Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành: EVNNPT phải sẵn sàng các nguồn lực để quản lý vận hành lưới điện truyền tải an toàn, liên tục và ổn định

Thứ ba, 10/1/2023 | 10:17 GMT+7
Ngày 9-1-2023, tại Hà Nội, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch năm 2022 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2023. Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành dự và phát biểu chỉ đạo.

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành phát biểu tại lễ tổng kết. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Theo báo cáo của EVNNPT, năm 2022, EVNNPT thực hiện nhiệm vụ kế hoạch trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID – 19 và lấy lại đà tăng trưởng GDP, với tinh thần quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm, EVNNPT đề ra nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp thực hiện trong năm 2022. Kết quả, trong năm 2022, EVNNPT đã vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, liên tục và ổn định với sản lượng 211,47 tỷ kWh, tăng 5,28% so với năm 2021; hoàn thành khối lượng đầu tư với giá trị 16.868 tỷ đồng, giải ngân 16.524 tỷ đồng; khởi công 28 dự án, trong đó, có nhiều dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện và đảm bảo cung cấp điện cho các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội, như: Đường dây (ĐZ) 500kV đấu nối Trạm biến áp (TBA) 500kV Thuận Nam và ĐZ 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân, TBA 500kV Vĩnh Yên, nâng công suất TBA 500kV Sông Mây, ĐZ 220kV Ninh Phước – Thuận Nam, Thạnh Mỹ - Duy Xuyên, Nâng khả tăng tải ĐZ 220kV Sơn La – Việt Trì, TBA 220kV Khu kinh tế Nghi Sơn, Pắc Ma, Phú Thọ 2…; đóng điện 42 dự án, trong đó, có nhiều dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất nguồn điện BOT, Năng lượng tái tạo, Thủy điện, Nhập khẩu và các dự án phục vụ đảm bảo cung cấp điện, như: ĐZ 500kV mạch 3 Vũng Áng – Quảng Trạch – Dốc Sỏi, Vân Phong – Vĩnh Tân, Tây Hà Nội – Thường Tín, Long Thành rẽ Phú Mỹ - Sông Mây; TBA 500kV Vân Phong; Nâng công suất TBA 500kV Nho Quan, Đắc Nông, Sông Mây, Nhà Bè; ĐZ 220kV Thanh Hóa – Nghi Sơn – Quỳnh Lưu, Lào Cai – Bảo Thắng, Bắc Giang – Lạng Sơn, Nâng khả năng tải các ĐZ 220kV Việt Trì – Phú Thọ, Việt Trì – Vĩnh Tường, các TBA 220kV Tương Dương, Yên Hưng, Bắc Quang, Cam Ranh…

Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng và Tổng Giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Để đáp ứng về tài chính cho nhu cầu đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống truyền tải điện trong điều kiện gặp nhiều khó khăn từ biến động của thị trường tài chính thế giới, ngay từ đầu năm, EVNNPT đã tập trung thực hiện các giải pháp tối sưu hóa chi phí, tiết kiệm các khoản chi phí theo định mức hơn 18%, tối ưu hóa chi phí lãi vay, nâng cao nguồn thu để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Kết quả, năm 2022, các chỉ tiêu tài chính cơ bản của EVNNPT đảm bảo đáp ứng các yêu cầu: Khả năng thanh toán ngắn hạn là 1,3 lần, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 2,35 lần, tạo cho EVNNPT có điều kiện huy động vốn để đầu tư phát triển lưới điện truyền tải trong các năm tiếp theo; thu xếp vốn kịp thời cho các dự án; thực hiện thủ tục thu xếp vốn vay trong nước cho 72 dự án với tổng giá trị 26.770 tỷ đồng; đang làm việc với AFD để thu xếp vốn cho 3 dự án với tổng giá trị 67 triệu EUR; hoàn thành quyết toán 68 dự án…

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Trong năm 2022, EVNNPT thực hiện tốt các chỉ tiêu nâng cao năng suất lao động, theo đó, đã thực hiện hoàn thành chuyển đổi 3 TBA đang vận hành và đóng điện 07 TBA mới theo tiêu chí không người trực, nâng tổng số TBA theo tiêu chí không người trực lên 115 TBA/146 TBA 220kV, đạt tỷ lệ 78,8%. Năng suất lao động năm 2022 của EVNNPT đạt 32,80 triệu kWh/người, đạt 101,23% kế hoạch được giao.

