Quản lý năng lượng

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận: Nhân lực tốt, dự án mới hiệu quả

Thứ sáu, 20/3/2015 | 09:05 GMT+7
Để nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam có thể vận hành trong tương lai gần thì công tác chuẩn bị nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng, đây là khâu quyết định sự thành công cho nhà máy. 


Ảnh minh họa.
 
Với quyết tâm cao, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực phục vụ dự án này. Để hiểu rõ hơn công tác chuẩn bị nguồn nhân lực, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Doãn Phác, Chuyên viên cao cấp Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử.
 
- Đề nghị ông cho biết, có phải kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận có sự thay đổi hay không? Nếu đúng thì lý do có thể là gì và đâu là thách thức lớn nhất trong việc thực hiện dự án này?
 
- Đúng là kế hoạch khởi công nhà máy điện hạt nhân có chút thay đổi, theo tôi là do hai nguyên nhân: Thứ nhất là, công tác chuẩn bị chưa đáp ứng được yêu cầu về hiệu quả kinh tế cũng như cơ sở hạ tầng cho điện hạt nhân phát triển. Thứ hai là, quy hoạch năng lượng có sự điều chỉnh. Như chúng ta đã biết, hiện nay Chính phủ đang giao cho Bộ Công thương Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030. Trong quy hoạch đã chỉ rõ là đến năm 2030 nguồn điện hạt nhân có công suất 10.700 MW, sản xuất khoảng 70,5 tỷ kWh (chiếm 10,1% sản lượng điện sản xuất). Điều này cho thấy, dù quy hoạch được điều chỉnh thế nào thì Việt Nam vẫn thực hiện dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận. 
 
Tất nhiên, với một dự án lớn như dự án điện hạt nhân thì thách thức cũng nhiều. Thách thức ở đây cần hiều theo nghĩa rộng, vì đầu tư được hiểu không chỉ là đầu tư thiết bị, máy móc cho nhà máy mà còn là đầu tư về cơ sở hạ tầng. Thách thức lớn nhất, mang ý nghĩa quyết định liên quan đến nguồn nhân lực, gồm nhân lực quản lý, nhân lực KH&CN, không chỉ là nhân lực trực tiếp ở nhà máy mà còn ở các cơ quan quản lý, giáo dục - đào tạo... Nếu chúng ta chuẩn bị tốt nguồn nhân lực thì khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí sẽ thấp; nếu nguồn nhân lực không tốt thì dự án sẽ có chi phí lớn hơn và và tiến độ dự án sẽ không được bảo đảm. Nhân lực đi thuê rất tốn kém, mà có thuê thì cũng khó đủ nguồn cung cho một dự án lớn như vậy. Bởi thế, tôi nghĩ rằng, chỉ khi nào chúng ta chủ động được nguồn nhân lực tốt thì dự án mới thực sự tạo hiệu quả. 
 
- Công tác đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân đã đáp ứng đủ so với nhu cầu chưa, thưa ông? Mất khoảng bao nhiêu thời gian để hoàn thành việc này?
 
- Khái niệm "đủ" ở đây gắn liền với dự án, mà dự án này có sự điều chỉnh, bởi thế tôi nghĩ, rất khó nói cụ thể thế nào là đủ. Trong thực tế thì hiện nay, một dự án tại Nga đang đào tạo khoảng 240 người và hai năm nữa thì lứa đầu tiên tốt nghiệp, về nước. Về cơ bản thì phía Nga vẫn cam kết mỗi năm giúp Việt Nam đào tạo khoảng 70 cán bộ, Nhật thì cam kết đào tạo giúp Việt Nam 100 sinh viên phục vụ cho nhà máy điện hạt nhân trong vòng 5 năm. Có thể nói, cho đến nay kế hoạch đào tạo sinh viên đã đi vào nền nếp, một trong những vấn đề cần chú trọng là đào tạo cán bộ quản lý, chuyên gia... Việc đáng quan tâm hiện nay là làm sao thiết lập hệ thống cơ sở đào tạo trong nước một cách bài bản. Đó là việc rất khó khăn và cần nhiều thời gian. 
 
Để vận hành một nhà máy điện hạt nhân cần tới hàng nghìn lao động. Tất nhiên, không nhất thiết tất cả đều phải có trình độ đại học, trên đại học hay thuộc ngành điện hạt nhân. Những lao động trong các lĩnh vực khác như cơ khí, bơm, hóa… thì có thể lấy từ ngành khác sang. 
 
- Trong bối cảnh này, đâu là giải pháp khả thi nhằm tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân cần thiết, thưa ông?
 
- Giải pháp thì đã khá rõ, Thủ tướng Chính phủ đã ký thông qua Đề án đào tạo nguồn nhân lực trong năng lượng nguyên tử, tập trung đào tạo sinh viên. Năm ngoái, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN xây dựng một kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia phục vụ dự án. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định quy định chế độ ưu đãi đối với người học ngành này, có thể trong thời gian tới sẽ mở rộng đối tượng được nhận ưu đãi. Chính sách ưu đãi trong đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân không chỉ dành cho học sinh được gửi đi đào tạo ở nước ngoài, mà còn áp dụng với cả sinh viên trong nước, những sinh viên này có thể được ưu đãi về chỗ ở trong ký túc xá, được học bổng cao nếu có kết quả học tập tốt... Chính sách ưu đãi của Chính phủ không chỉ dành cho đào tạo trình độ đại học, mà còn cho cả đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Chúng tôi rất hy vọng vào nguồn nhân lực từ dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân do Nga hỗ trợ, Bộ KH&CN là chủ đầu tư, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam là cơ quan thực hiện.
 
Hiện chúng ta đang tập trung thu hút nhân lực để đưa đi học tập, đào tạo, nhưng xa hơn, sau khi học xong, điều quan trọng là tạo điều kiện làm việc cho họ cũng như hệ thống cơ sở vật chất đi kèm, ban hành chính sách ưu đãi phù hợp. Đó cũng là vấn đề rất lớn. 
 
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo: Hà Nội mới