Sự kiện

Sê San “mùa gặt” đầu tiên

Thứ bảy, 29/1/2011 | 10:21 GMT+7

Qua mấy lần hẹn, cuối cùng Giám đốc Công ty Phát triển Thủy điện Sê San, Đinh Văn Nhẫn cũng nhận lời tiếp tôi tại nhà máy. Vừa gặp, tôi bị phỏng vấn ngược: Anh thấy Sê San bây giờ thế nào? Tất nhiên là khác, không còn những tiếng ồn ào, bụi bặm của công trường thời kỳ xây dựng, mà thay vào đó là một nhà máy thủy điện cỡ lớn đã hiện hữu hoàn chỉnh.

Con đập khổng lồ vắt qua đoạn cuối của sông Sê San, trước khi dòng sông này chảy qua nước bạn Campuchia, che chắn hầu như toàn bộ nhà máy có 3 tổ máy với tổng công suất 360 MW. Ở đấy, ngày đêm đang có những kỹ sư, công nhân kỹ thuật và cả những lao động phổ thông miệt mài như những con ong vàng tận tụy, cần mẫn với công việc để giữ ổn định nguồn điện phục vụ công cuộc phát triển kinh tế đất nước và nhu cầu tiêu dùng của xã hội.

Dù gặp, nhưng chúng tôi cũng không ngồi lâu với nhau được. Với tôi thì không vấn đề gì, nhưng với Đinh Văn Nhẫn thì không thể lãng phí  thời gian do phải điều hành tất thảy mọi công việc cho một nhà máy hoạt động suôn sẻ.

Tôi biết Đinh Văn Nhẫn từ ngày là Phó Ban quản lý dự án thủy điện 4, Trưởng Ban chuẩn bị sản xuất công trình thủy điện Sê San 4, phụ trách kỹ thuật lắp đặt thiết bị của Ban quản lý Dự án Thủy điện 4 - thời kỳ nhà máy này đang xây dựng. Cứ mỗi lần các tổ máy chạy thử, phát điện tôi lại vào với công việc của một nhà báo và đương nhiên lần nào cũng gặp Đinh Văn Nhẫn. Chúng tôi chỉ bắt tay nhau một cái, thay thế mọi thủ tục xã giao rồi việc ai người ấy làm. Hình ảnh lúc ấy của Đinh Văn Nhẫn là cầm chiếc máy bộ đàm chỉ đạo tất cả các bộ phận kỹ thuật sao cho sự phối kết hợp ăn ý nhất, tránh những sai sót khi vận hành thử nghiệm rồi đến vận hành chính thức các tổ máy. Nói thì đơn giản thế thôi, nhưng về kỹ thuật thì sai một ly là đi một dặm. Vì thế, gương mặt của Đinh Văn Nhẫn thời điểm đó luôn luôn căng thẳng, mắt quầng sâu trong suốt mấy tháng trời. Hôm vận hành tổ máy số 3, tôi vẫn nhớ, đến gần 3 giờ chiều mới thấy Đinh Văn Nhẫn ăn bữa trưa tại gian máy bằng mấy cái bánh ngọt. Những giây phút như vậy, tôi tranh thủ hỏi nhưng Đinh Văn Nhẫn chỉ trả lời nhát gừng vài câu rồi lại cầm bộ đàm hét lên trong tiếng ồn ào của máy móc, của sắt thép va chạm vào nhau…

…Bây giờ là Giám đốc của Công ty Phát triển Thủy điện Sê San, tuy không quá căng thẳng như trước đây, nhưng công việc của Đinh Văn Nhẫn vẫn bận rộn. Từ tháng 3/2010, khi cả 3 tổ máy của nhà máy đồng loạt vận hành thì cũng là lúc EVN giao chỉ tiêu, kế hoạch sản lượng điện cho cán bộ, công nhân Công ty Phát triển Thủy điện Sê San. Có thể nói, đây cũng là thời điểm thử thách thực sự đối với mỗi cá nhân, từ người quản lý đến những kỹ sư, công nhân vận hành, sửa chữa… Bởi lẽ, bao giờ cũng thế và không riêng gì Nhà máy thủy điện Sê San 4, mà bất cứ nhà máy thủy điện nào khác, lúc đầu, tính ổn định của máy móc chưa cao, nên đòi hỏi sự tập trung cao độ vào công việc. Đinh Văn Nhẫn - trải lòng: Trong lúc vừa phải ổn định tổ chức, sắp xếp sao cho hợp lý năng lực của từng cá nhân với từng vị trí phù hợp, phát huy cao nhất tính hiệu quả công việc; tập hợp được sự đoàn kết trong nội bộ doanh nghiệp, tranh thủ được sự đồng tình của mỗi cá nhân… thì cũng là lúc phải tiếp tục hiệu chỉnh, sửa chữa những khiếm khuyết của rất nhiều thiết bị trong thời kỳ đầu vận hành nay dần bộc lộ. Quan điểm của người quản lý Công ty Phát triển Thủy điện Sê San là: nếu thị trường coi khách hàng là thượng đế, thì trong doanh nghiệp, cán bộ, công nhân viên là thượng đế, ai làm được việc gì tốt, có hiệu quả, dù rất nhỏ, cũng được ghi nhận.