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành trao Cờ thi đua của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho các đơn vị có thành tích xuất sắc. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Công tác ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và chuyển đổi số được EVNNPT tiếp tục đẩy mạnh, theo đó, hoàn thành xây dựng phần mềm, triển khai số hóa hoàn toàn công các kiểm tra quản lý vận hành đường dây, vận hành trạm biến áp và công tác thí nghiệm; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích hình ảnh và đánh giá tình trạng thiết bị trên lưới truyền tải điện; trang bị UAV và lắp đặt 65 camera AI/camera giám sát đường dây; xây dựng quy trình và đưa vào áp ứng phần mềm sửa chữa bảo dưỡng theo tình trạng thiết bị (CBM) cho các thiết bị máy biến áp, MC, DCL, TU, TI các cấp điện áp 110kV, 220kV, 500kV; đưa vào ứng dụng phần mềm quản lý sửa chữa lớn; hoàn thiện ứng dụng hiện trường (Digital workforce) trong công tác kiểm tra quản lý vận hành đường dây, trạm biến áp và thí nghiệm; ứng dụng số hóa lưới điện trên nền tảng thông tin địa lý (GIS); hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo sét trên lưới truyền tải điện, ứng dụng phần mềm mô phỏng điện từ EMTP để phục vụ báo cáo, phân tích sự cố và đưa ra giải pháp sau sự cố do sét; ứng dụng nhật ký công trình điện tử và áp dụng chữ ký số trong quản lý dự án; 100% dữ liệu thực hiện của nhá thầu được đánh giá, chấm điểm và chia sẻ trong toàn EVN đối với giai đoạn commissioning và vận hành; triển khai hệ thống giám sát bằng camera đối với nhà thầu, nhân lực và trang thiết bị của nhà thầu ra vào tại công trường TBA; bước đầu áp dụng công nghệ AI trong phần tích hình ảnh để đánh giá chất lượng các bước thi công đối với các công trình đường dây cập nhật hình ảnh thi công lên phần mềm IMIS2; ứng dụng công nghệ không ảnh trong công tác khảo sát thiết kế; đã hoàn thành ứng dụng thí điểm thiết kế BIM cho 2 TBA 220kV. Trong quản trị, đã có 497 quy trình nghiệp vụ được thực hiện trên các phần mềm dùng chung; 100% lãnh đạo các cấp, chuyên viên được trang bị hệ thống làm việc từ xa và họp trực tuyến; thực hiện số hóa các quy trình nghiệp vụ trên các phần mềm dùng chung và các phần mềm ứng dụng của EVNNPT….

Ban Kỹ thuật và Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Bắc nhận Cờ thi đua của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTVEVN Dương Quang Thành đã ghi nhận những thành tích nổi bật của EVNNPT trong năm 2022, đó là: Quản lý vận hành lưới điện truyền tải an toàn, ổn định góp phần cùng EVN đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; công tác đầu tư xây dựng đạt được kết quả đáng ghi nhân với việc hoàn thành nhiều dự án trọng điểm, cấp bách; công tác tài chính, thu xếp vốn đạt kết quả tốt, đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện; hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; cơ bản hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2022; hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong công tác sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị. 

Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành trao bằng khen cho các đơn vị có nhiều thành tích trong năm 2022. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng trao Cờ thi đua của Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng trao giấy khen của Đảng ủy EVNNPT cho các tập thể. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Tổng Giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú trao giải cho các đơn vị đoạt giải “Tìm kiếm các giải pháp chuyển đổi số trong EVNNPT năm 2022”. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng phát biểu tại lễ tổng kết. 

Tổng Giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú trình bày báo cáo tổng kết năm 2022. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Chủ tịch Công đoàn EVNNPT Trịnh Tuấn Sơn phát động phong trào thi đua năm 2023. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Năm 2023, dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng dẫn tới nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân dự báo duy trì  ở mức khoảng 6%, trong khi đó, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới và tại Việt Nam sẽ còn diễn biến phức tạp; công tác đầu tư xây dựng lưới điện sẽ tiếp tục gặp nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, khó khăn trong huy động và thu xếp vốn, vì vậy, EVNNPT phải nhanh chóng chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, lập kế hoạch chi tiết và triển khai các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là quản lý vận hành lưới điện truyền tải an toàn, liên tục, ổn định, góp phần quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần cùng EVN hướng tới mục tiêu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số.

Thanh Mai