|
Phần lòng hồ sông Đà trước đây, sau khi ngăn dòng đã trở thành nơi tập kết nguyên vật liệu, thiết bị máy móc…phục vụ thi công công trình |
Nhưng rồi mảnh đất của những địa danh Sông Mã, Sài Khao, Mường Lát… vốn đã quá nổi tiếng trong bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ tài hoa Quang Dũng vẫn hối thúc chúng tôi mau chóng lên đường.
Quốc lộ 6 nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc giờ đây đã phẳng phiu và dễ đi hơn rất nhiều. Nhưng cũng phải mất gần 9 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới có mặt tại thành phố Sơn La. Xuống xe khi trời tờ mờ sáng, chúng tôi mới cảm nhận được hết cái lạnh của miền sơn cước Tây Bắc.
Đủng đỉnh, thong dong tận hưởng không khí trong lành nơi đây, đúng 8h sáng chúng tôi bắt đầu tập kết tại “đại bản doanh” của BQL dự án TĐSL trên con đường mang tên người anh hùng dân tộc Thái - Lò Văn Giá, vừa để làm “tiền trạm”, vừa để thu xếp lịch trình công tác.
Từ đây vào đến xã Ít Ong, huyện Mường La - nơi đứng chân công trình phải mất đoạn đường trên 30 cây số. Được trực tiếp “mãn nhãn” khung cảnh “heo hút cồn mây” và cảm nhận độ khó của những đoạn đường với một bên là vách đá lởm chởm và một bên là vực sâu hun hút mới thấu hiểu hết những gian khó trong quá trình vận chuyển thiết bị để triển khai công trình này. Trên suốt chặng đường rừng núi chơi vơi vào Ít Ong, anh lái xe dường như không biết đến sự lo lắng của chúng tôi, cứ phóng xe vun vút qua những khúc cua tay áo. Anh bảo đã chạy trên tuyến này 5 năm, từ khi bắt đầu khởi công công trình, nên thuộc từng cung đường trong lòng bàn tay. Câu trấn an của anh ít nhiều cũng khiến chúng tôi an tâm và phấn chấn hơn với chặng đường phía trước.
Lượn qua những đoạn đường cua dốc, qua những mái nhà sàn Thái thưa thớt lúp xúp ven đường, chúng tôi cũng có mặt tại toà nhà điều hành của BQL dự án. Cảm giác nôn nao khó tả cộng với sự tò mò, hồi hộp trước một miền đất lạ khiến chúng tôi mong muốn nhanh chóng được tiếp cận và “chiêm ngưỡng” công trình thuỷ điện hiện đại và lớn nhất Đông Nam Á này.
Tuy nhiên, đúng như lời anh Tuấn đã nhắc, trong những ngày cuối năm chạy đua với tiến độ, không khí tại đây vô cùng gấp gáp, khẩn trương. Cuốn tung những làn bụi mù mịt, từng đoàn xe công tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, của các đơn vị nhà thầu và tư vấn giám sát… hối hả vào ra liên tục như con thoi. Mặc dù đã liên lạc từ trước, nhưng phải chờ đến cuối giờ trưa, chúng tôi mới gặp được anh Nguyễn Đình Thảo – Phó trưởng Ban quản lý dự án Thuỷ điện Sơn La.
Đập thuỷ điện Sơn La nhìn từ phía hạ du
Với tác phong của dân công trường, anh cùng chúng tôi nhanh chóng vào việc. Người đàn ông quê gốc Đường Lâm (Sơn Tây) không đả động nhiều đến chuyện chuyên môn mà chỉ trao đổi đôi câu và “gạch đầu dòng” mấy ý để chuẩn bị cho buổi chiều làm việc. Cởi mở với cánh phóng viên, anh chia sẻ: Tôi bắt đầu theo đuổi “nghiệp” thuỷ điện từ cách đây hơn 20 năm và bám trụ trên này từ khi công trình bắt đầu, một tháng đôi lần mới về thăm vợ con dưới Hà Nội.
Anh cho biết, ngày 15/5/2010, công trình đã chính thức đóng cống dẫn dòng tích nước hồ. Đến ngày 18/11/2010, hồ chứa nước đã tích đến cao độ 188m và đến thời điểm hiện nay đang điều tiết để giữ mực nước theo cao trình thiết kế 190m. Đồng thời, công trình đã hoàn thành lắp đặt toàn bộ buồng xoắn, đường ống áp lực của cả 6 tổ máy và cơ bản hoàn thành công tác khoan phun chống thấm và khoan nước thân đập. Ngoài ra, công tác chuẩn bị vận hành Nhà máy cũng đã được phê duyệt, hiện đang tổ chức đào tạo, sát hạch các trưởng ca cũng như lực lượng kỹ thuật, công nhân vận hành để tiếp quản vận hành Nhà máy…
Rồi chúng tôi cũng được “tận mục sở thị” toàn cảnh công trình. Trong cái phóng khoáng bao la của đất trời Tây Bắc, khung cảnh công trình thuỷ điện và lòng hồ sông Đà hiện lên thật kỳ vĩ, hoành tráng. Những khối đập bê tông hiện lên sừng sững như bức tường thành khổng lồ án ngữ trên dòng sông Đà hung dữ càng khẳng định khả năng trị thuỷ của con người quả là vô tận. Đứng trên “đài quan sát” phía trái hạ du, hình ảnh cờ Tổ quốc, cờ Đảng quyện vào nhau phấp phới bay trong gió lộng như gieo vào lòng chúng tôi niềm tự hào mãnh liệt cùng những dự cảm tốt đẹp mà công trình này sẽ đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của miền Tây Bắc nói riêng và của cả nước nói chung.
