Nhà máy Điện gió Bạc Liêu được xây dựng trên diện tích rộng trên 100ha, công suất 99MW, sản xuất khoảng 320 triệu kW/năm. Ảnh: TTXVN
Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), Việt Nam chính thức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), khẳng định nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng sạch, hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0 và phát triển bền vững.
Chung tay hành động ứng phó với biến đổi khí hậu
Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) đã được Việt Nam và các thành viên Nhóm các đối tác quốc tế thông qua trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU tại thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ tháng 12/2022.
Thông qua JETP, các đối tác quốc tế giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng; thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nâng cấp hạ tầng lưới điện; phát triển các kỹ năng và năng lực cần thiết đối với chuyển đổi công bằng thông qua giáo dục và đào tạo nghề; tăng cường tham gia của khu vực tư nhân; phát triển trung tâm năng lượng tái tạo và hình thành ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; thúc đẩy lưu trữ, cất trữ và sử dụng carbon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện gió ngoài khơi.
Để thực hiện Tuyên bố JETP, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện chính sách với nhiều hành động quyết liệt. Ngày 31/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai JETP. Theo nội dung Tuyên bố JETP, phía Việt Nam cần phối hợp với các đối tác quốc tế xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Thư ký thực hiện JETP do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban là Thứ trưởng các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính và thành viên gồm đại diện các bộ, ngành có liên quan. Ban Thư ký JETP đã thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai thực hiện Tuyên bố JETP, đặc biệt là việc xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP. Kế hoạch đề ra lộ trình nhằm đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng, các nguyên tắc, tiêu chí ưu tiên lựa chọn dự án và huy động nguồn tài chính cần thiết để thực hiện JETP.
Chung tay hành đồng ứng phó với biến đổi khí hậu cùng cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính. Năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; thúc đẩy hợp tác với các nước, các tổ chức, định chế tài chính quốc tế và khu vực tư nhân để vận động hỗ trợ thực hiện cam kết tại COP26, các chương trình hợp tác song phương và đa phương, hỗ trợ khối doanh nghiệp phát triển công nghệ ít phát thải.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã tổ chức quán triệt các cam kết tại Hội nghị COP26, tăng cường năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ và tuyên truyền đến các doanh nghiệp, nhân dân; tổ chức triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn thuộc đối tượng phải kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh; rà soát, cập nhật danh mục cơ sở trên địa bàn.
Nhiều địa phương đã thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp; kêu gọi đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió trên địa bàn. Các địa phương có biển đã tiến hành giao các khu vực biển để thực hiện các dự án điện gió gần bờ theo thẩm quyền như Cà Mau: 8 dự án; Bạc Liêu: 3 dự án; Trà Vinh: 5 dự án; Sóc Trăng: 3 dự án; Bến Tre: 4 dự án; Tiền Giang: 1 dự án…, đồng thời xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn quản lý.
Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)… đã rà soát, đề xuất sửa đổi văn quy phạm pháp luật và cập nhật, bổ sung cơ chế chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực phù hợp với cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; xây dựng hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính cho cơ sở; áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan trong các hoạt động; xây dựng mô hình phát triển ngân hàng xanh. Nhiều doanh nghiệp đầu tư, cải tiến công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; triển khai các giải pháp thu hồi và lưu giữ carbon, đầu tư hệ thống thu hồi khí CO2…
Hỗ trợ mục tiêu cam kết giảm phát thải khí nhà kính
Theo Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam xác định áp dụng thị trường carbon tuân thủ nhằm hỗ trợ mục tiêu cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chế định về tổ chức và phát triển thị trường carbon, trong đó quy định thị trường carbon tuân thủ trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc danh mục được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường carbon trong nước.
Chính phủ đã ban hành lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon tuân thủ trong nước, gồm hai giai đoạn. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế; thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức; quy định nguyên tắc các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trên thị trường cũng như việc tổ chức vận hành thị trường carbon trong nước.
Từ năm 2028, sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức sẽ tổ chức vận hành; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon các nước trong khu vực và thị trường carbon thế giới.
Cụ thể hóa quy định, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, trong đó đề ra các nhiệm vụ cụ thể cho các giai đoạn 2023 - 2024, 2025 - 2027 và từ năm 2028 trở đi, phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan và doanh nghiệp từ hoàn thiện pháp lý, hạ tầng, nhân lực, tổ chức vận hành...
Trên thực tế, từ giữa những năm 2000, các doanh nghiệp của Việt Nam đã trao đổi tín chỉ carbon từ Việt Nam trên thị trường carbon tự nguyện thế giới, thông qua Cơ chế phát triển sạch (CDM) từ năm 2006; Cơ chế Tiêu chuẩn vàng (GS), Cơ chế Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS) từ năm 2008; Cơ chế tín chỉ chung với Nhật Bản (JCM) từ năm 2013… Việt Nam đã có 150 dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và đã có trao đổi trên thị trường thế giới.
Hiện nay, các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hướng dẫn các cơ sở (doanh nghiệp) xác định mức phát thải khí nhà kính trong hoạt động của doanh nghiệp để làm căn cứ cho việc xác định phạm vi và phân bổ hạn ngạch. Bước đầu, sẽ thí điểm thị trường carbon tuân thủ cho một số lĩnh vực sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch như nhiệt điện, sản xuất thép, xi măng.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính cần tuân thủ quy tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt và khả năng tương ứng của mỗi quốc gia, theo Công ước và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam kêu gọi việc xây dựng lộ trình cụ thể đảm bảo cân bằng giữa tài chính cho thích ứng, giảm nhẹ và tăng gấp đôi tài chính cho thích ứng với khí nhà kính vào năm 2025; tăng cường cam kết của các quốc gia phát triển thông qua cung cấp tài chính khí hậu. Bên cạnh đó, các quyết định COP28 liên quan tới kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu lần thứ nhất cần tăng mức mục tiêu tham vọng của tất cả các trụ cột trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris.
Có thể thấy, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ và đang tích cực triển khai các hành động khí hậu, kêu gọi các nước phải thực hiện các cam kết bằng những hành động cụ thể để đóng góp vào nỗ lực chung của toàn cầu. Tại Hội nghị COP 28, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, khoảng cách giữa cam kết và hành động khí hậu vẫn còn xa. Sự cạnh tranh, chia rẽ, phân tách, chiến tranh, xung đột, dịch bệnh càng làm phân tán nguồn lực cho biến đổi khí hậu. Sau 14 năm, chúng ta vẫn chưa đạt được cam kết 100 tỷ USD mỗi năm cho các hành động về biến đổi khí hậu. “Vì vậy, việc đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện là chìa khóa để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Việc tham dự COP28 là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris. Việt Nam tích cực tham gia xây dựng các quyết định và hoạt động của Hội nghị COP28, bảo đảm nguyên tắc công bằng, công lý trong ứng phó với biến đổi khí hậu và lợi ích của các nước đang phát triển trên cơ sở hài hòa với quyền lợi của các quốc gia khác, nhất là với các quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam.
Link gốc