Có lẽ, vì sự gần gũi này trong quan điểm chỉ đạo cộng thêm lợi thế, Đinh Văn Nhẫn là một giám đốc trẻ, năm nay mới ở tuổi 38, dễ chia sẻ hơn với lực lượng lao động là những kỹ sư, công nhân kỹ thuật… cũng hầu hết còn trẻ, nên sớm tạo ra được sự tập trung trí tuệ của người lao động với công việc chung. Chỉ chưa đầy một năm hoạt động, nhưng Công ty Phát triển Thủy điện Sê San đã có trên 50 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó 20 sáng kiến đã được áp dụng vào thực tiễn, như: sáng kiến cải tạo, thiết kế lại mạch đóng/mở nước chèn trục Tuabin của tập thể phân xưởng vận hành, sáng kiến cải tạo hệ thống cung cấp khí bù của Đinh Ngọc Vinh và Võ Đình Nghĩa, phân xưởng vận hành; cải tạo sơ đồ cung cấp khí nén 70at  của Nguyễn Viết Anh Tuấn và Nguyễn Thái Sơn, phân xưởng vận hành; sửa đổi, lắp đặt đầu ra của các bơm tiêu cạn tổ máy của Trần Đình Thích, phân xưởng vận hành; thay đổi cải tạo chốt vành điều chỉnh cánh hướng của Nguyễn Ngọc Thanh, phân xưởng sửa chữa cơ khí - thủy lực… và rất nhiều sáng kiến của nhiều cá nhân khác…

Những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của tập thể, cá nhân nêu trên, lợi ích mang lại khó có thể tính chính xác bằng tiền, nhưng cụ thể họ đã góp phần cơ bản, quan trọng nhất để giảm đáng kể  sự cố. Thông thường một nhà máy mới, suất sự cố những năm đầu đến 0,5 thì thực tế suất sự cố của Công ty Phát triển Thủy điện Sê San chỉ có 0,016, hệ số khả dụng gần bằng 1, nghĩa là hầu hết các tổ máy được vận hành liên tục nếu điều kiện về cung cấp nguồn nước cho phép. Điều đó tạo ra được sự phấn khởi, tự tin đối với tất cả cán bộ, công nhân viên trong Công ty Phát triển Thủy điện Sê San ngay từ thời gian ban đầu khi đảm nhận công việc và cũng rất thiết thực, họ đã và đang giữ vững, ổn định nguồn điện trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất. 

Trong thực tế, Công ty Phát triển Thủy điện Sê San còn tồn tại một khó khăn khác, đó là vừa hoạt động vừa đào tạo thay đổi nghề nghiệp cho những người lao động mới tiếp nhận từ Ban quản lý dự án thủy điện 4. Đây là công trình thủy điện cuối cùng do EVN làm chủ đầu tư trên tuyến sông Sê San, vì vậy công việc của Ban Quản lý dự án Thủy điện 4 đã giảm bớt rất nhiều. Trong khi đó, hầu hết là những cán bộ, nhân viên có những đóng góp công sức nhất định cho việc xây dựng các công trình thủy điện tại Tây Nguyên, nay có nguyện vọng được tiếp tục cống hiến sức lực của mình tại Công ty Phát triển Thủy điện Sê San. Dù khó khăn cho Công ty Phát triển Thủy điện Sê San trong việc bố trí, sắp xếp công việc nhưng với nguyện vọng chính đáng của người lao động, công ty đã tiếp nhận trên 120 lao động từ Ban Quản lý dự án thủy điện 4 chuyển sang. Hiện nay, tại doanh nghiệp có tổng cộng gần 200 lao động, trong đó có 100 lao động trực tiếp sản xuất mà tập trung chủ yếu tại các bộ phận vận hành, sửa chữa, số còn lại làm gián tiếp tại bộ phận văn phòng, lao động mang tính phổ thông. Chính vì lý do đó nên thu nhập bình quân chung của người lao động tại Công ty Phát triển Thủy điện Sê San không cao bằng một số doanh nghiệp khác hoạt động cùng lĩnh vực, nhưng mọi người vẫn thấy thoải mái vì tất cả đều được bố trí công việc phù hợp và hơn hết họ hiểu về giá trị của sự chia sẻ cho nhau lúc khó khăn trong cuộc sống…

Giám đốc Đinh Văn Nhẫn - cho biết thêm, năm 2010 là năm công ty thiên về đào tạo và huấn luyện tại chỗ bằng hình thức mở các lớp chuyên môn, hướng dẫn các kỹ năng mềm để củng cố và nâng cao thêm trình độ chuyên môn cho cả công tác quản lý và người lao động. Nhưng điều rất đáng tự hào, tuy là một nhà máy vừa mới đi vào hoạt động chưa đầy một năm nhưng công ty được Ban quản lý dự án Thủy điện Sơn La mời tham gia hỗ trợ về công tác thử nghiệm đồng bộ, chạy vận hành giai đoạn đầu tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Sơn la.

…Thật vui lây, khi chưa tròn một năm, nhưng Công ty Phát triển Thủy điện Sê San đã sản xuất được 1 tỷ KWh điện trong điều kiện máy móc, thiết bị an toàn gần như tuyệt đối. Thành quả của “mùa gặt” đầu tiên mà tập thể cán bộ, công nhân viên của Công ty Phát triển Thủy điện Sê San có được thật đáng trân trọng. Tết Tân Mão năm nay chắc chắn sẽ là cái tết đầu tiên những con người đang ngày đêm sản xuất ra dòng điện ở cuối dòng Sê San có những niềm vui, niềm hạnh phúc và cả một niềm tự hào rất riêng. Những khó khăn đời thường vẫn còn đó, nhưng vì sự nghiệp CNH-HĐH đất nước,   họ đang cống hiến hết sức mình. Và từ nơi ấy, dòng điện luôn tỏa sáng…

Theo: CôngThương