Không thể chờ đợi được lâu hơn nữa, chúng tôi đề nghị được xuống tận tầng hầm để cận cảnh “trái tim” của tổ máy I. Do đây là thời điểm chạy đua nước rút, nên những người “không phận sự” như chúng tôi nếu không được phép của chỉ huy công trường thì “miễn vào” và kể cả nếu có xuống được đi nữa thì chụp ảnh cũng “tuyệt đối không”. Tuy nhiên, rất may mắn là khi chúng tôi tha thiết đề nghị, anh Thảo cũng đã “xiêu lòng” ưu tiên các nhà báo. Chỉ chờ có vậy, chúng tôi mau chóng theo chân một cán bộ kỹ thuật bắt đầu hành trình xuống hầm đặt rotor. Men theo hầm cầu thang sâu hun hút, “bản giao hưởng” công trường với tiếng máy hàn, máy cắt, máy khoan vang lên rộn rã. Từng bóng dáng áo xanh của những người thợ lắp máy Lilama, Sông Đà 5, Sông Đà 6… tất bật ẩn hiện dưới ánh đèn điện sáng choang bên rotor máy phát tổ máy II để hiệu chỉnh thiết bị. Một vài góc khác nhấp nhô những chiếc mũ vàng, mũ trắng của đội ngũ giám sát thi công đang chụm đầu bàn bạc với tư vấn giám sát nước ngoài trên từng bản vẽ kỹ thuật.
Trong tiếng ồn ã của máy móc, anh Thảo cho biết: Kỹ sư Việt Nam bây giờ giỏi giang và tiếp thu công nghệ nhanh lắm, trao đổi tiếng Anh “nhoay nhoáy” với tư vấn nước ngoài nên công việc “rất chạy”. Mặc dù toàn bộ phần thiết bị cơ điện như: Máy biến áp, trạm phân phối điện GIS… đều được thiết kế, chế tạo bởi hãng ALSTOM (Pháp) và sản xuất tại Trung Quốc nhưng khi chuyển về chân công trình chỉ cần thao tác hướng dẫn lắp đặt đến đâu là các kỹ sư Việt Nam nắm bắt đến đó và tiếp quản được ngay. Với một lực lượng thi công khổng lồ có lúc lên tới 10 nghìn người, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư Việt Nam tại công trình này chiếm đa số.
Một trong những niềm tự hào tại công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á này là toàn bộ thiết bị cơ khí thuỷ công tại các hạng mục như: Cửa nhận nước thượng lưu, van hạ lưu, cầu trục trung chuyển, cầu trục chân rê hạ lưu, giàn máy… hoàn toàn là thiết bị do Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Công ty Cơ khí Quang Trung… chế tạo. Anh Thảo cho biết: Thiết bị cơ khí thủy công của Việt Nam được lựa chọn cho công trình này không những bởi vì chất lượng hoàn toàn tương đương với thiết bị nước ngoài, mà còn có lợi thế hơn hẳn hàng nước ngoài ở chỗ có thể giám sát được chất lượng, mẫu mã trong quá trình chế tạo và chủ động được linh kiện, chi tiết khi có hỏng hóc xảy ra. Những thiết bị này cũng đã được kiểm chứng là không gặp bất cứ một sự cố nào trong vận hành.
Phát huy những thành công sau khi được sử dụng tại Sơn La, công trình Thủy điện Lai Châu cũng sẽ tiếp tục sử dụng toàn bộ cơ khí thủy công của Việt Nam khi xây dựng.
Trong lĩnh vực tư vấn thiết kế thì “chủ công” cũng là một công ty của Việt Nam (Công ty CP Tư vấn Thiết kế Xây dựng điện I) liên danh với Viện Thiết kế Thuỷ công Matxcova (LB Nga) đảm nhận. Kể cả trong công tác tư vấn giám sát những hạng mục rất quan trọng như phần đập RCC, nhà máy và cửa nhận nước phía thượng lưu… dù là do liên danh nước ngoài như SMEC, Nippon Koei và J Power (Nhật Bản) đảm nhận và chủ trì, nhưng lực lượng trực tiếp điều hành công việc cũng chủ yếu là kỹ sư Việt Nam.
