Chủ tịch UBQLVNN tại doanh nghiệp phát biểu.
Theo báo cáo của EVNNPT, năm 2020, lưới điện truyền tải còn vận hành đầy tải và quá tải tại một số thời điểm; công tác đầu tư xây dựng vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc kéo dài trong thủ tục chuẩn bị đầu tư, chuyển đổi đất rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng; sản lượng điện truyền tải sụt giảm nhiều so với kế hoạch đã ảnh hưởng lớn đến các chỉ tiêu doanh thu, chi phí và lợi nhuận. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 và các đợt bão lũ dồn dập tại các tỉnh miền Trung trong các tháng cuối năm đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động SXKD và ĐTXD.
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành phát biểu.
Tuy nhiên, cùng tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, sự cố gắng nỗ lực và quyết tâm cao độ của tập thể cán bộ công nhân viên EVNNPT, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của EVN, sự ủng hộ, hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Công thương, Ủy Ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các Bộ ngành, chính quyền địa phương cùng các đối tác, các đơn vị bạn, EVNNPT đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đã được giao.
Năm 2020, EVNNPT đã vận hành hệ thống điện truyền tải an toàn, liên tục, ổn định góp phần cùng EVN đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân, với sản lượng điện truyền tải đạt 203,85 tỷ kWh, đạt 100% KH, tăng 2% so với năm 2019; tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải là 2,23%, tăng 0,08% so với kết quả thực hiện năm 2019. Do nguyên nhân khách quan đem lại, đó là, phương thức vận hành truyền tải cao trên lưới điện 500kV Bắc - Nam từ các nguồn thủy điện khu vực Tây Bắc và miền Trung phát cao trong các tháng cuối năm 2020.
Do lưới truyền tải nhiều nơi chưa đảm bảo đáp ứng tiêu chí N-1, còn một số khu vực vận hành trong tình trạng đầy và quá tải, tình trạng vi phạm hành lang lưới điện truyền tải vẫn diễn ra rất phức tạp và khó lường; sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn năng lượng tái tạo gây nguy cơ ảnh hưởng đến việc đảm bảo vận hành an toàn và ổn định hệ thống điện. Để khắc phục những khó khăn và bất cập trên, EVNNPT và các đơn vị thành viên đã quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý kỹ thuật và vận hành để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các sự cố, khiếm khuyết, hiện tượng bất thường trên lưới điện; công tác sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, thí nghiệm định kỳ đã được triển khai thực hiện ngay từ những tháng cuối năm 2019 để đảm bảo thiết bị vận hành an toàn. Kết quả, năm 2020, lưới điện truyền tải đã được vận hành an toàn, liên tục, ổn định với sản lượng điện không cung cấp được của Tổng công ty chỉ là 0,00114%, thấp hơn so với chỉ tiêu kế hoạch (0,0038%); 8/9 chỉ tiêu suất sự cố thấp hơn so với kế hoạch được giao. Trong năm không để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng lớn đến quá trình cung cấp điện cho phụ tải và gây mất điện trên diện rộng. Các sự cố đã được EVNNPT tập trung xử lý nhanh, khôi phục cấp điện kịp thời với thời gian bình quân xử lý sự cố của EVNNPT trong năm 2020 là 15,68 phút, thấp hơn so với chỉ tiêu kế hoạch (30 phút).
Năm 2020, EVNNPT đã hoàn thành khối lượng đầu tư với giá trị 19.579 tỷ đồng, đạt 105,6% kế hoạch giao; giải ngân đạt 18.528 tỷ đồng, đạt 99,9% kế hoạch. Khối lượng đầu tư thuần 14.388 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch, giải ngân khối lượng đầu tư thuần 13.337 tỷ đồng, đạt 97,3% kế hoạch. Trong bối cảnh các khó khăn vướng mắc đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện công tác ĐTXD của cả nước nói chung, của EVN nói riêng, đặc biệt với ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 thì kết quả thực hiện của EVNNPT đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của EVNNPT và các đơn vị.
