướng dẫn kỹ thuật về tăng trưởng xanh; Nâng cao năng lực liên quan tới đầu tư tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; Khảo sát, nghiên cứu và xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh; & Phổ biến tuyên truyền về các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của các tỉnh, các bên liên quan - ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương tin tưởng vào các kết qủa tích cực sẽ đạt được của dự án.
“Bộ Công Thương đánh giá cao những hoạt động và đóng góp trong thời gian qua của Dự án cho mục tiêu giảm cường độ sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam. Bộ Công Thương cũng kỳ vọng, trong các năm tới, Dự án sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động theo kế hoạch, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, đầu tư và ứng dụng công nghệ hiện đại trong ngành công nghiệp, hướng tới sản xuất xanh, phát triển bền vững".
Ghi nhận các kết quả đạt được thời gian qua dự án từ thực tế triển khai của các bộ, ngành, địa phương, ông Lee Byung Hwa - Giám đốc quốc gia Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam cũng nhấn mạnh nhiều hợp phần khác như phát triển chương trình đào tạo dành cho quản lý năng lượng và kiểm toán năng lượng, phát triển hệ số chuẩn về sử dụng năng lượng theo từng ngành cũng đang được tiến hành và có hiệu quả, và cho rằng, "Với mục tiêu quốc gia mang tính thách thức như trung hòa các bon vào năm 2050 và trở thành quốc gia có thu nhập cao, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với sự thay đổi về việc tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu và biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc. Để Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu mang tính thời đại này và không bị lung lay trước dòng chảy thay đổi, KOICA sẽ hỗ trợ và hợp tác trên nhiều phương diện, trong đó bao gồm cả dự án này".
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp được nhấn mạnh sẽ góp phần quan trọng, mang tính quyết định trong việc giảm được khoảng 268,5 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030 mà Chính phủ giao cho Bộ Công Thương (tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon) cũng như hiện thực hoá mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030 đặt ra tại Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP3) giai đoạn 2019 - 2030.