Nói về công nghệ bê tông đầm lăn RCC, GS, TSKH Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam (VNCOLD) kiêm Phó Chủ tịch Hội Đập lớn thế giới (ICOLD) cho biết: Tại công trình Thuỷ điện Sơn La, chúng ta chú trọng áp dụng công nghệ tiên tiến trong tất cả các khâu, nhưng thấy rõ nhất là áp dụng công nghệ bê tông đầm lăn (RCC). Đặc điểm của bê tông này là sử dụng ít xi măng, giúp hạ nhiệt độ bê tông nhanh và đổ được khối lớn. Ngoài ra, công nghệ RCC còn phải dùng các chất phụ gia để đảm bảo cường độ không thua kém bê tông truyền thống, chống nứt nẻ, hạn chế thấm qua các vết nứt nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy được. Do giảm được lượng xi măng nên vừa tiết kiệm được giá thành vừa tăng được tiến độ, bởi Thuỷ điện Sơn La với khối lượng trên 3 triệu m3 bê tông, nếu làm bê tông thường phải “ngốn” mất tới 15 năm thi công mới xong. Sau quá trình chuyển giao, hiện nay đội ngũ nhân công Việt Nam hoàn toàn làm chủ dây chuyền này và tiếp đến sẽ chuyển sang thi công tại công trình Thuỷ điện Lai Châu.
“Có thể khẳng định, kể từ sau công trình Thuỷ điện Hoà Bình với sự giúp đỡ to lớn của đội ngũ chuyên gia Liên Xô, đến nay chúng ta đã và đang triển khai Thuỷ điện Sơn La với tinh thần tự lực tự cường cao nhất. Trong một thời gian ngắn, đội ngũ kỹ sư thiết kế, thi công và anh em công nhân đã hoàn toàn làm chủ, trưởng thành nhanh chóng. Từ lúc mong ước có một nhà máy thuỷ điện đến nay chúng ta có thể xây dựng được những nhà máy thuỷ điện tầm cỡ khu vực và giải quyết những vấn đề kỹ thuật phức tạp” – anh Thảo khẳng định.
TSKH Phạm Hồng Giang chia sẻ thêm: Trong quá trình làm việc với các chuyên gia tư vấn quốc tế trong lĩnh vực thuỷ điện, đặc biệt là những hãng lớn trên thế giới như Colenco (Thuỵ Sỹ), Alstom (Pháp)… thông qua việc trình bày thảo luận những vấn đề kỹ thuật, họ đánh giá rất cao các chuyên gia Việt Nam. Tuy Sơn La là công trình thuỷ điện quy mô lớn, nhưng thực ra chúng ta có đủ khả năng làm chủ công việc và chủ động hoàn toàn trong hợp tác với các chuyên gia quốc tế.
Lên Thuỷ điện Sơn La những ngày chuẩn bị phát điện tổ máy I, thời gian tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại cho chúng tôi những trải nghiệm và cảm xúc mới mẻ về con người, phong cảnh nơi núi rừng Tây Bắc, để trào dâng niềm tự hào về sức mạnh “ngăn sông trị thuỷ”, tinh thần tự lực tự cường làm chủ khoa học công nghệ của người Việt Nam. Càng vui mừng hơn khi chắc chắn rằng sau khi công trình này hoàn thiện và hoà vào lưới điện quốc gia, nỗi lo về nguồn điện năng phục vụ “quốc kế dân sinh” sẽ bớt đi gánh nặng trên vai mỗi người dân Việt Nam. Trong ráng chiều hoàng hôn, chúng tôi lặng lẽ rời công trình mang trong mình suy ngẫm sâu xa về một tương lai mới trên mảnh đất này. Dọc con đường dẫn vào Nhà máy, những chuyến xe “thay ca” vẫn hối hả gấp rút với hành trình cho… những dòng điện sáng.
Nhà máy Thủy điện Sơn La
Dự án đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ số 92/QĐ – TTg ngày 15/1/2004.
Đập bê tông trọng lực thi công theo công nghệ đầm lăn (RCC) có chiều cao lớn nhất 138,1m;
Công suất lắp máy 2400 MW, bao gồm 6 tổ máy
Sản lượng điện bình quân hàng năm 10,2 tỷ kWh;
Dung tích hữu ích 6,50 tỷ m3 và dung tích chống lũ cho hạ du là 4 tỷ m3…
Ngày 17/12/2010, tổ máy I chính thức phát điện và hoà vào lưới điện quốc gia, vượt tiến độ trước 2 năm so với nghị quyết Quốc hội đề ra.
Dự kiến hoàn thành toàn bộ Nhà máy: Năm 2012.
Công trình sẽ góp phần:
- Giảm nhẹ lũ của hệ thống sông Hồng cho hạ du đồng bằng Bắc Bộ;
- Tăng sản lượng của Thuỷ điện Hoà Bình,
- Phát triển kinh tế xã hội Tây Bắc…
|