Triển lãm điện hạt nhân.
Theo đó, phát triển ĐHN dựa trên công nghệ hiện đại, đã được kiểm chứng và theo một chương trình dài hạn để tiến đến hình thành ngành công nghiệp ĐHN Việt Nam; phải bảo đảm an toàn cho con người và môi trường; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ ĐHN; huy động hợp lý các nguồn lực xã hội để bảo đảm thành công của chương trình phát triển ĐHN.
Quyết định đã thể hiện rõ các chính sách nhằm phát triển ĐHN. Cụ thể, về chính sách đầu tư: giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư 4 tổ máy đầu tiên của Dự án ĐHN Ninh Thuận. Xem xét giao các tập đoàn kinh tế nhà nước có đủ tiềm lực và kinh nghiệm để đầu tư hoặc liên doanh đầu tư các tổ máy ĐHN tiếp theo. Lựa chọn công nghệ hiện đại, an toàn và được kiểm chứng, bảo đảm hiệu quả kinh tế, thuận lợi trong vận hành, bảo trì, sửa chữa, đào tạo nhân lực, quản lý, tiến tới nội địa hoá thiết bị. Giai đoạn đầu sẽ lựa chọn tổ máy với công suất khoảng 1.000 MW. Giai đoạn sau năm 2025, xem xét công suất tổ máy lớn hơn.
Bộ Công Thương được phân công theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng các dự án nhà máy ĐHN theo định hướng. Nắm bắt kịp thời tình hình thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển các nhà máy ĐHN và những vấn đề mới phát sinh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh, bổ sung định hướng quy hoạch phát triển ĐHN ở Việt Nam cho phù hợp. Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình nội địa hoá trong xây dựng, thiết kế và chế tạo thiết bị nhà máy ĐHN. |
Cũng theo quyết định, đến năm 2030, nhiên liệu của các nhà máy ĐHN Việt Nam sẽ được nhập khẩu. Các chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình sinh ra từ các nhà máy ĐHN được lưu trữ tạm thời tại kho chứa của nhà máy để sau này được chuyển đến lưu trữ lâu dài tại bãi chứa chất thải quốc gia. Chất thải phóng xạ hoạt độ cao, chủ yếu là nhiên liệu đã cháy, được lưu trữ tạm thời tại nhà máy ĐHN, dưới hình thức lưu trữ ướt tại các bể ngâm trong nhà máy ĐHN. Việc nội địa hoá chế tạo thiết bị cho nhà máy ĐHN được tiến hành từng bước theo Chương trình nội địa hoá được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Liên quan đến chính sách về quan hệ quốc tế trong phát triển ĐHN, Thủ tướng Chính phủ khẳng định chủ trương sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, nghiên cứu tham gia các công ước và điều ước quốc tế liên quan đến phát triển nhà máy ĐHN phù hợp với xu thế chung của thế giới. Đẩy mạnh hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ASEAN và một số nước thuộc tổ chức Hợp tác vùng (RCA), tích cực tham gia các hoạt động trong tổ chức Diễn đàn Hợp tác hạt nhân châu Á (FNCA). Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm và tiềm lực mạnh trong lĩnh vực ĐHN.
Để hiện thực hóa chủ trương chính sách phát triển ĐHN, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành Đề án “Cơ chế, chính sách đặc thù đối với Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận”, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2015; trong đó báo cáo kinh nghiệm của các nước có nhà máy ĐHN, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng chịu ảnh hưởng của dự án trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN.
Theo: Báo Công thương