Cũng trong năm 2020, EVNNPT đã khởi công 39 dự án (7 dự án 500kV, 32 dự án 220kV), trong đó, có nhiều dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện và đảm bảo cung cấp điện như nâng công suất và lắp máy 2 các Trạm biến áp 500kV Vĩnh Tân, Di Linh, Việt Trì, Nghi Sơn; các Trạm biến áp 220kV Vinh, Phủ Lý, Xuân Mai, Thanh Nghị, Cam Ranh, Phan Rí, Bắc Quang và đường dây đấu nối; đường dây 500kV Chơn Thành - Đức Hòa, đường dây 220kV Lào Cai - Bảo Thắng…; đóng điện được 38 dự án (12 dự án 500kV, 26 dự án 220kV), trong đó, có các dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện BOT, năng lượng tái tạo, thủy điện và các dự án phục vụ đảm bảo cung cấp điện như các dự án: NCS các TBA 500kV Vĩnh Tân, Di Linh, Nho Quan, Nghi Sơn, Chơn Thành; các đường dây nhánh rẽ 220kV sau các TBA 500kV Việt Trì, Tân Uyên; nhánh rẽ 220kV TBA 220kV Lưu Xá; các TBA 220kV Phan Rí, Ninh Phước, Tây Ninh 2; đường dây 220kV Hòa Bình - Hà Đông, Ô Môn - Sóc Trăng…
EVNNPT đã thực hiện tốt công tác nâng cao hiệu quả tài chính và tối ưu hóa chi phí như: Thực hiện tiết kiệm 7,5% chi phí so với định mức đã được giao, tương ứng với tiết kiệm 65 tỷ đồng, đã thực hiện tối ưu hoá dòng tiền, cơ cấu kỳ hạn tối ưu để an toàn, hiệu quả và đảm bảo vốn cho SXKD, tăng nguồn thu lãi tiền gửi từ 264 tỷ năm 2019 lên 288 tỷ trong năm 2020. Đến cuối năm 2020, các chỉ tiêu tài chính cơ bản của EVNNPT đảm bảo đáp ứng các yêu cầu theo quy định với hệ số bảo toàn vốn là 1,002 lần, khả năng thanh toán ngắn hạn là 1,57 lần, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 2,44 lần.
Trong năm 2020, EVNNPT đã thực hiện thủ tục thu xếp vốn vay trong nước cho 52 dự án với tổng giá trị vay là 21.415 tỷ đồng, trong đó, ký Hợp đồng tín dụng cho 14 dự án với tổng số tiền là 5.475 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2020 EVNNPT đã triển khai thành công hình thức vay vốn nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ với khoản vay 50 triệu USD cho Dự án Đường dây 500 kV Đức Hòa - Chơn Thành. Lũy kế 5 năm giai đoạn 2016-2020, EVNNPT đã thu xếp vốn cho các dự án với tổng giá trị là 9.933 tỷ đồng; phê duyệt quyết toán 43 dự án với tổng giá trị quyết toán là 2.429 tỷ đồng, lũy kế giai đoạn 2016 – 2020, phê duyệt quyết toán được 355 dự án với tổng giá trị quyết toán là 60.896 tỷ đồng.
Năm 2020, EVNNPT tiếp tục được Fitch Ratings đánh giá và công bố xếp hạng tín nhiệm của EVNNPT ở mức BB, mức xếp hạng này tương ứng với xếp hạng quốc gia của Việt Nam và xếp hạng của công ty mẹ - EVN. Xếp hạng tín nhiệm độc lập của EVNNPT đạt mức BB+, cao hơn công ty mẹ - EVN và cao hơn so với mức xếp hạng chung. Kết quả này, tạo điều kiện tích cực và chủ động cho EVNNPT trong công tác thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng quốc tế.
Giai đoạn 2016-2020, EVNNPT hoàn thành đưa vào vận hành nhiều dự án công nghệ thông tin quan trọng như xây dựng hệ thống WAN, Data Center, HNTH, Hệ thống an toàn thông tin, Triển khai ISO 27001 về quản lý an ninh thông tin trong công tác quản lý và vận hành trạm biến áp...; ứng dụng phần mềm nghiệp vụ, như: Nâng cấp cổng thông tin điện tử, xây dựng kho dữ liệu dùng chung và cổng thông tin nội bộ, chữ ký điện tử, thư viện tài liệu kỹ thuật, chức năng quản lý vật tư, các ứng dụng phục vụ thi trắc nghiệm văn hóa, phân hệ Chấm công và phân hệ Quản lý hiệu quả công việc theo chỉ số KPIs; phần mềm Quản lý ĐTXD, hệ thống E-office phiên bản 3.0, hệ thống quản lý giám sát từ xa hệ thống truyền dẫn quang. Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và các phần mềm nghiệp vụ luôn ổn định, an toàn, phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành. Hiện, EVNNPT đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghệ thông tin quan trọng để triển khai các ứng dụng, kết nối an toàn thông tin như các dự án GIS, CIM, EAM, BIM.
Trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, EVNNPT đã thực hiện đầu tư 323 công trình lưới điện 220-500kV với giá trị khối lượng thực hiện 93.820 tỷ đồng, đảm bảo truyền tải công suất của các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống.
Với việc tập trung thực hiện đồng bộ mọi giải pháp, tổn thất điện năng của EVNNPT đã giảm 0,16% từ 2,39% năm 2016 xuống 2,23% năm 2020. So với chỉ tiêu kế hoạch giao; chỉ tiêu thời gian bình quân xử lý sự cố giảm từ 42,65 phút năm 2016 xuống còn 15,68 phút năm 2020, tổng sản lượng điện truyền tải không cung cấp được giảm từ 0,0116% năm 2016 xuống còn 0,00114% năm 2020; năng suất lao động theo sản lượng điện truyền tải đến năm 2020 đạt 37,54 triệu kWh/lao động vượt chỉ tiêu được giao trong kế hoạch 5 năm (32,66 triệu kWh/lao động); năng suất lao động SXKD điện tăng trưởng bình quân 14%, đạt cao hơn so với chỉ tiêu được giao trong kế hoạch 5 năm (từ 8-10%/năm); đã hoàn thành chuyển đổi 94 TBA/tổng số 129 TBA 220kV của EVNNPT sang không người trực, đạt tỷ lệ 72,9% số TBA 220kV theo tiêu chí không người trực, vượt chỉ tiêu kế hoạch giao (tới năm 2020 đạt 60% số TBA 220kV đạt theo tiêu chí không người trực).
Năm 2021, EVNNPT tập trung thực hiện mục tiêu tổng quát, toàn diện trên tất cả các mặt công tác về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đã được Tập đoàn và TCT đề ra: Tập trung mọi nỗ lực đảm bảo quản lý vận hành lưới điện truyền tải an toàn, liên tục, ổn định để đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án lưới điện truyền tải theo đúng tiến độ được duyệt; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động; đảm bảo kinh doanh có lợi nhuận, bảo toàn, phát triển vốn; tiếp tục quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức để phát triển bền vững; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy nhanh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của EVNNPT.
Năm 2021, EVNNPT chọn chủ đề năm “Chuyển đổi số trong Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia”, với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh lộ trình ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động của Tổng công ty; Tích hợp công nghệ và mô hình quản trị phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVNNPT nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, với sản lượng điện truyền tải khoảng 213,4 tỷ kWh, tăng 4,7% so với thực hiện năm 2020; tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải 2,23%; không để xẩy ra sự cố do nguyên nhân chủ quan, tất cả các chỉ tiêu suất sự cố thực hiện thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch EVN giao; đầu tư xây dựng: tổng giá trị 17.550 tỷ đồng, trong đó 12.812 tỷ đồng đầu tư thuần; khởi công 44 dự án (7 dự án 500kV, 37 dự án 220kV); hoàn thành và đưa vào vận hành 63 dự án (19 dự án 500kV, 44 dự án 220kV); bảo toàn và phát triển vốn; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh phấn đấu kinh doanh có lợi nhuận theo chỉ tiêu kế hoạch giao; hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả SXKD, tăng năng suất lao động năm 2021 theo kế hoạch giao.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành đã ghi nhận và biểu dương những thành tích nổi bật EVNNPT đã đạt được trong năm 2020, như: Vận hành lưới điện truyền tải đảm bảo an toàn, liên tục và ổn định, không để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng lớn đến cung cấp điện; các chỉ tiêu tài chính đáp ứng yêu cầu quy định; xếp hạng tín nhiệm độc lập đạt mức BB+; thực hiện vượt chỉ tiêu chuyển đổi trạm biến áp theo tiêu chí không người trực; vượt chỉ tiêu năng suất lao động theo sản lượng truyền tải điện.
Chủ tịch Dương Quang Thành nhấn mạnh, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các sự kiện quan trọng của đất nước như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV; là năm cả nước bước vào thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, vì vậy, để đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Chủ tịch Dương Quang Thành yêu cầu EVNNPT phải hoàn thành đúng tiến độ các dự án trọng điểm; tăng cường ứng dụng công nghệ của Cuộc cách mạng 4.0 trong đầu tư xây dựng, trước mắt, thực hiện số hóa các công đoạn thực hiện đầu tư dự án; Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc trực tiếp chỉ đạo và trực tiếp làm việc với địa phương về giải phóng mặt bằng, trong trường hợp có khó khăn vướng mắc báo cáo Tập đoàn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ; tăng cường nhân lực chất lượng cao cho các Ban QLDA lưới điện; tập trung nguồn vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách; đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải, không có sự số chủ quan.